Chiều 18-5, Báo Công thương tổ chức tọa đàm "Tăng cường kiểm soát chống buôn lậu gian lận thương mại hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử (TMĐT)".
Hai năm có gần 5.000 vụ vi phạm qua thương mại điện tử
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị (QLTT), cho biết, với những lợi ích của TMĐT mang lại giúp người mua người bán nhanh hơn, không phụ thuộc khoảng cách địa lý, thời gian. Do đó, những tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng giả, kém chất lượng... tìm cách thu lợi bất chính thông qua TMĐT tăng đột biến.
Các đối tượng lợi dụng sàn TMĐT, các trang mạng xã hội Facbook, Zalo, Tiktok…vì họ thấy việc chạy quảng cáo, livestream bán hàng rất dễ so với thương mại truyền thống.
Hai năm qua, lực lượng QLTT xử lý gần 5.000 hành vi vi phạm trên các sàn TMĐT, các mạng xã hội với mức xử phạt gần 50 tỉ đồng, hàng hóa buộc tiêu hủy trên 20 tỉ đồng. Điều này cho thấy cơ quan chức năng nhiều nỗ lực trong đấu tranh nhưng chưa đạt như mong đợi.
Theo ông Lê, thực tế khi tiến hành kiểm tra, nắm bắt địa bàn, phân loại đối tượng lợi dụng TMĐT sản xuất kinh doanh hàng giả cho thấy bất kì địa điểm nào các đối tượng cũng đưa thông tin, hình ảnh hàng hóa lên trên các mạng, sàn TMĐT.
“Họ chỉ cần trong căn hộ chung cư, địa điểm vùng sâu vùng xa có thể đưa hình ảnh thông tin lên sàn TMĐT. Chúng tôi xác định đối tượng kinh doanh hiện diện ở đâu gặp nhiều khó khăn” - ông Lê nói.
Bên cạnh đó, logistics phát triển mạnh mẽ, các công ty chuyển phát có mạng lưới phủ rộng cả nước từ đó hàng giả, kém chất lượng không nhất thiết tập trung một chỗ mà phân tán khắp nơi. Bởi sau khi nhận đơn hàng, qua TMĐT hàng hóa được đưa đến tận tay người tiêu dùng (NTD). Nếu người mua phát hiện ra hàng giả, kém chất lượng khó tìm người bán hàng để đòi quyền lợi chính đáng.
Một khó khăn nữa là việc xác định trách nhiệm của sàn TMĐT và chủ các trang mạng xã hội trong quản lý người bán hàng.
“Chúng ta thấy hiện nay khi đăng kí tài khoản bán hàng rất dễ dàng. Do đó, vừa qua Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất lên Chính phủ giải pháp làm sao người dùng mạng xã hội muốn kinh doanh thì phải định danh trước. Nếu không thì chỉ cung cấp các thông tin khác, không liên quan đến hoạt động mua bán” - ông Lê nói.
Người tiêu dùng thuận lợi qua dịch vụ đi chợ của xe công nghệ.ẢNH: TÚ UYÊN |
Tăng cường trách nhiệm của chủ sàn thương mại điện tử
Cùng quan điểm, ông Hồ Tùng Bách, Phó trưởng ban-Thành viên Tổ biên tập Luật bảo vệ NTD sửa đổi - Ủy ban cạnh tranh quốc gia, cho biết, cần tăng cường trách nhiệm chủ sàn TMĐT, đơn vị thiết lập vận hành mạng xã hội.
Hiện nay rất nhiều người tham gia bán hàng trên TMĐT nhưng khi gặp những vấn đề phát sinh, NTD, cơ quan quản lý khó làm việc với người bán trực tiếp.
Bên cạnh đó là bảo vệ thông tin NTD trong giao dịch TMĐT. Điều này được cảnh báo khi thông tin NTD bị lợi dụng để lừa đảo về tài chính, tài sản hoặc mạo danh thông tin để thực hiện hành vi bất chính khác.
“Đây là những vấn đề trong xây dựng Luật bảo vệ NTD sửa đổi dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua trong tháng 5 tới đây” - ông Bách nhấn mạnh.
Theo ông Bách, liên quan đến hàng hóa có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả…trong các giao dịch xuyên biên giới thì Luật chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm của đối tượng này.
"Do đó, trong dự thảo Luật bảo vệ NTD sửa đổi bổ sung hoàn thiện một số quy định tăng cường trách nhiệm của đối tượng buôn bán giao dịch xuyên biên giới. Trong đó nhấn mạnh cần bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, có những cơ chế quản lý thông tin người bán trên các sàn, nền tảng số. Mong những quy định này sớm được xem xét thông qua" - ông Bách cho biết.
Năm 2022 doanh thu TMĐT đạt 16,4 tỉ USD, dự báo năm 2023--2025 duy trì tốc độ tăng trưởng 20%-25%.
Uỷ ban cạnh tranh quốc gia thiết kế riêng chuyên mục tiếp nhận những phản ảnh khiếu nại về TMĐT.
Năm 2022 những phản ảnh khiếu nại NTD liên quan đến TMĐT chiếm thứ hai về số lượng, chiếm 20% tổng số các vụ việc NTD gửi đến.