Doanh nghiệp kiến nghị nhiều chính sách để vượt qua đại dịch

Tháng 6-2021, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã báo cáo Thủ tướng phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp (DN), hiệp hội trong tình hình dịch bệnh phức tạp.

Ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (ban), cho hay: Ban tập trung khảo sát nhanh ý kiến của DN, hiệp hội về ba nhóm chính sách: Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; tiếp tục hỗ trợ DN giảm thiểu thiệt hại, khó khăn trong dịch; chính sách thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 và đã có báo cáo cho Thủ tướng.

Đừng  để giống gói hỗ trợ 16.000 tỉ chẳng ai được vay

Phóng viên: Qua khảo sát, ông nhận thấy đánh giá của cộng đồng DN đối với các chính sách hỗ trợ thời COVID-19 như thế nào?

Ông Trương Gia Bình: Các chính sách trên là vấn đề đầu tiên ban phản ánh với Thủ tướng trong báo cáo tháng 6.

Ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy đang có sự sụt giảm kỳ vọng từ phía DN đối với các chính sách hỗ trợ thời gian qua. Kỳ vọng của DN hiện tập trung nhiều vào nhóm chính sách liên quan tới chiến dịch vaccine phòng COVID-19.

Lý do có thể cách thiết kế các quy định, thủ tục để truyền tải chính sách hoặc quá trình thực thi chính sách đang còn chưa sát với thực tiễn, chưa nhất quán với chủ trương của Đảng - Chính phủ về hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN và người lao động trong bối cảnh dịch.

Sự sụt giảm kỳ vọng ấy, theo ông, liệu có thể là “động lực” để các cơ quan có thẩm quyền tới đây thay đổi cách thức thiết kế, hoạch định và truyền thông chính sách?

+ Chúng tôi cho rằng cốt lõi của vấn đề nằm ở tính hiệu quả, thiết thực của các chính sách và Chính phủ đã nhận diện được chuyện này, thể hiện qua hàng loạt chỉ đạo sát sao mà Thủ tướng nêu với các bộ, các địa phương những ngày qua.

Chúng ta không thể để các chính sách như gói 16.000 tỉ đồng hỗ trợ DN năm ngoái ban hành mà đến khi hết thời hạn triển khai chỉ có một DN đủ điều kiện vay vốn và cuối cùng DN ấy cũng không cần do đã tự xoay xở được.

Yêu cầu của Chính phủ, nguyện vọng của cộng đồng DN và hàng triệu người lao động sẽ mang lại cả áp lực và động lực cho các cơ quan liên quan để khắc phục những hạn chế tương tự và chúng tôi kỳ vọng sẽ có chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Các cơ quan cần chú trọng hơn cả ở khâu hoạch định và khâu thực thi chính sách, theo định hướng Thủ tướng nhiều lần đề cập là: Minh bạch, thực tiễn, thuận tiện cho DN và người lao động. Các chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và nếu thực tiễn đòi hỏi phải điều chỉnh thì phải điều chỉnh ngay, một cách linh hoạt và khả thi.

Công nhân làm việc tại một công ty về cơ điện tại TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Cần tham vấn doanh nghiệp để vượt qua khó khăn

. Trong hoạch định và thực thi chính sách thì vai trò của DN, cụ thể là công tác tham vấn DN là rt cn thiết. Ông khuyến nghthế nào vvic này?

+ Trong bối cảnh đại dịch, có những chính sách đã được đề ra và thực thi từ năm 2020, như chính sách giảm các loại phí, lệ phí; hoãn, giãn nộp tiền thuê đất, thuế… vừa được Bộ Tài chính tiếp tục gia hạn là một hành động nhanh, kịp thời, được cộng đồng DN đón nhận và đánh giá cao. Đây là kết quả, quyết sách của rất nhiều cuộc tham vấn, tổng hợp ý kiến DN. Tuy nhiên, cũng còn không ít chính sách chưa đi vào thực tiễn dù chủ trương ban đầu là rất tốt.

93.200

DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong khi có 70.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ giải thể và hoàn tất giải thể.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cuối tháng 6-2021 

Cộng đồng DN mong muốn và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chú trọng tổ chức các cuộc trao đổi, tham vấn với DN để cùng tìm ra các giải pháp ứng xử với những khó khăn trước mắt, đồng thời cũng có tính “dài hơi” hơn nhằm phối hợp chặt chẽ tâm - trí - lực của hai khối công - tư vào mục tiêu vượt qua khó khăn của đại dịch và tận dụng mọi cơ hội để phát triển.

Vấn đề ngắn hạn cần tham vấn ý kiến DN, chẳng hạn như xây dựng các kịch bản đảm bảo giữ nhịp sản xuất, giao thương hàng hóa, hạn chế tình trạng ngăn sông cấm chợ mỗi khi dịch bùng phát ở một hay một vài địa phương.

Còn dài hơi hơn, cần có các cuộc trao đổi sâu sắc và toàn diện giữa lãnh đạo các bộ, địa phương với các đại diện uy tín của DN, với chuyên gia để nhận diện các xu hướng phát triển trong bối cảnh hiện nay. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ có những lựa chọn tối ưu hơn ở góc độ thiết kế chính sách cũng như ở cả hành động chủ động của DN.

. Người lao động là cốt lõi của DN. Cộng đồng DN kiến nghị gì với Thủ tướng về các chính sách hỗ trợ cho từng người lao động?

+ Các hiệp hội đều đồng thuận đề xuất các cơ quan có thẩm quyền để người lao động tại các DN mà bị mất việc hoặc không đủ ngày công đóng BHXH, BHYT... được giữ lại quyền khám chữa bệnh theo giá trị của thẻ BHYT ít nhất tới hết năm 2021.

Chúng tôi cũng kiến nghị tiếp tục cải thiện các điều kiện vay gói trả lương cho người lao động. Gói vay này chúng tôi đề xuất ưu tiên cho các ngành bị tổn thương do dịch bệnh; ưu tiên DN thuộc các ngành, lĩnh vực đang kêu gọi xã hội hóa, lĩnh vực bị “đóng băng” như du lịch, dịch vụ du lịch... được vay mà không cần điều kiện nào vì hầu hết DN các ngành này đã phải đóng cửa, hoàn toàn không có nguồn chi trả cho người lao động. Đồng thời, nhiều hiệp hội cũng mạnh dạn đề xuất Chính phủ xem xét ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ chi phí xét nghiệm, trả lương cơ bản cho người lao động bị cách ly.

Điều rất vui mừng là Chính phủ đã ban hành nghị quyết về gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng cho người lao động và người dân nói chung, trong đó có quy định nhiều chính sách cụ thể dành cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Vấn đề cơ bản nhất lúc này là làm sao tổ chức thực thi hiệu quả nghị quyết, truyền thông rõ tới từng đối tượng liên quan để chính sách nhanh chóng đi vào thực tiễn. Như thế, chủ trương của Chính phủ mới gặp được lòng dân và thể hiện được chính xác tinh thần “bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động” như Thủ tướng đã chỉ đạo.

Cho vay ưu đãi mà không cần điều kiện

. Có phản ánh cho rằng việc DN tiếp cận các gói vay ưu đãi là để điu kin vượt qua khó khăn trong đại dch. Ban Nghiên cu phát trin kinh tế tư nhân có đề xut gì?

+ Việc hầu hết DN sụt giảm “sức khỏe” tài chính, thậm chí mất cân đối thu - chi trong bối cảnh dịch đã được chúng tôi phản ánh trong nhiều kỳ báo cáo, từ năm 2020 tới nay.

Vì thế, DN kỳ vọng vào các gói vay ưu đãi để có thể có nguồn lực vượt qua khó khăn trong đại dịch là một nhu cầu hiển nhiên và trong năm 2020, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã xây dựng, giải ngân các gói vay với tinh thần này.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2021 vừa qua, nhiều DN, hiệp hội phản ánh, nhiều NHTM thông báo “đã cho vay vượt quy mô vốn ưu đãi cho DN ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19” nên dừng giải ngân. Vì thế, trong báo cáo tháng 6, chúng tôi đề xuất NHNN khẩn trương chỉ đạo các NHTM xây dựng các gói vay ưu đãi mới để hỗ trợ DN trong năm 2021.

Đề xuất chính sách giúp miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản đóng góp nghĩa vụ thuế, phí cho DN tới hết năm 2022 như thuế đất/tiền thuê đất, thuế thu nhập DN, các khoản phí đặc thù từng ngành... cũng được chúng tôi đưa vào nhóm các kiến nghị liên quan. Bởi hiện nay thời hạn của các chính sách này cũng mới chỉ kéo dài tới hết tháng 12-2021, trong khi ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ còn tiếp tục diễn biến trong năm 2022.

Một kiến nghị khác cũng để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn về dòng tiền là đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương không ban hành các chính sách mới hoặc áp dụng các chính sách từ nay tới hết năm 2022 mà làm tăng chi phí cho DN về thuế, phí, lệ phí, hoặc tăng ngân sách đầu tư mới các hạng mục nhằm đáp ứng các yêu cầu điều kiện kinh doanh, quy trình, thủ tục hành chính của Nhà nước…

. Xin cám ơn ông.


Lãnh đạo, DN, chuyên gia nêu kiến nghị

LÊ VIỆT NGA, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương):

Ưu tiên tiêm vaccine cho người bán hàng

Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động tại hệ thống bán lẻ hàng hóa thiết yếu.

Hiện lực lượng bán lẻ hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, khí hóa lỏng... đang được chính quyền một số tỉnh, TP ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19, đặc biệt tại TP.HCM làm tốt việc này từ cuối tháng 6 vừa qua.

Tuy nhiên, còn rất đông người lao động tham gia cung ứng hàng hóa thiết yếu vẫn đang chờ đợi đợt tiêm vaccine tiếp theo khi có nguồn.

Đối với TP.HCM, bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu có phương án điều tiết lưu thông thông suốt, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu.

Ông NGUYỄN ĐỨC THANH, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An (TANIMEX-LA):

Nhiều chốt kiểm dịch, DN ngán

Hoạt động vận chuyển hàng hóa từ nhà máy ở Long An lên TP.HCM xuất khẩu trong thời gian qua không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, việc kiểm tra y tế tại các chốt kiểm dịch và quy định phòng chống dịch đối với người dân đi lại giữa các địa phương khiến doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể như các đối tác cung cấp bao bì cho DN ở các tỉnh như Đồng Nai, TP.HCM họ ngại vận chuyển hàng về cho DN vì tài xế buộc phải xét nghiệm COVID-19, rồi khai báo hàng hóa nên một số đơn vị ngưng giao hàng. Vì thế, DN buộc phải tìm kiếm các đơn vị cung cấp khác mất thêm thời gian, còn không thì phải làm việc lại với đối tác, chấp nhận chờ đợi giao trễ để làm sao có hàng phục vụ sản xuất.

Khó khăn thứ hai là DN hư máy, gọi nhờ kỹ sư ở TP.HCM xuống sửa chữa, bảo trì nhưng Long An quy định người từ TP.HCM đến Long An phải cách ly 21 ngày, DN đành chịu.

Ông ĐINH MINH TÂM, Phó Giám đốc Công ty Gạo Cỏ May (Đồng Tháp):

Giấy kiểm dịch âm tính năm ngày làm chậm chuyển hàng

Việc các địa phương lập chốt kiểm tra phòng chống dịch không đến nỗi “ngăn sông cấm chợ” nhưng việc có nhiều chốt kiểm tra cũng khiến hàng hóa vận chuyển chậm hơn bình thường.

“Cản ngại” trước hết là tài xế phải đi xét nghiệm có xác nhận âm tính với virus COVID-19, giấy này có thời hạn năm ngày. Sau đó, mỗi ngày công ty phải tổng hợp số lượng hàng hóa, số lượng xe, tài xế, lộ trình vận chuyển đi/đến của hàng hóa được xác nhận từ ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương để cung cấp cho các chốt kiểm tra.

Việc kiểm tra giấy tờ, đo thân nhiệt tài xế thì không ảnh hưởng nhưng việc tỉnh nào cũng có chốt kiểm tra kiểm dịch khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa của DN chậm hơn.

Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T:

Các tỉnh nên kết nối thông tin của tài xế

Sau khi Đồng Nai sửa đổi thông báo người dân đi từ TP.HCM về tỉnh này phải kiểm tra, khai báo y tế, đến nay việc lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường.

Về lâu dài, để vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hóa cho DN, các địa phương nên có sự liên kết, kết nối thông tin trong việc kiểm tra, kiểm soát phòng chống dịch, vẫn theo dõi được tài xế, các phương tiện vận chuyển hàng hóa của DN.

QUANG HUY - AN HIỀN ghi 

Cần mô hình “hợp tác công - tư” vaccine COVID-19

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) quan tâm đặc biệt tới chiến dịch tiêm vaccine COVID-19. Thực tiễn việc triển khai tiêm vaccine đang rất khác nhau tại các ngành, các địa phương. Chiến dịch mua và tiêm vaccine cho người dân và người lao động tại các DN cũng còn nhiều vấn đề. Có tỉnh cho triển khai việc đăng ký nhu cầu tiêm vaccine và DN thực hiện theo chỉ đạo nhưng sau đó lại nhận được thông tin triển khai tương tự của bộ chủ quản với lĩnh vực DN hoạt động khiến họ bối rối.

Cũng có trường hợp trên cùng một tỉnh, vừa có thông tin về việc đăng ký tiêm dịch vụ, vừa có thông tin về các nhóm chủ thể được ưu tiên tiêm miễn phí... khiến DN lúng túng.

Về vấn đề “hợp tác công - tư” trong vaccine, để phát huy nguồn lực tài chính, tính nhạy bén, mạng lưới giao thương toàn cầu, tác phong nhanh nhẹn trong tổ chức công việc của DN... chúng tôi cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế và một số cơ quan, địa phương xây dựng những quy trình mẫu cho mô hình “hợp tác công - tư” trong việc tìm kiếm, đàm phán, mua và tổ chức tiêm vaccine COVID-19 giữa các cơ quan nhà nước với DN.

Quy trình này cần công bố công khai nhằm giúp DN hoạch định tốt hơn.

Các DN, hiệp hội còn đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia về chiến lược tự xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 để hạn chế sức người, sức của và khả năng lây lan khi tập trung đông người trong những chiến dịch xét nghiệm, truy vết tập trung hiện nay. Đây cũng là cách hiệu quả để chuẩn bị cho chiến dịch “sống chung với COVID-19” trong bối cảnh bình thường mới.

Chúng tôi kỳ vọng sẽ có những quy trình cụ thể, minh bạch trong thời gian tới để Chính phủ phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn lực và sức mạnh từ phía tư nhân.

CHÂN LUẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm