UBND TP.HCM vừa chính thức ban hành mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba Trạm 2 (TP Thủ Đức) cũ đến nút giao Tân Vạn.
Đơn vị tiến hành thu phí là Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP, chủ đầu tư dự án BOT xa lộ Hà Nội (CII). Thời gian thu từ ngày 1-4.
Hơn 4.900 tỉ để giải quyết ùn tắc
Giai đoạn trước năm 2009, tuyến xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1A, từ chân cầu Sài Gòn đến ngã ba Tân Vạn (phía chân cầu Đồng Nai) mặt đường rất nhỏ hẹp, mỗi chiều chỉ có hai làn xe. Do đó tuyến đường này thường xuyên bị ách tắc, trong khi đây là tuyến huyết mạch kết nối cửa ngõ phía đông của TP.HCM với Đồng Nai, Bình Dương và đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Những ách tắc này đã ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế của doanh nghiệp, người dân.
Trước tình trạng trên, UBND TP.HCM đã nhiều lần kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư theo hình thức BOT, song rất ít nhà đầu tư hưởng ứng. Sau đó, UBND TP đã giao cho CII làm nhà đầu tư với vốn đầu tư là 2.287 tỉ đồng, chưa bao gồm lãi vay, chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu và chi phí duy tu trong thời gian chờ thu phí.
Bảng giá vé xe qua BOT xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn. Đồ họa: HỒ TRANG
Trạm BOT xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn. Ảnh: ĐT
Sau đó, UBND TP và CII tiếp tục ký phụ lục nhằm bổ sung một số hạng mục là xây dựng hai cầu và đường vào Suối Cái trên hai đường song hành, cải tạo đoạn rạch Suối Cái; bổ sung dự án xây dựng nút giao thông tại cổng chính ĐH Quốc gia và chi phí giải phóng mặt bằng đoạn qua tỉnh Bình Dương. Chỉ riêng chi phí bồi thường giải tỏa đã là 1.410 tỉ đồng (giá bồi thường duyệt năm 2009) nên tổng vốn đầu tư được điều chỉnh lên 4.905 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó Tổng Giám đốc CII, cho biết đến nay dự án đã hoàn thành 100% trục đường chính, đoạn từ cầu Sài Gòn đến cuối nút giao ĐH Quốc gia TP; nâng cấp, rải nhựa toàn bộ đoạn Dĩ An (Bình Dương) cho xe lưu thông; hoàn thành 93% trục đường song hành bên phải và 74% trục đường song hành bên trái.
Tới thời điểm này, xa lộ Hà Nội đã trở nên rộng, đẹp, có dải phân cách và cây xanh dọc tuyến. Từ đó góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân lưu thông qua lại cửa ngõ phía đông của TP.
Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM yêu cầu: Sau một năm thực hiện, UBND TP chỉ đạo Sở GTVT yêu cầu CII và doanh nghiệp dự án (Công ty CP Đầu tư và xây dựng xa lộ Hà Nội) chịu trách nhiệm rà soát, cập nhật số liệu xe thực tế, so sánh phương án giá được duyệt. Từ đó, đề xuất UBND TP xem xét, điều chỉnh mức giá tối đa phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng và nhà đầu tư, tính khả thi trong việc hoàn vốn cho toàn dự án. |
Hỗ trợ giá vé trong thời gian có dịch COVID-19
Bà Trâm cho biết thời gian qua, trạm BOT xa lộ Hà Nội mới chỉ thu phí cho dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc. Còn dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn đã đầu tư được 10 năm.
Sau khi cân nhắc, xem xét các yếu tố pháp lý, tài chính và khả năng ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, UBND TP đã thống nhất cho phép dự án được bắt đầu thu phí hoàn vốn từ ngày 1-4.
Trong đó, ngoài 11 đối tượng được miễn thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tương tự quy định tại Thông tư 35/2016 của Bộ GTVT, TP còn chấp thuận giảm 100% giá vé đối với các loại xe buýt có tuyến cố định lưu thông qua trạm xa lộ Hà Nội để khuyến khích người dân đi phương tiện công cộng. Danh sách tuyến xe buýt cố định lưu thông qua trạm thu phí xa lộ Hà Nội sẽ do Sở GTVT thông báo cho doanh nghiệp dự án.
Đồng thời giảm 50% giá vé cho ô tô dưới 12 ghế không sử dụng để kinh doanh của các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên sáu tháng trước ngày trạm thu phí xa lộ Hà Nội đi vào hoạt động (trước 1-11-2020) trên mặt đường hai tuyến đường song hành của trục xa lộ Hà Nội (thuộc TP Thủ Đức). Các trường hợp này sẽ bao gồm cả các hộ dân sống tại các chung cư trên mặt đường song hành.
TP Thủ Đức đang tích cực thống kê danh sách các chủ phương tiện thuộc diện được giảm 50% mức thu với điều kiện chủ sở hữu các xe này phải sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC). Trong đó, những hộ dân này phải có hồ sơ xác nhận của UBND TP Thủ Đức về cư trú và của Sở GTVT về việc không sử dụng xe để kinh doanh.
Bà Trâm cho biết để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19, giá vé đã được UBND TP điều chỉnh, trong năm đầu tiên thu phí chỉ là 90% mức giá đề xuất.
Cụ thể, mức vé thấp nhất cho xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2T, các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 25.000 đồng.
Mức vé cao nhất dành cho xe tải có tải trọng trên 18T, xe chở hàng bằng container 40 feet là 140.000 đồng.
Để đưa vào hoạt động chính thức, trạm thu phí xa lộ Hà nội sẽ tổ chức vận hành thu phí thử nghiệm (không thu tiền) từ 22 giờ ngày 27-3 đến 22 giờ ngày 30-3. Sau đó, chủ đầu tư sẽ chính thức thu phí vào ngày 1-4.•
Doanh nghiệp có thể mua vé tháng Để hạn chế khả năng ùn tắc tại văn phòng trạm do các chủ xe mua vé tháng, từ ngày 25-3, các doanh nghiệp vận tải có nhiều xe có thể đăng ký để doanh nghiệp dự án đến tận nơi bán vé tháng, vé quý và dán thẻ ETC. Các chủ xe cũng có thể đến văn phòng trạm thu phí xa lộ Hà nội để mua vé tháng, vé quý hoặc dán thẻ ETC để qua trạm thu phí theo làn thu phí tự động. Địa chỉ văn phòng trạm thu phí xa lộ Hà Nội (nơi bán vé tháng, vé quý): 466/2 xa lộ Hà Nội, khu phố 3, phường Phước Long A, TP Thủ Đức (đường song hành xa lộ Hà Nội, gần khu vực trạm thu phí). |