TAND thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) vừa xử sơ thẩm vụ vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ của La Phúc Thành (ngụ xã Long Trị A).
Uống rượu, lái xe gây tai nạn
Theo hồ sơ, sáng 28-7-2013, Thành chạy xe máy đến nhà Trần Chí Trung (phường Thuận An) để uống rượu cùng hai người bạn nữa. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, cả nhóm đến nhà Lê Minh Luân (xã Long Trị) nhậu tiếp. Sau đó Trung say rượu, lên giường nằm ngủ. Những người còn lại nhậu thêm chừng hai tiếng thì rủ nhau đi hát karaoke. Mọi người kêu Trung dậy nhưng Trung đi không nổi.
Tại quán karaoke, cả nhóm vừa hát vừa uống bia. Được một lúc, Thành lấy xe máy chạy về nhà Luân để rước Trung đi. Bà của Luân thấy vậy bèn nói: “Nó xỉn, ngồi trên xe không đi được đâu!”. Thành bảo được rồi kè Trung lên xe chở.
Đi một đoạn, xe của Thành đụng vào xe máy của ông Lê Minh Đảo đang chạy theo hướng ngược lại. Tai nạn làm ông Đảo tử vong tại chỗ, Thành và Trung được đưa đến BV Đa khoa Long Mỹ điều trị. Thành bị thương nặng nên được gia đình chuyển đến BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị đến ngày 13-8-2013 mới ra viện.
Kết quả khám nghiệm hiện trường xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông là do Thành điều khiển xe máy chạy lấn sang bên trái đường 0,3 m. Theo kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hậu Giang, ông Đảo tử vong do mất máu cấp và thủng động mạch chủ tim. Phiếu xét nghiệm huyết học của BV Đa khoa Long Mỹ xác định hàm lượng cồn trong máu của Thành là 0,98 mg/100 ml, của Trung là 1,35 ml/100 ml.
Đổ tội cho người say, bị tòa bác
Trong quá trình điều tra, Thành không thừa nhận điều khiển xe máy chở Trung gây tai nạn làm ông Đảo tử vong mà đổ cho Trung cầm lái. Trung thì khẳng định Thành đã ghé nhà Luân chở Trung về, chính Thành cầm lái vì Trung say quá nên không biết gì.
VKSND thị xã Long Mỹ truy tố Thành về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo điểm b khoản 2 Điều 202 BLHS (phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng, khung hình phạt từ ba năm tù đến 10 năm tù).
Tại phiên xử sơ thẩm mới đây của TAND thị xã Long Mỹ, nhóm bạn cùng Thành đi hát karaoke khai khi đến quán karaoke thì không có Trung vì Trung say xỉn, nằm lại nhà Luân. Trung tiếp tục khẳng định lại việc Thành điều khiển xe vì Trung say quá đi không nổi. Vợ chồng bà của Luân cũng khai có việc Thành chạy xe máy về nhà họ rồi chở Trung đi.
Trong khi đó, Thành khai ban đầu Thành điều khiển xe chở Trung nhưng xe hết xăng, Thành dừng lại đổ xăng thì có tin nhắn của bạn gái gửi đến. Vì vậy, Thành đã đổi tay lái cho Trung để trả lời tin nhắn.
Luật sư của Thành đề nghị xem xét lời khai của hai nhân chứng là Nguyễn Thị Ví, Đặng Thị Hồng Nhung. Hai người này đều xác định có gặp xe máy của Thành, Trung chạy ngược chiều và thấy người ốm (Trung) điều khiển xe, người mập (Thành) ngồi sau. Luật sư cũng cho rằng các kết luận giám định mang tính suy diễn, không khoa học, biên bản khám nghiệm hiện trường bị xáo trộn nên việc thu thập không khách quan, không làm chứng cứ buộc tội Thành được. Từ đó, luật sư đề nghị tòa tuyên bố Thành không phạm tội.
Theo tòa, bà Ví có ba lời khai trong hồ sơ nhưng lúc thì xác định không nhìn rõ mặt Thành (lời khai ban đầu), khi thì nhìn rõ mặt Thành (hai lời khai sau). Lời khai của bà Nhung thì mâu thuẫn với lời khai của một nhân chứng ngồi sau xe máy của bà Nhung.
Cuối cùng, từ các kết luận giám định và giải thích kết luận giám định về dấu vết để lại trên hai xe máy va chạm, về thương tích…, TAND thị xã Long Mỹ kết luận lời khai của Thành và của hai nhân chứng Ví, Nhung không đúng sự thật. Tòa bác bỏ các căn cứ biện hộ của luật sư cho rằng Thành không phạm tội và phạt Thành ba năm sáu tháng tù. Về phần dân sự, tòa buộc Thành phải bồi thường cho gia đình người bị hại tổng cộng 85 triệu đồng và cấp dưỡng nuôi hai con của người bị hại 575.000 đồng/tháng/cháu cho đến khi hai cháu tròn 18 tuổi.
Khó xử nhân chứng làm ‘rối’ vụ án Trong tố tụng hình sự, lời khai của người làm chứng có ý nghĩa quan trọng giúp tòa ra phán quyết đúng đắn. Làm chứng vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của mọi công dân. Người làm chứng có nghĩa vụ khai báo trung thực tất cả những gì mà họ biết về vụ án. Điều 307 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định về tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật. Theo đó, người làm chứng nào mà khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm... Quy định là vậy nhưng trên thực tế, cơ quan tố tụng thường không xử lý nhân chứng dù họ khai tiền hậu bất nhất, nội dung mâu thuẫn, có biểu hiện không trung thực, làm vụ án phức tạp, kéo dài... Có thực tế này bởi cơ quan chức năng khó làm rõ được động cơ, mục đích của nhân chứng để chứng minh họ cố ý khai báo gian dối, cố ý cung cấp tài liệu mà họ biết rõ là sai sự thật. Rất nhiều trường hợp ra phiên xử, tòa hỏi vì sao khai báo tiền hậu bất nhất thì nhân chứng bảo lúc đầu nhớ không rõ, về sau nhớ rõ hơn… Chẳng hạn ở vụ án của La Phúc Thành, rõ ràng đã có hai nhân chứng khai có lợi cho Thành nhưng mâu thuẫn, không đáng tin cậy. Tuy nhiên, do CQĐT chưa xác định được động cơ, mục đích vì sao họ lại khai như vậy nên tòa cũng không đề cập đến. |