Các tay súng nổi dậy ở thị trấn Harasta ngày 22-3 đã lên đoàn xe đầu tiên rút khỏi Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damacus (Syria). Động thái đầu hàng đầu tiên này đến sau chiến dịch không kích, tấn công mạnh của quân chính phủ Syria hơn một tháng trước vào Đông Ghouta - địa phương nằm trong sự kiểm soát của phe nổi dậy từ năm 2014.
Đoàn xe khoảng 30 chiếc chở 413 tay súng nổi dậy và khoảng 1.150 người thân của họ rời Harasta vào chiều tối 22-3. Đây không phải là đoàn xe duy nhất. Nhóm Hezbollah cho biết tổng cộng có khoảng 1.500 tay súng nổi dậy và 6.000 người thân đã đồng ý rời đi. Còn khoảng 18.000-20.000 người ở lại Harasta dưới sự kiểm soát của chính phủ.
Đoàn xe chở các tay súng nổi dậy và người thân ở thị trấn Harasta, Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damacus (Syria) ngày 22-3. Ảnh: REUTERS
Các tay súng này thuộc nhóm nổi dậy Ahrar al-Sham, chấp nhận thỏa thuận do Nga bảo trợ, giao quyền kiểm soát Harasta cho chính phủ, đổi lại được cung cấp đường rút an toàn cho mình và người thân khỏi Đông Ghouta. Điểm đến của các tay súng này sẽ là tỉnh Idlib ở tây bắc Syria do phe nổi dậy kiểm soát.
Đoàn xe chở các tay súng nổi dậy và người thân ở thị trấn Harasta, Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damacus (Syria) rời đi vào chiều tối 22-3. Ảnh: REUTERS
Hiện tại Đông Ghouta còn hai nhóm nổi dậy, Jaish al-Islam kiểm soát thị trấn đông đúc nhất Douma và Failaq al-Rahman kiểm soát các thị trấn Jobar, Ein Terma, Arbin và Zamalka.
Trả lời phỏng vấn truyền hình nhà nước Syria, một quan chức quân đội Syria đe dọa các nhóm nổi dậy còn lại nếu không đồng ý rời Đông Ghouta sẽ phải chết.
Quang cảnh hoang tàn ở thị trấn Douma, Đông Ghouta ngày 21-3. Ảnh: REUTERS
Trong ngày 22-3 không kích vẫn diễn ra ở một số khu vực Đông Ghouta làm 19 người chết, theo thống kê của Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria. Phe nổi dậy vẫn nã pháo về thủ đô Damacus làm hai người thiệt mạng.
Đông Ghouta được xem là căn cứ cuối cùng của phe nổi dậy nằm gần thủ đô Damacus. Chiến dịch không kích Đông Ghouta được xem là một trong những chiến dịch ác liệt nhất trong cuộc chiến bảy năm ở Syria. Hơn 1.500 người đã thiệt mạng vì bom, tên lửa, pháo từ máy bay quân chính phủ Syria và cả Nga.
Binh sĩ Syria tại thị trấn Harasta, Đông Ghouta tối 22-3. Ảnh: REUTERS
Chiến thuật chính phủ Syria và Nga sử dụng tại Đông Ghouta không phải mới. Nó đã từng được chính phủ Syria và Nga sử dụng và thành công, kể từ khi Nga tham gia vào cuộc chiến Syria năm 2015. Các bước của chiến dịch này rất quen thuộc với các bước chính phủ Syria và Nga từng thực hiện thành công ở các chiến trường khác, như Aleppo và Homs: Phong tỏa, không kích thả bom, tấn công thực địa, sau đó thì đề nghị đầu hàng đổi lấy đường rút an toàn.