Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu than: Đang bị ép!

(PLO)- Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu thời gian qua có nguyên nhân là do nhiều quy định về quản lý xăng dầu chưa phù hợp, đặc biệt ở khâu bán lẻ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 31-1, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu từ Bắc vào Nam đã đến Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để phản ánh về tình hình thực tại của kinh doanh bán lẻ xăng dầu và mong muốn thông qua VCCI đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu.

Ông Giang Chấn Tây, chủ một DN bán lẻ xăng dầu tại Trà Vinh, đồng thời cũng là đại diện cho hàng trăm DN bán lẻ xăng dầu đang gửi đơn kiến nghị, cho biết tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu thời gian qua có nguyên nhân là do nhiều quy định về quản lý xăng dầu chưa phù hợp, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ.

Một cửa hàng xăng dầu ở Ninh Bình đóng cửa ngừng bán hàng bị lực lượng chức năng kiểm tra. Ảnh: QLTT

Một cửa hàng xăng dầu ở Ninh Bình đóng cửa ngừng bán hàng bị lực lượng chức năng kiểm tra. Ảnh: QLTT

Ông Tây cho biết, theo quy định, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên dù lời hay lỗ DN vẫn buộc phải bán hàng, nếu ngừng bán phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt.

Và thực tế thời gian qua, dù phải chịu mức chiết khấu 0 đồng, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu vẫn phải duy trì kinh doanh.

Theo các DN bán lẻ, họ chỉ được lấy hàng một nơi nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu, thương nhân phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận. Kể cả sau 1, 2 năm đổi nhà phân phối khác thì vẫn bị chèn ép chiết khấu như vậy. Bởi nhà phân phối biết rằng nếu DN bán lẻ không lấy hàng của họ thì cũng không thể lấy hàng của nhà phân phối khác.

“DN bán lẻ ở trong thế rất kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu. Hiện nay Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, nhưng những sửa đổi, bổ sung của dự thảo Nghị định này không thay đổi được gì với tình hình của DN bán lẻ hiện nay” - ông Tây nói.

Một DN bán lẻ xăng dầu ở phía Nam cũng chỉ ra một điểm bất hợp lý. Đó là thương nhân phân phối cũng sở hữu cửa hàng bán lẻ nhưng được lấy hàng từ nhiều nơi, còn thương nhân bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một nơi.

“Như vừa rồi Bộ Công Thương rút giấy phép một số DN đầu mối, phân phối xăng dầu, các DN bán lẻ lấy hàng từ hệ thống phân phối đó đã đứt nguồn cung vì không thể xoay sở kịp thời” - DN này chia sẻ.

Từ những bất cập trên, các DN bán lẻ xăng dầu đề xuất ấn định mức chiết khấu cố định tối thiểu cho DN bán lẻ xăng dầu ở mức phù hợp. Cho DN bán lẻ được lấy hàng từ ba nguồn thay vì chỉ một nguồn như hiện nay để triệt tiêu sự độc quyền, linh động trong nguồn hàng khi một nơi không thể cung ứng hàng kịp thời, tránh đứt gãy nguồn cung.

Đồng thời các DN cũng đề xuất bỏ loại hình thương nhân phân phối xăng dầu để giảm chi phí trung gian. Nếu vẫn để loại hình thương nhân phân phối thì không cho hoạt động bán lẻ để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh đối với các DN bán lẻ xăng dầu.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến của DN để làm cơ sở tham mưu, góp ý trong quá trình lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 95/2021, Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm