Doanh nghiệp mong loại bỏ quy định không phù hợp khi mở cửa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tám hiệp hội Doanh nghiệp (DN) mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và các bộ, ngành góp ý dự thảo Hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Trong đó, các hiệp hội nhấn mạnh nhiều quy định trong dự thảo hướng dẫn vẫn chưa hướng về sống chung với dịch.

Pháp Luật TP.HCM có cuộc trò chuyện cùng bà Lý Kim Chi (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM (FFA), xung quanh vấn đề này cũng như việc chuẩn bị tái khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn trong tình hình mới.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM (FFA)

Mở cửa là phù hợp với nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp

. Phóng viên: Bà đánh giá thế nào về quan điểm sống chung với dịch thay vì “zero COVID”?

+ Bà Lý Kim Chi: Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư do biến chủng Delta khiến việc giãn cách xã hội tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương phía Nam đã kéo dài từ hai đến ba tháng qua. Việc giãn cách, phong tỏa diện rộng kéo dài đã khiến các DN gặp rất nhiều khó khăn, kiệt quệ.

Vì vậy, việc thay đổi chiến lược chống dịch và khởi động lại nền kinh tế là rất cấp bách, không thể chậm trễ. Chủ trương này hoàn toàn phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng DN và người dân trong thời điểm hiện nay.

. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Hướng dẫn“Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đang được Bộ Y tế lấy ý kiến vẫn nặng tư duy “zero COVID” thay vì sống chung với dịch?

+ Dự thảo của Bộ Y tế đã cho phép một số hoạt động được thực hiện kể cả khi có dịch. Tuy nhiên, chúng tôi và nhiều hiệp hội DN khác đều nhận thấy không ít quy định trong dự thảo hướng dẫn vẫn chưa hướng về sống chung với dịch. Ví dụ các chỉ số đánh giá trong dự thảo thắt chặt quá mức các vùng dịch, xét nghiệm nhiều kể cả khi đã tiêm đủ vaccine.

Dự thảo cũng đưa ra quy định trên 80% số người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine, trong khi với tình hình dịch bệnh tại TP.HCM như hiện nay, nếu áp dụng quy định này vào đánh giá nguy cơ dịch bệnh thì phải rất lâu nữa TP mới có thể mở cửa kinh tế. Hoặc quy định cách ly tập trung với F0, F1...

Những quy định này không còn phù hợp vì khi đã sang giai đoạn sống chung với virus, đã tiêm đủ vaccine mà vẫn quy định cách ly tập trung F0, F1, truy vết... sẽ rất tốn kém, gây quá tải hệ thống y tế. Vì vậy nên bỏ hẳn việc đưa F0 đi cách ly tập trung khi chuyển sang bình thường mới, thay vào đó ngành y tế hướng dẫn cụ thể để F0 điều trị tại nhà, áp dụng thẻ xanh COVID.

Sẵn sàng tái khởi động sản xuất, kinh doanh

. Theo bà, hiện nay các DN đã sẵn sàng cho việc chuyển sang trạng thái bình thường mới và tái sản xuất?

+ Cộng đồng DN đã sẵn sàng chung sống với COVID-19 một cách an toàn để phục hồi sản xuất, phát triển kinh doanh trong bối cảnh mới. Điều này có nghĩa là DN sẽ được chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên các tiêu chí phòng chống dịch của cơ quan y tế.

Thực tế hiện nay nhiều công ty đứng trước nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy; người lao động (NLĐ) mất việc làm; nông dân, ngư dân… không tiêu thụ được sản phẩm. Do đó, việc tái khởi động sản xuất để phục hồi sức khỏe của nền kinh tế, gia tăng khả năng chống dịch tốt hơn và lâu bền hơn chứ không có nghĩa là giảm đi tầm quan trọng của việc chống dịch.

. Nguyện vọng lớn nhất của cộng đồng DN lúc này là gì, thưa bà?

+ Điều mà cộng đồng DN chúng tôi mong mỏi nhất hiện nay là Chính phủ cần công bố lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ với chính sách nhất quán, đồng bộ để việc mở cửa đạt được kết quả như kỳ vọng. Bên cạnh đó, yếu tố then chốt hiện nay mà DN cần là được hoàn thành tiêm ngừa hai mũi vaccine cho NLĐ một cách nhanh nhất và sớm nhất có thể.

Các doanh nghiệp khẳng định đã sẵn sàng chuẩn bị phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh mới. Ảnh: TÚ UYÊN

Cho phép người đủ điều kiện đi làm

. Ngoài vaccine cần được bao phủ nhanh, theo bà thì yếu tố nào quan trọng để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất?

+ Chúng tôi cũng mong muốn các tổ công tác, tham mưu phòng chống dịch của Chính phủ và địa phương phải có cơ cấu ít nhất 30% thành phần là hiệp hội ngành hàng và DN lớn để nhanh chóng gỡ ngay các vướng mắc phát sinh trong thực tế. Vì nếu có sự thông tin, kết nối kịp thời sẽ giúp xử lý nhanh chóng các vướng mắc, giảm ách tắc và khó khăn cho DN.

Bên cạnh đó, cần loại bỏ ngay các quy định hạn chế đi lại với những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh. Bỏ các quy định hạn chế hoạt động kinh tế, cho phép F0 điều trị tại nhà. Song song đó, cho phép người tiêm đủ hai mũi vaccine, F0 đã khỏi bệnh được đi làm. Không đóng cửa cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu phát hiện F0. Vùng nào đã tiêm đủ vaccine theo quy định thì sẽ chuyển thẳng sang bình thường mới, bỏ phong tỏa và phòng dịch theo điểm chứ không phong tỏa tràn lan…

. Vừa qua chuỗi cung ứng nguyên liệu đã bị đứt gãy, gián đoạn khiến DN gặp khó khăn. Nguyên nhân có phải do thiếu sự phối hợp, mỗi nơi làm một kiểu không, thưa bà?

+ Đặc thù kinh tế TP.HCM luôn gắn kết với các tỉnh, TP phía Nam, nhất là trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mối liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã bộc lộ những hạn chế rõ nét qua việc điều phối chống dịch cũng như lưu thông hàng hóa, duy trì hoạt động sản xuất.

Vì vậy, cần mở cửa kinh tế một cách thống nhất, nhất quán, tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu.

. Theo bà, để tiếp sức cho DN khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần làm gì?

+ Thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực khi dành nhiều gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, giảm phí, lệ phí... cho các DN. Tuy nhiên, cần xem xét tăng thêm quy mô, mở rộng phạm vi bao phủ của các chính sách hỗ trợ. Ví dụ bên cạnh việc giảm thuế thu nhập DN, có thể mở rộng phạm vi giảm thuế giá trị gia tăng để trợ giúp người tiêu dùng và kích cầu tiêu dùng.

Song song đó, Chính phủ cần tính đến cấp bù lãi suất để hỗ trợ ngân hàng cho vay mới bên cạnh việc giảm lãi suất. Đồng thời thúc đẩy đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng như thiết bị phụ tùng y tế, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ... 

. Xin cám ơn bà.

Chăm lo cho người lao động để họ trở lại làm việc

. Hiện nay, nhiều DN đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động để tái sản xuất. Bà đánh giá thế nào về tình trạng này?

+ Một trong những thách thức lớn khi các DN hoạt động trở lại là thiếu nguồn nhân lực. Nguyên nhân chủ yếu do thời gian qua, nhiều NLĐ đã rời TP để về quê tránh dịch.

TP.HCM có trên 3,2 triệu lao động hoạt động trong các DN sản xuất, kinh doanh. Rất nhiều người trong số này là người nhập cư, đang gặp khó khăn do mất việc làm, không có thu nhập... Vì vậy, tôi cho rằng tập trung chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội cho công nhân và gia đình họ lúc này là vô cùng cần thiết và cấp bách nhằm giữ nguồn lao động để đáp ứng nhanh chóng phục hồi sản xuất.

. Ngoài giải pháp trên, theo bà thì cần thêm giải pháp nào để thu hút nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh sau dịch?

+ Cần đào tạo lại NLĐ để sớm đưa nền kinh tế lên quỹ đạo tăng trưởng nhanh, bù đắp cho giai đoạn sụt giảm vừa qua. Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nhanh chóng cập nhật dữ liệu, tiến đến hoàn thành cấp thẻ xanh, thẻ vàng cho những người đạt yêu cầu về tiêm chủng.

Đặc biệt, cần có sự phối hợp giữa các địa phương để giúp DN đưa NLĐ của mình từ các tỉnh về TP.HCM. Đồng thời cần quy định thống nhất từ trung ương đến các tỉnh, TP về việc cho phép nhận dạng, tiếp cận và đi lại một cách nhất quán để tránh DN lúng túng, bị động.

Căn cứ vào tỉ lệ đạt thẻ xanh, DN xây dựng phương án, kế hoạch tái sản xuất rõ ràng thì chính quyền nên cho phép họ được tự kích hoạt lại trạng thái sản xuất phù hợp. Sau đó cơ quan chức năng giám sát trong quá trình thực hiện. Đó là cơ sở để DN từng bước tiến đến con số 100% NLĐ trở lại làm việc bình thường. 

Cần nói rõ sẽ thay thế nội dung nào trong Chỉ thị 15, 16, 19
Cần nói rõ sẽ thay thế nội dung nào trong Chỉ thị 15, 16, 19
(PLO)- Cho đến nay, khung pháp lý cho công tác phòng, chống COVID-19 tập trung ở các Chỉ thị 15, 16, 19 của Thủ tướng, Quyết định 2686 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19. Vậy nên, bản hướng dẫn cần mô tả rõ sẽ thay thế văn bản nào, nội dung nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm