Doanh nghiệp Việt không thể xuất khẩu kiểu 'dùng xe đạp đi trên cao tốc'

Doanh nghiệp Việt không thể xuất khẩu kiểu 'dùng xe đạp đi trên cao tốc'

(PLO)- Dù xuất khẩu đang theo cách "đi xe đạp trên đường cao tốc", nhưng đối thoại đại sứ và doanh nghiệp Việt vẫn chỉ ra nhiều cơ hội.

Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 sẽ tổ chức rất lớn tuần sau, Bộ Ngoại giao, chiều 15-12, đã tổ chức tọa đàm giữa các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam.

Đây là cơ hội để đối thoại đại sứ và doanh nghiệp mổ xẻ cơ hội và thách thức mới đối với doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài – đúng như tên gọi phiên thảo luận.

Đối thoại đại sứ và doanh nghiệp chỉ ra nhiều cơ hội cho hàng Việt
Nhiều doanh nghiệp có cơ hội tham gia cuộc tọa đàm do Bộ Ngoại giao tổ chức, có tính chất đối thoại đại sứ và doanh nghiệp.

Tín hiệu lạc quan kinh tế toàn cầu

Điều phối phiên thảo luận, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng bên cạnh nhiều khó khăn đang đối mặt, cộng đồng doanh nghiệp nên chú ý tới các điểm sáng kinh tế 2023, bởi đây là tiền đề tốt cho 2024.

Theo đó, bối cảnh thế giới năm qua dù thực sự “họa vô đơn chí” nối tiếp nhau từ hậu quả đại dịch COVID-19 kéo dài, chiến tranh, xung đột vũ trang xảy ra nhiều khu vực chưa thấy hồi kết… Nhưng điểm sáng nổi bật là kinh tế Mỹ không suy thoái mà “hạ cánh mềm”. Kinh tế châu Âu trực tiếp chịu ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraine nhưng đã không suy thoái sâu.

Tranh thủ cuộc đối ngoại đại sứ và doanh nghiệp, ông lưu ý diễn biến vĩ mô toàn cầu cho thấy trong năm lạm phát trên thế giới dù có thời điểm ở mức cao, kéo dài, nhưng đã hạ nhiệt rất rõ. Lạm phát bình quân năm 2022 là 8,4% đến giờ đã xuống khoảng 5,5%, và các hãng dự báo phán đoán năm 2024 có thể giảm nhanh về mức khoảng 3,3%.

Với diễn biến ấy, ngân hàng trung ương các nước sẽ không tiếp tục tăng lãi suất và thậm chí có thể đảo chiều từ quý II/2024. “Đây là một tín hiệu rất quan trọng mở ra xu hướng phục hồi kinh tế của những năm tiếp theo” - ông Lực nhận định.

Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây có nhận định khá lo ngại: Kinh tế thế giới đang rất “đa cực” và “phân mảnh”, đặc biệt là trong hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu. Xu thế này có thể khiến tăng trưởng kinh tế thế giới giảm từ 0,3% - 0,7% trong thập kỷ này. Tức là, kinh tế thế giới thời gian tới vẫn còn nhiều biến động, rủi ro.

- Thông tin từ tọa đàm có tính chất đối thoại đại sứ và doanh nghiệp -

4 điểm sáng kinh tế trong nước

Đối thoại đại sứ và doanh nghiệp chỉ ra nhiều cơ hội cho hàng Việt
Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực.

Từ bối cảnh quốc tế như vậy, phân tích kinh tế Việt Nam năm qua, ông Cấn Văn Lực nêu ra 4 điểm sáng quan trọng.

Thứ nhất, Việt Nam vẫn giữ được tăng trưởng cả năm trên 5% trong đó từ tháng 6 đến giờ đã có những dấu hiệu phục hồi rõ nét, một phần nhờ xuất khẩu và đầu tư cả trong và ngoài nước;

Thứ hai, kinh tế vĩ mô hiện nay rất ổn định. Điều này không phải “con hát mẹ khen hay” mà chính tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings mới mấy hôm trước đã thông báo nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam, lên triển vọng ổn định.

Thứ ba, xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn toàn cầu dù mang lại nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt, nhưng đã thấy những chuyển biến tích cực, đặc biệt trong các ngành dệt may, điện tử, năng lượng cũng như nông nghiệp.

Thứ tư, thể chế kinh tế thị trường vừa qua tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tích cực. Nhiều luật quan trọng liên quan đến đất đai, nhà ở, bất động sản, giao dịch điện tử đã được Quốc hội thông qua hoặc sớm thông qua.

Và theo ông Lực, với tính chất tọa đàm đối ngoại đại sứ và doanh nghiệp như thế này, cần ghi nhận công tác ngoại giao nói chung, trong đó có ngoại giao kinh tế năm vừa qua đã rất thành công.

Những điểm sáng như vậy là góp phần tạo bệ phóng cho kinh tế năm 2024, với khả năng tăng trưởng từ 6-6,5%, và lạm phát hoàn toàn trong tầm kiểm soát khoảng 3,5%-4%.

- Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực nêu tại đối thoại đại sứ và doanh nghiệp

5 thách thức của xuất khẩu

Đối thoại đại sứ và doanh nghiệp chỉ ra nhiều cơ hội cho hàng Việt
Ông Nguyễn Văn Thảo -Ông Nguyễn Văn Thảo - Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, kiêm nhiệm Luxembourg, đồng thời là Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, xuất khẩu năm 2022 đóng góp khoảng 19% GDP. Còn đánh giá của Kiểm toán Nhà nước tháng 10-2023 nhấn mạnh xuất khẩu là một trong những nguồn thu quan trọng của quốc gia. Xuất khẩu tăng, thu nhập quốc dân sẽ tăng theo, giúp cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nêu ý kiến trong cuộc đối thoại đại sứ và doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thảo - Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, kiêm nhiệm Luxembourg, đồng thời là Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu lưu ý EU là đối tác quan trọng của Việt Nam trong nhiều mặt, đặc biệt là thị trường lớn, với cơ hội ngày càng nhiều cho hàng Việt Nam xuất khẩu.

Số liệu chứng minh điều đó: Là một trong 4 nước châu Á có hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam – EU là 64 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU là 54 tỷ USD, mang lại thặng dư thương mại 38 tỷ USD.

Tuy nhiên, "con đường này không chỉ có hoa hồng" – Đại sứ Thảo nói. EU không phải là thị trường quá khó tính nhưng có những yêu cầu tiêu chuẩn cao, mà từ đó đặt ra 5 thách thức với hàng Việt.

Thứ nhất, dù nhiều mặt hàng gần đây đã đáp ứng tiêu chuẩn mới của EU, nhưng vẫn không ít ngành hàng hoặc doanh nghiệp cụ thể còn lúng túng.

Thứ hai, tính ổn định chưa cao, nên chưa xuất hiện nhiều ở các siêu thị EU.

Thứ ba, ngoài tiêu chuẩn chung của EU thì 27 nước ở đây có những yêu cầu pháp lý riêng mà doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu kỹ để kiểm soát rủi ro khi xuất hàng vào các thị trường này.

Thứ tư, chi phí vận tải, chi phí logistic từ Việt Nam sang EU còn cao, giảm tính cạnh tranh của hàng Việt.

Thứ năm, xu hướng sản xuất xanh, xanh hóa thể hiện rõ ở EU với nhiều tiêu khắt khe về phát thải CO2. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không thích ứng thì các lợi thế lâu nay sẽ suy giảm đáng kể.

Nhiều thách thức nhưng đây là thời điểm chúng ta có thể bứt phá. Những ngành chủ lực như dệt may, da giày... nếu đi trước, nhận diện đủ thách thức thì hoàn toàn có thể biến nguy thành cơ.

Đại sứ Nguyễn Văn Thảo bình luận khi cùng điều hành đối thoại đại sứ và doanh nghiệp

Dư địa tăng trưởng còn rất lớn

doi-thoai-dai-su-va-doanh-nghiep-chi-ra-nhieu-co-hoi-cho-hang-viet (4).jpg
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt.

Về phía doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt cho biết trong tổng giá trị xuất khẩu 33 tỷ USD sang Mỹ, EU, Nhật Bản, EU mới chỉ chiếm 4 tỷ USD.

Con số nhỏ trong khi quy mô thị trường thì lớn cho thấy dư địa xuất khẩu hàng dệt may sang EU còn nhiều.

Dư địa ấy có thể nhìn thấy ở Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), theo đó đến năm 2027, toàn bộ các dòng thuế sẽ về mức 0%. “Sân chơi của chúng ta ở EU là sòng phẳng với các nước như Banglades, Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Việt nói.

Nhưng thách thức là EU luôn là thị trường tiên phong đưa ra các tiêu chuẩn hàng hóa mới. Ngoài các tiêu chí nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn sản xuất, gần đây EU yêu cầu hàng nhập khẩu vào thị trường này phải đáp ứng các tiêu chí về môi trường và trách nhiệm xã hội.

Vì thế, trong cơ hội đối thoại đại sứ và doanh nghiệp này, ông Việt thẳng thắn nêu ba hạn chế mà các doanh nghiệp dệt may cần khắc phục.

Đầu tiên là công nghệ, quá cũ, lạc hậu, tiêu tốn nhiều nhiên liệu hoá thạch sẽ phải thay đổi để đáp ứng thuế carbon mà EU sắp áp vào hàng hóa nhập khẩu.

Tiếp theo là đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ tái chế với vật tư, nguyên liệu đầu vào. Chỉ cần quét mã QR, người tiêu dùng EU phải truy xuất được không chỉ nguồn gốc xuất xứ mà cả hàm lượng tái chế trong sản phẩm.

Nhiều hãng thời trang lớn của thế giới như Zara, H&M, Mango… nêu ra yêu cầu này khi đặt hàng gia công ở các nước, trong đó có Việt Nam.

Thách thức thứ ba các tòa nhà, dù văn phòng hay nhà xưởng sản xuất dệt may phải đáp ứng chứng chỉ xanh. Đối thủ lớn nhất của Việt Nam là Bangladesh đang triển khai mạnh mẽ để tiêu chuẩn này cho hàng dệt may.

Từ góc độ của người làm thương mại, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Thương mại Hapro, đồng tình với Đại sứ Nguyễn Văn Thảo xuất khẩu hàng Việt ra thế giới “trong nguy có cơ, trong cơ có nguy”.

Ông Tuấn đặc biệt đánh giá cao việc các FTA đa phương và song phương mà Việt Nam đàm phán được thời gian qua đang mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu.

EVFTA là một hiệp định như vậy, mở ra “đường cao tốc” cho hàng Việt tiếp tục khai phá thị trường EU.

“Nhưng doanh nghiệp không dùng xe đạp để đi trên đường cao tốc. EU giờ không chỉ cần ăn ngon, ăn an toàn mà họ còn đòi hỏi những sản phẩm đảm bảo yếu tố môi trường và trách nhiệm xã hội.

Để đáp ứng được những tiêu chí này, doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị và đầu tư dài hơi, chủ động nâng cao năng lực", ông Tuấn nói tại cuộc đối thoại đại sứ và doanh nghiệp.

Đọc thêm