Hòa Phát được nhận chìm hơn 15 triệu m³ vật chất xuống biển

Ngày 27-2, ông Trần Nguyễn Nghi, đại diện truyền thông Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, xác nhận thông tin trên.

Cụ thể, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ TN&MT vừa ký Giấy phép nhận chìm ở biển số 372/GP-BTNMT, cho phép Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất (đóng tại Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi) được nhận chìm vật chất ở biển.

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: HP

Vật chất được nhận chìm là chất nạo vét khu vực cảng, luồng tàu ra vào cảng, khu bến cảng thuộc Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Tổng khối lượng vật chất nhận chìm là 15,39 triệu m³, bao gồm hai giai đoạn. Giai đoạn một là 7,69 triệu m³, giai đoạn hai là 7,7 triệu m³.

Giấy phép của Bộ TN&MT cho hay thành phần của chất nhận chìm có khoảng 86,4% là cát, 13,6% bùn sét. Chất được phép nhận chìm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Địa điểm khu vực nhận chìm là vùng biển Dung Quất, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Về phương tiện chuyên chở và cách thức nhận chìm, giấy phép của Bộ TN&MT cho hay đơn vị nhận chìm sẽ sử dụng tàu hút bụng xả đáy tự hành loại 7.000 m³ đến 35.000m³. Mỗi loại tàu vận chuyển 3 chuyến/ngày, nhận chìm theo hình thức xả đáy.

Thời điểm và thời hạn thực hiện hoạt động nhận chìm từ ngày 1-3-2019 đến hết ngày 31-5-2020 (15 tháng). Trong đó, thi công giai đoạn một là năm tháng, thi công giai đoạn hai là năm tháng, thời gian dự phòng năm tháng.

Cũng theo giấy phép này, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất có trách nhiệm thực hiện nhận chìm đúng địa điểm, thời điểm và thời hạn nhận chìm theo quy định của giấy phép; phải có các biện pháp phòng, chống các sự cố, bảo đảm an toàn lao động, an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện hoạt động nhận chìm.

“Trường hợp có các dấu hiệu không đảm bảo an toàn, nhận chìm không đúng vị trí, thành phần vật chất không đúng theo giấy phép này; một trong các thông số giám sát môi trường vượt quá giới hạn cho phép, thì phải dừng ngay hoạt động nhận chìm và thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, khắc phục sự cố, đồng thời báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật”, giấy phép của Bộ TN&MT nêu rõ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm