Đổ thuốc trừ sâu xuống sông bắt tôm: Không thể chấp nhận được!

(PLO)- Bạn đọc cho rằng chính quyền địa phường cần xử lý dứt điểm, quản lý chặt tình trạng đổ thuốc trừ sâu xuống sông bắt tôm để bảo vệ thủy sản, nguồn nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, loạt bài điều tra “Đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai bắt tôm” do PV báo Pháp Luật TP.HCM thực hiện đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Qua những thông tin ban đầu, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã chứng kiến, ghi nhận trực tiếp tình trạng nhiều người đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai để bắt tôm.

Một số bạn đọc cho rằng hành vi đổ thuốc trừ sâu xuống sông bắt tôm không những tận diệt nguồn thủy sản tự nhiên mà làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu người dân. Với cách đánh bắt thủy sản như vậy cần phải ngăn chặn ngay và xử lý nghiêm.

Phải quản lý chặt nguồn thủy sản tự nhiên

Bạn đọc Lan Minh bình luận: “Tôi đã có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực vệ sinh thực phẩm và hiểu được tác hại của nguồn thực phẩm bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe của con người như thế nào. Với tôi, nguồn hải sản bị đánh bắt kiểu này thì quá độc hại, không thể chấp nhận được. Nó không những tận diệt nguồn sinh sống của tôm, cá, vi sinh vật, hư hại trứng của sinh vật mà là hủy hoại môi trường... Độc chất từ thuốc trừ sâu vào cơ thể con người không làm chết ngay, mà nó làm hư hại các cơ quan của cơ thể như gan, ruột, thận... Theo tôi, cần phải xử rất nghiêm hành vi này bởi chỉ vì tiền mà người bắt tôm, cá kiểu này sẵn sàng hại người khác”.

“Cách đánh bắt tôm, cá như thế này trước đây quê tôi cũng có. Ngày xưa tôm, cá quê tôi rất nhiều và cũng bởi một số người đã chích điện, bỏ thuốc bắt sạch, giờ chỉ còn cá nuôi chứ cá tự nhiên đã cạn kiệt. Lâu nay, quy định chế tài đã có nhưng các cơ quan chức năng vẫn còn thờ ơ, chưa quyết tâm xử lý nên mới có tình trạng đổ thuốc trừ sâu xuống sông bắt tôm. Vì thế, cần xem xét trách nhiệm quản lý của địa phương trong việc để cho tình trạng

tái diễn” - bạn đọc Phúc Vinh nêu ý kiến.

Đổ thuốc trừ sâu xuống sông bắt tôm
Loạt bài điều tra “Đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai bắt tôm” do PV Pháp Luật TP.HCM
thực hiện.

Bạn đọc Lê Duy Thuận nêu: “Có lẽ quy định của pháp luật chưa nghiêm, chưa có tính chất răn đe nên các đối tượng vi phạm vẫn ngang nhiên phạm tội. Bên cạch đó, tinh thần trách nghiệm của cán bộ quản lý lỏng lẽo, công tác tuyên truyền chưa hiệu quả. Theo tôi, hành vi đổ thuốc trừ sâu xuống sông bắt tôm, nên xem xét quy vào tội hủy hoại môi trường và phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì mới có tính răn đe”.

Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản phạt đến 10 năm tù

Một số bạn đọc thắc mắc hiện nay pháp luật quy định như thế nào đối với các hành vi hủy hoại môi trường, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Theo Điều 28 Nghị định 42/2019, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, có quy định về các mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản.

Cụ thể, hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá thì người vi phạm bị xử phạt tiền 3-5 triệu đồng.

Trường hợp sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản thì mức xử phạt lên đến 40 triệu đồng.

Đối với người vi phạm sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền 40-50 triệu đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị xử phạt bổ sung tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ.

Đối với trường hợp sử dụng chất cấm, hóa chất cấm, chất độc để khai thác thủy sản thì mức xử phạt quy định tại Điều 29 Nghị định 42/2019. Cụ thể, phạt tiền 50-70 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm, hóa chất cấm, chất độc, hóa chất khác để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu chất cấm, hóa chất, hóa chất cấm, chất độc và thủy sản khai thác, đồng thời người vi phạm còn bị buộc khôi phục tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm.

“Nếu vượt mức xử lý hành chính thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản được quy định tại Điều 242 BLHS. Khung hình phạt cao nhất của tội danh này lên đến 10 năm tù và người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm. Ngoài ra, pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị phạt tiền 50-200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định 1-3 năm hoặc cấm huy động vốn 1-3 năm” - luật sư Hoan nói.

Cách nào hạn chế tồn dư chất hóa học trên thực phẩm?

Trước những thông tin về tình trạng đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai bắt tôm, một số bạn đọc cũng đặt câu hỏi làm thế nào để hạn chế tồn dư chất hóa học trên thực phẩm?

Liên quan đến vấn đề này, TS Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Liên chi hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM, cho biết việc hạn chế tồn dư chất hóa học trên thực phẩm tùy thuộc vào hoạt chất hóa học tồn dư trên thực phẩm. Có những loại được cho phép sử dụng và sử dụng đúng liều lượng và thời gian áp dụng theo chỉ dẫn thì sẽ không để lại dư lượng trên thực phẩm.

Nếu sử dụng những loại không nằm trong danh mục cho phép hoặc sử dụng không đúng liều lượng và thời gian theo chỉ dẫn thì sẽ để lại dư lượng trên thực phẩm.

Một khi thực phẩm còn tồn dư hóa chất thì hầu như không có biện pháp nào để phân hủy hoặc rửa sạch. Chỉ có thể làm giảm nhẹ đi dư lượng bằng cách bảo quản thực phẩm sau khi mua về trong thời gian vài ngày (4-5 ngày) nhưng biện pháp này sẽ đồng thời làm giảm đi chất lượng và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.

TRẦN MINH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm