Đoàn ĐBQH TP.HCM và 3 dấu ấn nhiệm kỳ 2016-2021

Chiều 12-1, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết nhiệm kỳ khóa 2016-2021.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang. Ảnh: LÊ THOA

Gỡ điểm nghẽn, mở động lực phát triển

Tại buổi tổng kết, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhìn nhận nhiệm kỳ qua, Đoàn ĐBQH TP đã tích cực cùng hệ thống chính trị của TP xây dựng, đề xuất với QH, Ủy ban Thường vụ QH xem xét, ban hành ba nghị quyết với những quyết sách đột phá, tạo cơ hội cho TP phát triển nhanh và bền vững.

Ba nghị quyết này gồm: Nghị quyết 54 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP; Nghị quyết 1111 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM.

Theo ông Phong, các ĐBQH đã thấu hiểu và hòa mình vào trăn trở của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP để tìm lời giải cho bài toán tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, mở động lực phát triển TP. Chính vì thế, ông Phong cho biết UBND TP sẽ tận dụng các cơ chế đặc thù một cách hiệu quả nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế, đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước, cùng cả nước, vì cả nước và phục vụ người dân TP được tốt hơn.

Cạnh đó, ông Phong cho biết Đoàn ĐBQH TP đã cùng với hệ thống chính trị TP nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án chậm tiến độ, có khiếu nại kéo dài nhưng chưa được xử lý và giải quyết triệt để. Cụ thể như dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án kênh Hàng Bàng giai đoạn 2 (quận 6), dự án khu đô thị Sing - Việt (huyện Bình Chánh)… Qua đó, đoàn đã có nhiều kiến nghị, văn bản gửi đến các cơ quan có thẩm quyền của trung ương xem xét, tháo gỡ cho TP.

 “Sau các ý kiến đóng góp, kiến nghị của Đoàn ĐBQH TP, UBND, các ban, ngành đã tích cực vào cuộc. Tuy vẫn còn một số công trình, dự án chậm tiến độ, kéo dài, phải báo cáo giải trình, trả lời kiến nghị cử tri qua nhiều kỳ họp nhưng nhìn chung cơ bản các kiến nghị của cử tri đã được các đơn vị của TP xem xét, nghiên cứu, xử lý và trả lời thỏa đáng” - ông Phong nói thêm.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong. Ảnh: LÊ THOA

Ý kiến sắc sảo vì TP, vì cả nước

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang nhìn nhận Đoàn ĐBQH TP khóa XIV đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Chắc chưa có nhiệm kỳ nào, địa phương nào trong nhiệm kỳ của mình đã đề xuất với QH ba nghị quyết cho sự phát triển của địa phương đó. Nếu lấy tiêu chí này làm định lượng thì tôi tin chúng ta được xét một thứ hạng rất cao” - ông Quang nói.

Theo ông, với nhiều cá nhân xuất sắc và một tập thể đoàn kết, có trách nhiệm đã khẳng định được vị thế của Đoàn ĐBQH TP.HCM trong nhiệm kỳ qua. Trong đó, trên các diễn đàn, Đoàn ĐBQH TP đã có nhiều ý kiến sắc sảo, không chỉ đóng góp cho sự phát triển của TP mà còn đóng góp cho sự xây dựng chính sách chung của cả nước. 

“Tôi đi tiếp xúc ở nhiều nơi, nghe bà con nói rằng họ khao khát mở tivi để nghe các đại biểu của TP.HCM phát biểu ý kiến. Có thể vì thời lượng nên một số kiến nghị của người dân chưa được giải quyết hết nhưng ít nhiều đã tạo được niềm tin có giá trị, đáng ghi nhận” - ông Quang nói.

Trong thời gian tới, Phó Bí thư thường trực Thành ủy đề nghị những đại biểu nào tiếp tục nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới cần phát huy truyền thống, những kinh nghiệm, sự khao khát phát triển để đóng góp chung cho TP. Ông cũng mong muốn các ĐBQH sẽ theo dõi việc thực hiện ba nghị quyết mà chính các đại biểu là những người ghi dấu ấn trong đó.

TP.HCM: Nơi khởi nguồn, xây dựng các chính sách lớn

Đại biểu Phan Thanh Bình, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, nhìn nhận vị trí của TP.HCM không chỉ ở lĩnh vực kinh tế mà cả trong việc xây dựng chính sách, luật pháp.

Theo ông Bình, Đoàn ĐBQH TP.HCM là đoàn đại biểu lớn, không chỉ đông mà còn chất lượng. Nhiều ý kiến phát biểu của ĐBQH TP đã được chấp nhận, góp phần vào xây dựng, hoàn thiện các văn bản của QH, luật pháp và một số nghị quyết của QH. Đây là truyền thống của TP.HCM.

ĐB Phan Thanh Bình đề nghị đối với những vấn đề còn nhiều bức xúc thì phải có cơ chế phối hợp của ba cấp cán bộ dân cử gồm QH, HĐND TP và quận, huyện. Những vấn đề mà TP đang gặp bức xúc nhưng nằm ở chính sách nhà nước thì Đoàn ĐBQH với nhân lực, tiềm lực, chuyên gia có thể tổng hợp thành một số vấn đề, chính sách lớn để đề nghị. Từ đó, giải quyết được vấn đề cho cả TP và cả nước; chẳng hạn về các dự án lớn, đầu tư, biên chế…

“TP.HCM phải là một nơi có thể đóng góp những chính sách lớn. Dưới góc độ của Thường vụ QH, tôi thấy TP có thế mạnh này” - ông Bình nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm