Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản đề nghị UBND TP kiến nghị Chính phủ chấp thuận lại việc cho TP.HCM được sử dụng phương tiện có sức chứa từ 12 chỗ đến dưới 17 chỗ để triển khai cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại trong đô thị theo đặc thù của TP. Đề án này từng bị Bộ GTVT bác vì vướng quy định.
Việc triển khai hệ thống xe buýt nhỏ từ 12 chỗ đến dưới 17 chỗ sẽ góp phần tăng cường vận tải hành khách công cộng, kiểm soát sử dụng
xe cá nhân trên địa bàn TP. Ảnh: THÁI NGUYÊN
Buýt mini sẽ hạn chế xe cá nhân
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT, cho biết việc triển khai hệ thống xe buýt nhỏ từ 12 chỗ đến dưới 17 chỗ sẽ góp phần tăng cường VTHKCC kết hợp với kiểm soát sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP.
Hiện nay, mật độ mạng lưới tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP khoảng 1 km/km2 vẫn còn rất thấp. Điều này cho thấy khả năng tiếp cận của xe buýt với người dân chưa cao nên chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ. Trong khi đó, việc sử dụng xe cá nhân làm phương tiện đi lại là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông. Từ đó, TP.HCM đã xây dựng nhiều đề án với mục tiêu kiểm soát sử dụng xe cá nhân tham gia giao thông. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, VTHKCC phục vụ được 15% và đến năm 2030 phục vụ được 25% nhu cầu giao thông đô thị.
Ông Hải cho biết thêm, với cấu trúc mạng lưới giao thông đô thị hiện nay thì hành khách gặp khó khăn trong việc tiếp cận mạng lưới xe buýt. Nguyên nhân là do xe buýt chủ yếu hoạt động trên các tuyến đường lớn, chiếm khoảng 41,81% mạng lưới đường bộ. Thông qua xe buýt nhỏ kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh, kết nối với các tuyến vận tải khách khối lượng lớn… sẽ tăng tính an toàn, giảm ùn tắc giao thông và xây dựng văn minh đô thị.
Tuy nhiên, theo ông Hải, quá trình nghiên cứu, triển khai hệ thống xe buýt này vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tại điểm c khoản 2 Điều 5 Nghị định 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô quy định: Đối với phương tiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt thì phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên. Bên cạnh đó, vị trí, số chỗ ngồi, chỗ đứng cho hành khách và các quy định kỹ thuật khác đối với xe buýt theo quy chuẩn kỹ thuật phải do Bộ GTVT ban hành.
Ngoài ra, đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên các tuyến có hành trình bắt buộc phải qua cầu có trọng tải cho phép tham gia giao thông từ 5 tấn trở xuống, hoặc trên 50% lộ trình tuyến là đường từ cấp IV trở xuống (hoặc đường bộ đô thị có mặt cắt ngang từ 7 m trở xuống) được sử dụng ô tô có sức chứa từ 12 chỗ đến dưới 17 chỗ.
Do vậy, Sở GTVT đã đề xuất UBND TP kiến nghị Chính phủ gỡ vướng, chấp thuận cho TP.HCM được sử dụng loại hình xe buýt có sức chứa từ 12 chỗ đến dưới 17 chỗ này.
Cần sớm triển khai
Theo TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức (TP.HCM), có trên 10 triệu dân song VTHKCC chỉ đáp ứng được khoảng 9% là khá khiêm tốn. Do đó, việc triển khai các đề án phát triển VTHKCC là cần thiết, cần làm sớm trong thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng với sự phát triển của xe công nghệ ngày càng cao và chiếm thị phần vận tải lớn thì Nhà nước cần nhanh chóng thay đổi, nâng cao chất lượng phục vụ, tăng khả năng tiếp cận để kéo người dân sử dụng phương tiện VTHKCC. Mô hình này cũng phải triển khai đồng đều, rộng khắp, từ ngoại thành hay nội thành. “Những vướng mắc hiện nay đang trở thành rào cản cho sự phát triển. Do đó, chúng ta cần sớm kiến nghị để cùng tháo gỡ” - TS Tuấn nói.
Đồng quan điểm, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn ủng hộ đề xuất mở các tuyến buýt mini để tăng lượng tiếp cận hành khách. Ông Sơn cho rằng khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động, việc xây dựng các tuyến buýt mini sẽ gom khách cho các tuyến buýt lớn, metro, BRT… Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, VTHKCC chỉ đáp ứng người dân ở mức độ quá nhỏ. Nguyên nhân là số tuyến ít, lộ trình không thuận tiện, khả năng tiếp cận chưa cao…
“Ngay từ bây giờ, cơ quan quản lý nhà nước cần tính toán đến phương án tăng cường khả năng tiếp cận VTHKCC để thu hút người dân, hạn chế xe cá nhân, giảm tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Chúng ta phải phát triển VTHKCC thật tốt thì mới có thể tính toán đến phương án hạn chế xe cá nhân” - ông Sơn nói.
Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cầu đường TP.HCM, cũng cho rằng đặc thù của TP là nhiều tuyến đường nhỏ, hẹp và người dân khó có thể tiếp cận VTHKCC. Do đó, đề xuất mở xe buýt mini phù hợp với thực tế của TP, nếu không mở cơ chế thì xe buýt sẽ chết dần, xe cá nhân sẽ ngày càng tăng lên và ùn tắc sẽ càng nghiêm trọng hơn.•
TP.HCM sắp có xe buýt điện Sở GTVT TP cho biết đang báo cáo TP về việc mở mới tuyến xe buýt sử dụng năng lượng sạch (xe buýt điện). Việc mở tuyến xe buýt điện xuất phát từ đề xuất của Tập đoàn Vingroup về việc lập đề án Đầu tư phương tiện, tổ chức hoạt động VTHKCC bằng xe buýt điện có trợ giá trên địa bàn TP Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, TP.HCM sẽ có năm tuyến xe buýt điện với 77 xe buýt điện cao cấp, có sức chứa 65-70 chỗ (đứng và ngồi), chi phí đầu tư khoảng 6,5 tỉ đồng/xe. Để có cơ sở triển khai, Sở GTVT kiến nghị UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đưa xe buýt điện vào hoạt động thí điểm. Đồng thời, cho phép áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đã được ban hành đối với xe buýt CNG. |