UBND TP.HCM đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trên địa bàn TP.
Theo đó, đồ án điều chỉnh quy hoạch tại các lưu vực Tây Sài Gòn, Tân Hóa - Lò Gốm và Bình Tân theo hướng gom ba nhà máy xử lý nước thải thành một nhà máy, đặt tại nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (khu xử lý sinh học hiện hữu).
Phạm vi khu vực nghiên cứu bao gồm 53 phường thuộc chín quận-huyện: 6, 8, 11, 12, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Chánh. Tổng diện tích là 91,5 km².
Việc điều chỉnh này sẽ đem lại nhiều hiệu quả to lớn về kinh tế-xã hội cho TP nói chung cũng như khu vực dự án nói riêng. Cụ thể, nhà máy xử lý nước thải được xây dựng trên diện tích đất hiện có nên không phải bồi thường giải phóng mặt bằng. Có thể triển khai xây dựng một cách nhanh chóng, kịp thời.
Việc tập trung nước thải về một nhà máy xử lý sẽ dễ dàng áp dụng các công nghệ hiện đại hơn về xử lý nước thải, xử lý mùi triệt để...
Theo tính toán sơ bộ, việc gom ba nhà máy xử lý nước thải thành một nhà máy sẽ giảm được diện tích đất sử dụng cho các lưu vực. Từ đó bảo đảm an toàn hơn về vệ sinh môi trường và ổn định tâm lý cho người dân, tiết kiệm quỹ đất cho TP.
Ngoài ra, chi phí xây dựng và vận hành đối với một nhà máy xử lý sẽ thấp hơn việc xây dựng và vận hành ba nhà máy. Việc quản lý và quan trắc chất lượng nước đầu ra cũng đơn giản hơn do chỉ phải kiểm soát một khu vực xả thải.
Việc xây dựng một nhà máy cũng sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý cho cả ba lưu vực; tránh được việc phải thực hiện thêm các công tác kêu gọi đầu tư, lập nghiên cứu khả thi và các thủ tục về đầu tư xây dựng tại cả ba lưu vực.
Việc này còn góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm nước cho hệ thống kênh Nước Đen bằng cách xả một lượng lớn nước thải sau khi xử lý đạt QCVN 14:2008/BTNMT vào kênh. Trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy xử lý sẽ tạo ra nhiều việc làm cho người dân thông qua công tác đầu tư, xây dựng và vận hành.