Quy định xe kinh doanh vận tải (KDVT) có nền màu vàng được áp dụng ở một số nước từ lâu, chẳng hạn như Thái Lan, Hàn Quốc... Quy định này nhằm mục đích phân biệt giữa phương tiện KDVT và không KDVT từ đó giúp cơ quan chức năng quản lý được hoạt động của các phương tiện này.
Tuy nhiên, quy định trên được thực thi ở các nước khi điều kiện khoa học công nghệ chưa phát triển, với công nghệ hiện nay việc áp dụng quy định đi sau mấy chục năm liệu có còn hợp lý?
Hiện xe KDVT phải lắp thiết bị giám sát hành trình để cơ quan chức năng giám sát, theo dõi, nên việc áp dụng thêm biển vàng liệu có còn phù hợp? Ảnh: Bộ Công an cung cấp
Theo Bộ GTVT, tính đến tháng 3-2019, cả nước có 702.370 ô tô KDVT. Trong đó, có 263.927 xe khách và 438.443 xe tải các loại. Nếu căn cứ theo thông tư 229/2016 của Bộ Tài chính, chi phí đổi giấy đăng ký kèm theo biển số xe ô tô có lệ phí là 150.000 đồng/lần/xe. Như vậy, người dân phải chi hơn 106,3 tỉ đồng cho việc chuyển đổi biển số do thay đổi cơ chế quản lý.
Trường hợp theo số liệu mới nhất của Bộ Công an, số lượng xe KDVT khoảng 1,6 triệu thì số tiền chuyển đổi sẽ tăng lên 240 tỉ đồng.
Đó là chưa kể, quy định này làm mất thời gian khi chủ phương tiện chuyển đổi mục đích từ xe KDVT sang phương tiện sử dụng cá nhân và ngược lại. Đặc biệt, nó đi ngược với mô hình kinh tế chia sẻ mà Chính phủ đang theo đuổi. Đó là, các phương tiện cá nhân không còn linh hoạt khi sử dụng phương tiện của mình để phục vụ gia đình và KDVT kiếm thêm thu nhập.
Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, việc KDVT nên được nghiên cứu theo hướng ứng dụng công nghệ để quản lý, thay vì áp dụng một quy định đã được các nước triển khai mấy chục năm qua, khi công nghệ chưa phát triển.
Chẳng hạn, thay vì buộc các đơn vị KDVT đổi biển màu vàng, chúng ta thực hiện nhận diện qua màu tem đăng kiểm như dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang được lấy ý kiến.
Theo đó, màu tem đăng kiểm của xe KDVT và xe không KDVT sẽ khác nhau. Đặc biệt quy định này không phát sinh chi phí, thủ tục cho người dân và doanh nghiệp
Tem đăng kiểm này cũng dễ dàng in thêm mã QR mà không phát sinh thêm chi phí để hỗ trợ nhận diện phương tiện thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh...
Hơn nữa, thông qua việc nhận diện màu và mã QR của tem đăng kiểm, sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước giảm thời gian thao tác nghiệp vụ như kiểm tra giấy tờ, kiểm tra thông tin của phương tiện, áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính kịp thời, chính xác chỉ bằng… một chiếc điện thoại.
Cũng cần nhớ thêm rằng, trong quá trình xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), đang lấy ý kiến, Bộ GTVT đã nghiên cứu quy định này. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng quy định đổi màu biển số xe không phù hợp với hiện nay và khó đạt được mục tiêu quản lý…
Sau đó, trong báo cáo tác động của dự luật, Bộ GTVT đã phân tích khá kỹ, và cho thấy việc đổi màu xe tác động lớn đến người dân. Nên cơ quan này chọn phương án tem đăng kiểm như nói ở trên.
Như vậy, có thể nói việc áp dụng quy định màu biển số của Bộ Công an không còn phù hợp với điều kiện hiện nay, đặc biệt phát sinh chi phí, thời gian cho doanh nghiệp...