Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo nghị định thay thế Nghị định 132/2015 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Trong đó, tăng mức phạt tiền đối với nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.
Người sử dụng rượu, bia điều khiển tàu, thuyền có thể bị phạt tới 40 triệu đồng. Ảnh: ĐÀO TRANG
Có nồng độ cồn là phạt
Theo đó, Nghị định 132/2015 chỉ quy định thuyền viên, người lái có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc 0,25 miligam/01 lít khí thở, hoặc sử dụng các chất kích thích khác mà luật cấm sử dụng mới bị phạt tiền 200.000-300.000 đồng. Nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/01 lít khí thở, bị phạt 500.000-1 triệu đồng.
Như vậy, nghị định hiện hành đang cho phép thuyền viên, người lái có nồng độ cồn ở mức giới hạn cụ thể mới bị xử phạt, số tiền phạt cao nhất cho hành vi sử dụng rượu, bia là 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, dự thảo nghị định lần này quy định thuyền viên, người lái uống một ly rượu cũng bị phạt với mức cao.
Cụ thể, dự thảo quy định thuyền viên, người lái đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc 0,25 miligam/lít khí thở, hoặc có các chất kích thích khác mà luật cấm sử dụng thì bị phạt tiền 3-5 triệu đồng.
Thuyền viên, người lái đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở thì bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Đặc biệt, dự thảo quy định phạt tiền ở mức 20-40 triệu đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu, hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Cạnh đó, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện 2-4 tháng.
Theo Bộ GTVT, quy định này được đưa ra nhằm phù hợp với Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia năm 2019.
Phạt nặng người khai thác cát, sỏi trái phép
Cũng theo đại diện Bộ GTVT, hiện hầu hết mức xử phạt được quy định tại Nghị định 132 còn thấp, chưa đủ sức răn đe, không còn phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội cũng như chưa tương xứng với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Chẳng hạn như hành vi khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác trong phạm vi luồng mà không được cấp phép chỉ ở mức 55-60 triệu đồng. Vì vậy, trong dự thảo nghị định lần này quy định rõ hành vi và tăng mức xử phạt đối với việc khai thác cát, sỏi trái phép.
Cụ thể, dự thảo quy định phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với người sử dụng phương tiện nạo vét, vận chuyển chất nạo vét không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định…
Phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với hành vi đổ chất nạo vét không đúng vị trí quy định. Phạt tiền 30-50 triệu đồng đối với hành vi nạo vét vùng nước đường thủy nội địa không đúng yêu cầu kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Đối với hành vi nạo vét vùng nước đường thủy nội địa mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định sẽ bị phạt tiền 50-75 triệu đồng.
Ngoài phạt tiền, cơ quan chức năng cũng sẽ phạt bổ sung các hành vi trên bằng việc tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng có thời hạn 3-6 tháng. Cạnh đó, tịch thu phương tiện, thiết bị sử dụng để nạo vét, vận chuyển chất nạo vét của các thuyền viên, chủ thuyền theo từng cấp độ vi phạm.
Ngoài ra, dự thảo nghị định lần này cũng tăng mức phạt, đối tượng xử phạt áp dụng đối với cả người khai thác và sử dụng dịch vụ vận tải nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt đối với các phương tiện chở người.
Bộ GTVT cho biết dự thảo nghị định lần này đã làm rõ phạm vi, đối tượng áp dụng, chủ thể có thẩm quyền, các hành vi vi phạm và mức xử phạt tương ứng.
“Việc bổ sung các hành vi vi phạm, nâng mức xử phạt có ý nghĩa quan trọng trong việc răn đe, giáo dục. Dự thảo nghị định ra đời là cơ sở nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động đường thủy nội địa...” - Bộ GTVT cho hay.•
5 năm xử phạt hơn 670.000 trường hợp vi phạm Theo Bộ GTVT, trong khoảng năm năm triển khai Nghị định 132, lực lượng tuần tra, kiểm soát cảnh sát đường thủy các địa phương đã phát hiện, lập biên bản xử lý 671.611 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy. Lực lượng chức năng ra quyết định phạt tiền 630.449 trường hợp với 683.883 lỗi vi phạm; chuyển Kho bạc Nhà nước thu gần 456 tỉ đồng; đình chỉ hoạt động 1.767 trường hợp; tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn có thời hạn 315 trường hợp. Tuy nhiên, một số hành vi vi phạm, nhất là đối với phương tiện vận tải hành khách mức xử phạt còn nhẹ, chưa quy định hình thức phạt bổ sung nên chưa đủ sức răn đe, giáo dục người vi phạm. Cạnh đó là quy định về thẩm quyền của thanh tra giao thông, CSGT, cảng vụ cần được phân định cụ thể hơn..., vì vậy cần phải sửa đổi nghị định nêu trên. |