Doanh nghiệp, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang kiệt sức

(PLO)- Trước tình trạng gà đông lạnh nhập khẩu tăng cao, gà thải loại nhập lậu tràn lan, doanh nghiệp, người dân chăn nuôi gia cầm trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều doanh nghiệp (DN) chăn nuôi cho biết hiện giá bán gia cầm thấp hơn nhiều so với giá thành khiến DN điêu đứng, khó cầm cự thêm. Theo đó, các DN kiến nghị ngành chức năng có giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu gia cầm để cứu ngành chăn nuôi trong nước.

Nhiều DN khó cầm cự

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Đinh Thị Xuân, Giám đốc Công ty CP Gà giống Châu Thành (Nghệ An), không giấu nổi sự chua xót: “Bà con bán hết sổ hồng rồi. Giá bán gia cầm dưới giá thành, người dân “treo chuồng” không nuôi nữa. Kéo theo đó các cơ sở sản xuất giống cũng không bán được”.

Theo bà Xuân, hiện nay giá thành trứng giống là 7.000 đồng/quả, đến khi ấp nở thành gà con rơi vào khoảng 8.000-10.000 đồng/con. Nhiều cơ sở “treo chuồng” không nuôi nữa. Để vớt vát, các cơ sở này chuyển sang bán trứng ăn với giá thành chỉ 1.700-2.000 đồng/quả. Như thế, mỗi quả trứng bán ra lỗ khoảng 5.000 đồng.

“Chúng tôi bán một lứa bị lỗ nhưng vẫn cố gắng vay mượn để nuôi với hy vọng lứa sau sẽ thu hồi vốn nhưng lứa sau lại lỗ tiếp. Giờ có muốn tái đàn cũng không có vốn để nuôi” - bà Xuân ngao ngán.

Thịt gà hiện có giá bán rẻ hơn giá thành khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó và đang kiến nghị ngành chức năng tìm cách tháo gỡ. Ảnh HOÀNG GIANG
Thịt gà hiện có giá bán rẻ hơn giá thành khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó và đang kiến nghị ngành chức năng tìm cách tháo gỡ. Ảnh HOÀNG GIANG

Ông Đặng Đình Tiên, Giám đốc Công ty CP Tiên Viên (Hà Nội), cũng ngậm ngùi: “Khó khăn chưa từng có. Quy mô giảm nhanh từng ngày, đã có giai đoạn công ty phải nằm im. Thế nhưng càng nằm im càng chết. Bao nhiêu vốn liếng, công sức bỏ vào đó. Tìm mọi cách xoay xở, may mắn là công ty cũng phục hồi dần dần, quy mô lên được 60% so với trước”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), cho biết: Lợi nhuận ngành chăn nuôi gia cầm hai năm qua là âm. Giá thành sản xuất gà ta trong năm qua đều bán dưới giá thành. Đây là điều đáng báo động.

Gà thải loại nhập lậu tràn lan

Trong khi sản xuất gia cầm trong nước thua lỗ thì hai năm trở lại đây, nhập khẩu thịt gà đông lạnh tăng trưởng rất nhiều so với sản xuất trong nước. Không chỉ vậy, nhập lậu gà đẻ loại thải cũng tăng lên. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của VIPA, mỗi tháng có hàng chục ngàn tấn gà đẻ thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.

Bà Đinh Thị Xuân cho rằng các năm trước, gà thải loại chủ yếu đưa từ biên giới Trung Quốc về. Năm nay thì chuyển hướng từ biên giới Campuchia qua các tỉnh miền Trung rồi thâm nhập vào nội địa nước ta.

“Thị trường là “sân nhà” của đa số DN, người chăn nuôi gia cầm trong nước. Thế nhưng dù là chủ nhà, các DN, người dân vẫn bị chèn ép đến nỗi không thở được” - bà Xuân nói.

Ông Lê Văn Dư, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, cho hay những năm gần đây, các “ông lớn” nước ngoài nhảy vào chăn nuôi ngày càng nhiều, cạnh tranh càng khốc liệt. DN trong nước thì phá sản, DN đầu tư nước ngoài thì ngày càng mở rộng quy mô.

“Chính phủ, các bộ, ngành hãy cứu lấy người chăn nuôi gia cầm trong nước. Nhập khẩu thịt gà đẻ thải loại quá nhiều, họ lách luật bằng cách gọi là gà dai để phù hợp luật, được nhập khẩu vào Việt Nam. Nếu tình trạng này không được kiểm soát thì sản xuất gia cầm trong nước đã khó càng thêm khó” - ông Dư kiến nghị.

Nhiều kiến nghị tháo gỡ

Đại diện cho cộng đồng DN chăn nuôi gia cầm trong nước, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu gia cầm. Cùng đó, tăng cường các biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu các sản phẩm gia cầm như thời gian qua để bảo vệ sản xuất trong nước.

Cùng đó, chủ tịch VIPA cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành rà soát cắt giảm một số phí kiểm dịch, các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí sản xuất.

Một vấn đề quan trọng nữa, theo ông Sơn, Chính phủ cần xem xét bổ sung một số chính sách đặc thù hỗ trợ các DN và người chăn nuôi trong nước nhằm đủ điều kiện để cạnh tranh với các DN FDI.

Đồng thời, các DN cũng kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chínhtăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý kịp thời một số DN, tập đoàn lớn (nếu có) bán phá giá sản phẩm chăn nuôi, cạnh tranh không lành mạnh. Hiện nhiều DN đang đặt nghi vấn một số DN FDI bán phá giá gà thịt lông màu, bán dưới giá thành, cạnh tranh không lành mạnh.

Một số DN thì kiến nghị Nhà nước cần đầu tư hơn vào nghiên cứu, sản xuất con giống. “Chúng tôi không thể lấy giống trong nước vì chất lượng thua kém rất nhiều so với nhập khẩu. Giống trong nước lạc hậu ở các điểm như tốc độ lớn chậm hơn, chi phí thức ăn cao hơn” - bà Xuân cho biết.

Có cơ chế hỗ trợ ngành chăn nuôi

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện hỏa tốc yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

Trước đó, Bộ NN&PTNT cũng tổ chức các cuộc họp với các DN chăn nuôi gia cầm để tìm giải pháp tháo gỡ.

Chia sẻ với những khó khăn rất lớn của chăn nuôi gia cầm hiện nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị Cục Chăn nuôi phối hợp với Văn phòng Chính phủ sớm ban hành quyết định hỗ trợ chăn nuôi. Cụ thể như đưa ra các cơ chế hỗ trợ giống, thức ăn chăn nuôi, chi phí sản xuất để giảm áp lực cho các DN, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ…

Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh: “Bộ NN&PTNT sẽ luôn đồng hành dù đêm hôm, sớm tối để cùng nhau tháo gỡ những vấn đề này”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm