Quảng Nam: Xây cây cầu trăm tỉ 4 năm chỉ được 4 trụ

Dự án cầu Tam Giang nối thị trấn Núi Thành và xã Tam Giang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ giải quyết nhu cầu giao thông khá lớn từ trung tâm huyện đến xã ven biển Tam Giang.

Dự án chậm tiến độ, người dân ở tạm bợ

Theo ghi nhận của PV, dự án cầu Tam Giang được xây bên cạnh cây cầu cũ, hiện mới chỉ xây được bốn trụ nằm phơi nắng, chưa được nối nhịp. Tại công trường không có công nhân thi công. Ở đầu cầu phía xã Tam Giang được trưng dụng làm nơi chứa sắt, vật dụng thi công. Còn đầu cầu phía thị trấn Núi Thành, một khoảng đất rộng là nơi tập kết hàng chục dầm cầu.

Trong khi chờ cầu mới, người dân đi lại giữa thị trấn Núi Thành và xã Tam Giang vẫn sử dụng cây cầu cũ ọp ẹp, xuống cấp trầm trọng. “Trời nắng bụi bay mù mịt, trời mưa thì nước đọng, cầu vừa chật hẹp vừa khó đi, mấy năm rồi mà vẫn chưa có cầu mới” - người đi đường ngao ngán nói.

Cầu Tam Giang khởi công đã hơn bốn năm nhưng chỉ mới xây được bốn trụ. Ảnh: THANH NHẬT

Ông Nguyễn Ánh (67 tuổi, ngụ xã Tam Giang) cho biết gia đình ông nằm trong diện giải tỏa trắng. Từ khi làm cầu đến nay đã hơn bốn năm nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa làm việc xong về phương án áp giá bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

“Nhà tôi làm đã khá lâu nên xuống cấp, bây giờ nền nhà thấp hơn mặt đường nhưng lại nằm trong diện giải tỏa nên không sửa được. Mấy năm nay cứ trời mưa là nhà dột, nước tràn vào ngập từ trước ra sau. Tôi không hiểu vì sao việc giải tỏa bồi thường lại chậm đến vậy. Căn nhà đã xuống cấp, rất bất tiện nhưng đợi mãi vẫn không thấy chính quyền giải quyết cho người dân” - ông Ánh bức xúc.

Dự án tạm ngưng vướng mt bng

Theo tìm hiểu, dự án chậm tiến độ chủ yếu do bước tiến hành giải tỏa, bồi thường gặp nhiều vấn đề. Một số hộ gia đình cho rằng mức giá bồi thường thấp nên chưa bàn giao. Các hộ thuộc diện giải tỏa trắng thì không đồng tình với vị trí tái định cư do quá xa chỗ ở hiện tại, gặp khó khăn trong việc làm ăn hoặc dính kiện tụng.

Bà Lương Thị Vân (49 tuổi, ngụ xã Tam Giang) cho hay gia đình bà bị ảnh hưởng một phần, Nhà nước áp giá bồi thường 580 triệu đồng cho một phần đất và công trình trên đất. Bà Vân cho rằng cần phải bồi thường với mức giá cao hơn hoặc chỉ bồi thường công trình trên đất và bố trí một lô tái định cư với giá đất tương đương.

“Nếu bàn giao đất thì diện tích còn lại quá chật hẹp, không đủ cho cả gia đình tám người sinh hoạt. Nhà tôi mặt tiền hơn 10 m, nếu không dính bồi thường, tôi có thể bán một lô đất với giá thị trường rồi cho con gái mua một lô đất ở riêng” - bà Vân cho biết.

Chị Đinh Thị Kim Cúc (28 tuổi, ngụ thị trấn Núi Thành) cho biết gia đình sinh sống ở đây đã lâu nhưng đất chưa có sổ hồng. Phần đất này do mẹ của chị khai hoang rồi tặng hai vợ chồng chị làm ăn. Mấy năm trước, chính quyền thông báo di dời tái định cư và yêu cầu chị phải bỏ tiền mua đất làm nhà.

“Gia đình tôi không đồng tình nên đã khiếu kiện quyết định thu hồi đất. Hiện bản án của tòa đã có, đang chờ huyện Núi Thành thi hành. Chúng tôi sống dưới căn nhà xuống cấp đã quá lâu, việc sửa chữa là không thể. Tôi mong chính quyền sớm có phương án để chúng tôi an cư lạc nghiệp” - bà Cúc nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Văn Châu, Chủ tịch UBND xã Tam Giang, cho biết địa phương có 14 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án thuộc diện phải giải tỏa, di dời. Hiện nay, cơ bản các hộ đã thống nhất phương án bồi thường.

“Qua nhiều lần làm việc, 11 hộ đã thống nhất nhận tiền bồi thường, còn ba hộ vẫn chưa đồng ý. Sắp tới, địa phương sẽ tiếp tục làm việc với các hộ dân này, tìm phương án giải quyết phù hợp” - ông Châu nói.

Ông Nguyễn Quang Thạnh, Giám đốc Ban quản lý dự án và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Núi Thành (chủ đầu tư), cho biết dự án vướng giải phóng mặt bằng nên không thể triển khai đúng tiến độ. Mặt bằng liên quan đến nhóm hộ dân phía xã Tam Giang cơ bản đã giải quyết xong.

“Huyện đang lập phương án giải quyết cho nhóm hộ dân phía thị trấn Núi Thành. Vừa qua, vì một hộ gia đình trong diện bồi thường có đơn kiện nên chưa thể thực hiện bước áp giá bồi thường. Nay bản án của tòa đã có, huyện sẽ căn cứ vào đó để tiến hành làm các bước tiếp theo. Cố gắng trong năm nay chúng tôi sẽ khởi công trở lại” - ông Thạnh nói.•

Cây cầu trễ ba năm so với kế hoạch

Theo thiết kế, cầu Tam Giang có chiều dài hơn 200 m, rộng 11 m, với năm nhịp và đường dẫn hai đầu. Tổng mức đầu tư dự án là 150 tỉ đồng. Dự án do Ban quản lý dự án và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Núi Thành làm chủ đầu tư.

Cây cầu được khởi công xây dựng từ tháng 4-2017, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 7-2018. Như vậy, tính đến nay, cây cầu đã trễ ba năm so với kế hoạch ban đầu.

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

(PLO)- Nhằm áp dụng rộng rãi cho các dự án trọng điểm đang được thực hiện tại TP.HCM, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn việc thực hiện một số công việc trong quá trình chuẩn bị dự án, GPMB tương tự cơ chế như đã thực hiện với dự án đường vành đai 3.