Đây là thông tin mà Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, đang diễn ra sáng nay, 11-8, tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo, Chính phủ đã triển khai một loạt chính sách, giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn. Mặt bằng tỉ giá, lãi suất hợp lý được duy trì.
“Các con số tăng trưởng ấn tượng trong 7 tháng đầu năm đã phản ánh sự đúng đắn và kịp thời của các chính sách trong thời gian vừa qua” - ông Dũng nhấn mạnh.
Đây không chỉ là nhận định của Bộ KH&ĐT mà còn là đánh giá của các tổ chức quốc tế, theo đó đều nhận xét tích cực đối với phát triển kinh tế ở Việt Nam. Xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức "ổn định" và "tích cực". Nhiều chuyên gia nhận định khả năng chống chịu của nền kinh tế là khá tốt tại thời điểm hiện tại.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp. Ảnh: VGP |
Theo báo cáo của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, hiện nay, thị trường của doanh nghiệp đặc biệt là thị trường nội địa trong một số ngành phục hồi trên 75-85% so với thời điểm trước dịch bệnh COVID-19. Doanh thu trong 2 quý đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành còn cao hơn so với cùng kỳ trước dịch.
Niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực. Gần 92% doanh nghiệp cho rằng sẽ giữ nguyên quy mô kinh doanh hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh trong quý III tới. 85% doanh nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III sẽ ổn định và có xu hướng tốt lên so với quý II.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng.
Số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động tăng đáng kể nhưng tỉ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động vẫn còn cao. Còn thiếu vắng các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn. Quy mô doanh nghiệp cả nước còn quá nhỏ bé ngay cả khi so sánh với các nước trong khu vực, với gần 98% là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng cho thấy các tháng cuối năm 2022, nền kinh tế dự kiến tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Đó là giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh; tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành và địa phương; đồng thời, quy định tăng mức lương tối thiểu vùng cũng tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp.
Cùng với đó là tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn; biến động bất lợi ở cả phía cung và cầu ở nhiều ngành hàng; một số vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để khiến nhiều dự án đầu tư ở địa phương chưa triển khai được
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: VGP |
Những vấn đề này, theo Bộ trưởng Dũng, đã được cộng đồng doanh nghiệp liên tục phản ánh qua nhiều hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn giải quyết triệt để các vướng mắc này hơn là hỗ trợ tài chính.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng mô tả, làm rõ nhiều nguy cơ, thách thức và khuyến nghị nhiều giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp.
4 chính sách ngắn hạn và dài hạn
Trong ngắn hạn:
+ Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để
+ Tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
+ Đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục đứt gẫy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào… tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước…
+ Tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, một số khu vực
Trong dài hạn
+ Tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác xây dựng chiến lược ngành, quy hoạch cấp tỉnh; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội…
+ Tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp
+ Hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0.
+ Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.
(Nguồn: Báo cáo của Bộ KH&ĐT tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, ngày 11-8)