Bộ Tài chính nói game online lời nhiều, doanh nghiệp phản bác

(PLO)- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, hiện chưa có quốc gia nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Hội thảo Doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến đóng góp ý kiến về Đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 30-3, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, nhận định trong xã hội hiện nay vẫn có những định kiến, cũng như các lo ngại tác động tiêu cực từ game online.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI cho rằng cần đánh giá nhiều chiều trước khi đánh thuế. ẢNH: MINH TRÚC

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI cho rằng cần đánh giá nhiều chiều trước khi đánh thuế. ẢNH: MINH TRÚC

Tuy nhiên theo ông Tuấn, nhiều game online hiện nay đang được xây dựng theo hướng vừa chơi vừa học. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chơi game giúp trẻ em phát triển trí tưởng tượng tư duy, khả năng phản xạ…

Liên quan đến đề xuất đánh thuế, ông Đậu Anh Tuấn cho biết qua tìm kiếm thì chưa có quốc gia nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với game online.

Cùng quan điểm, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG cho biết ngành game tại Việt Nam đang chịu nhiều định kiến xã hội. Trò chơi trực tuyến cũng là một phần của ngành công nghiệp giải trí, sáng tạo nội dung.

Ở các quốc gia phát triển, trò chơi trực tuyến được xác định là mũi nhọn để xuất khẩu văn hoá ra thế giới. Vì vậy những quốc gia này có rất nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến.

Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG, cho biết dự báo doanh thu do game online mang lại sẽ chạm mốc 200 tỉ USD vào năm 2024 - 2025. ẢNH: MINH TRÚC

Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG, cho biết dự báo doanh thu do game online mang lại sẽ chạm mốc 200 tỉ USD vào năm 2024 - 2025. ẢNH: MINH TRÚC

Thực tế, tại Việt Nam, game là một ngành kinh doanh có điều kiện, tất cả game phát hành chính thống đều phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước. Hầu hết những nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ game được phát hành trái phép trên lãnh thổ Việt Nam.

Liên quan đến quan điểm ngành game có lợi nhuận cao nêu trong dự thảo Luật, ông Lã Xuân Thắng cho biết tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt khoảng 3-5% trong doanh thu. Ông Thắng đánh giá đây là mức tỷ suất lợi nhuận trung bình, nếu không muốn nói là thấp.

Cùng quan điểm này, theo bà Nguyễn Thuỳ Dung, Giám đốc SohaGame, cho rằng đa số các DN cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử có mức doanh thu tương đối thấp.

Phần lớn các trò chơi trên thị trường Việt Nam đều được các DN trong nước nhận bản quyền từ các nhà phát triển trò chơi nước ngoài để phát hành. Theo đó, DN trong nước cần chi trả các chi phí bản quyền và chia sẻ doanh thu cho các nhà phát triển nước ngoài với tổng tỷ lệ từ 25 – 35% doanh thu.

Ngoài ra, doanh nghiệp trong ngành tự mình chi trả các khoản liên quan đến phát hành và duy trì dịch vụ tại Việt Nam như: chi phí xúc tiến thương mại, quảng cáo, phí dịch vụ…Bên cạnh đó, phần lớn các dự án trò chơi được phát hành đều cần tối thiểu một năm để hòa vốn trước khi có lãi.

Hai hệ luỵ khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Góp ý thêm về đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online, ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam, cho rằng hiện nay Việt Nam chưa có nhiều biện pháp hữu hiệu để quản lý các dịch vụ xuyên biên giới.

Ông Cường cho rằng, Việt Nam chưa có nhiều biện pháp để quản lý các dịch vụ xuyên biên giới. ẢNH: MINH TRÚC

Ông Cường cho rằng, Việt Nam chưa có nhiều biện pháp để quản lý các dịch vụ xuyên biên giới. ẢNH: MINH TRÚC

“Các doanh nghiệp trong nước đang chịu nhiều thiệt thòi so với các dịch vụ xuyên biên giới” - ông Cường nhấn mạnh.

Nói thêm về nội dung này, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG, nhấn mạnh doanh thu của ngành game ở Việt Nam khoảng 780 triệu nhưng chỉ có 22% trong số này chịu sự quản lý của nhà nước. 78% doanh thu còn lại đang thuộc về các DN không có trụ sở ở Việt Nam.

“Khi không có trụ sở ở Việt Nam, các DN sẽ không có bất cứ nghĩa vụ nào với Chính phủ Việt Nam kể cả kiểm soát nội dung lẫn nghĩa vụ thuế” -ông Thắng nói.

Đại diện VNG cho biết trong trường hợp bị áp thêm thuế TTĐB thì những game do các công ty trong nước cung cấp sẽ bị đội giá lên cao. Người chơi sẽ chuyển sang chơi game do các công ty có trụ sở ở nước ngoài cung cấp vì có giá rẻ hơn hẳn.

Việc này dẫn đến 2 hệ luỵ: Thứ nhất, không đạt được mục đích khi áp thuế là hạn chế người chơi game. Thứ hai, doanh thu của doanh nghiệp trong nước sẽ bị giảm mạnh, không thể đóng góp cho nền kinh tế số và ngành công nghiệp phần mềm của Việt nam.

Ngoài ra, việc này có thể dẫn đến tình trạng nhiều DN Việt sẽ chuyển hướng thành lập công ty tại các quốc gia khác để phát triển và phát hành game, khi đó thì NSNN cũng bị thất thu thuế.

Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được bộ này lấy ý kiến, Bộ Tài chính dự kiến đưa dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo dự thảo luật, trò chơi điện tử trên mạng (game online) là loại hình giải trí gắn với sự phát triển của Internet, có sự tương tác giữa những người chơi với nhau và người chơi với máy chủ của doanh nghiệp qua máy tính cá nhân, máy chơi game, thiết bị di động.

Ngoài game online do doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng, người chơi hiện nay cũng có thể chơi các game do tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cung cấp qua biên giới vào Việt Nam và thanh toán qua cổng thanh toán, thẻ cào điện thoại, thanh toán trực tiếp qua ngân hàng, thẻ tín dụng.

Bộ Tài chính đánh giá ngành này có doanh thu lớn, lợi nhuận cao so với loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi, đặc biệt là giới trẻ. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết nghiên cứu tính thuế tiêu thụ đặc biệt với game online để định hướng tiêu dùng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm