Ngày 4-6, ông Nguyễn Đạt, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, xác nhận UBND tỉnh đang bị hai doanh nghiệp kiện liên quan các quyết định thu hồi đất dự án nằm trên địa bàn thị xã Điện Bàn.
Ông Đạt cho hay theo đề nghị của BQL phát triển đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc trước đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã thu hồi một số dự án trên địa bàn thị xã Điện Bàn do chậm triển khai, chủ yếu là do năng lực của chủ đầu tư (CĐT) không đủ khả năng thực hiện.
Một góc dự án Khu đô thị số 6 ngổn ngang sau nhiều năm được chính quyền giao đất. Ảnh: TẤN VIỆT
Trong đó, nổi bật là các dự án Khu đô thị (KĐT) số 6 do Công ty TNHH Chí Thành (Công ty Chí Thành) làm CĐT và dự án KĐT 7A của Công ty cổ phần địa ốc Đại Việt Miền Trung (Công ty Đại Việt).
“Các dự án này đều chậm tiến độ thực hiện, nhiều lần xin gia hạn và chính bản thân các CĐT này cũng đã nhiều lần cam kết thực hiện đúng dự án nhưng vẫn không triển khai”, ông Đạt nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi thu hồi lại một số diện tích của các dự án nói trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã cho thanh tra quá trình đầu tư, sử dụng đất tại các dự án.
Cụ thể, dự án KĐT số 6 của Công ty Chí Thành có diện tích quy hoạch 53,8 ha, đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trên một phần dự án vào năm 2012.
Tuy nhiên sau đó, Công ty Chí Thành đem thế chấp các GCNQSDĐ này để vay vốn Ngân hàng Đại chúng và không có khả năng chi trả. Tiếp đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Dana HomeLand đã mua lại khoản nợ của Công ty Chí Thành tại Ngân hàng Đại chúng theo Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội trên diện tích 27,9 ha.
22,4 ha còn lại của dự án, từ năm 2012 đến năm 2016, Công ty Chí Thành tiếp tục “ngâm” không thực hiện. Do đó, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định thu hồi và giao cho BQL đô thị Điện Nam – Điện Ngọc quản lý. Phần đất này được giao cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Quảng để làm quỹ đất đối ứng xây dựng đường trục chính đô thị Điện Nam – Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn.
UBND tỉnh Quảng Nam đang đẩy mạnh việc thu hồi các dự án bất động sản "treo" nhiều năm. Ảnh: TẤN VIỆT
Đối với Công ty Đại Việt, đơn vị này được UBND tỉnh Quảng Nam giao làm CĐT KĐT 7A với quy mô 16,5 ha tại đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc từ năm 2008 nhưng chưa triển khai như cam kết.
Sau nhiều lần lập biên bản, ký cam kết thúc đẩy dự án, Công ty Đại Việt vẫn không thực hiện, dự án “treo” nhiều năm liền. Vì vậy, tỉnh Quảng Nam ra quyết định thu hồi đất và giao cho CĐT khác.
Theo ông Đạt, hiện nay Công ty Đại Việt không còn dự án nào trên địa bàn thị xã Điện Bàn. Riêng Công ty Chí Thành còn dự án KĐT số 11 đang triển khai.
“Hiện nay, Chí Thành và Đại Việt cũng đã khởi kiện đến toà án các cấp về một số điểm trong các quyết định thu hồi dự án của UBND tỉnh. Tuy nhiên qua các cấp xét xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm đều bác đơn khởi kiện của công ty. Hiện các công ty này đang kiện đến cấp giám đốc thẩm”, ông Đạt nói.
Ông Đạt cũng khẳng định, việc thu hồi đất hoặc một phần đất của các dự án chuyển giao cho các CĐT mới đảm bảo năng lực thực hiện dự án là những chủ trương hoàn toàn đúng đắn của UBND tỉnh. Qua đó cũng cải thiện được môi trường đầu tư trên địa bàn.
“Các đơn vị sau khi tiếp nhận các dự án chuyển giao cũng đã nỗ lực đầu tư. Đến nay các dự án này cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng… Không những ở khu vực nội thị mà ven biển, UBND tỉnh cũng chỉ đạo chặt chẽ việc kiểm soát tiến độ các dự án”, ông Đạt nói.