Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Bùi Duy Tùng, ĐH RMIT Việt Nam (VN), đánh giá kinh tế Trung Quốc giảm phát đang mang lại một số cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức cho kinh tế VN.
TS Bùi Duy Tùng, ĐH RMIT Việt Nam. |
Cơ hội và thách thức
. Phóng viên: Thưa ông, lý do nào khiến nền kinh tế Trung Quốc giảm phát?
+ TS Bùi Duy Tùng: Vào tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Tâm điểm của vấn đề giảm phát này là thị trường bất động sản ở nước này đang lao dốc. Từng là trụ cột của sự ổn định kinh tế, lĩnh vực bất động sản hiện đang rơi vào khủng hoảng. Giá bất động sản sụt giảm kéo theo sự sụt giảm trong các lĩnh vực liên quan như nội thất, thiết bị gia dụng.
Ngoài ra, giá năng lượng giảm và cuộc chiến giá cả giữa các nhà sản xuất ô tô đang làm tăng áp lực giảm phát. Một lĩnh vực khác quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc là thương mại cũng đang gặp khó khăn. Chỉ trong tháng 6 vừa qua, xuất khẩu đã giảm 8,3% xuống gần 2.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 280 tỉ USD), trong khi nhập khẩu cũng giảm 2,6%.
. VN vốn phụ thuộc khá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc để làm hàng xuất khẩu? Vậy việc giảm phát của Trung Quốctác động ra sao đến kinh tế VN?
+ Khi Trung Quốc giảm phát, hậu quả kinh tế không chỉ giới hạn trong biên giới nước này mà còn có tác động lan rộng đến nền kinh tế toàn cầu. VN có nhiều mối quan hệ giao thương với Trung Quốc cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.
Tình hình khó khăn của thị trường bất động sản, sự sụt giảm đáng kể trong chi tiêu tiêu dùng đã dẫn đến việc giảm nhu cầu nội địa. Điều này buộc các doanh nghiệp (DN) sản xuất của Trung Quốc phải đối mặt với áp lực giảm giá và tiến hành thanh lý hàng tồn kho dư thừa. Việc này có thể tạo ra một số cơ hội cho VN khi nguyên liệu thô trở nên rẻ hơn, hỗ trợ việc sản xuất hàng hóa với chi phí thấp hơn.
Việt Nam có cơ hội nhập khẩu nguyên liệu thô với giá rẻ từ Trung Quốc khi nước này giảm phát. Ảnh: P.MINH |
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng áp lực giảm phát ở Trung Quốc có thể dẫn đến một xu hướng giảm phát toàn cầu, ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Điều này có thể đặt ra thách thức lớn cho VN, đặc biệt khi chúng ta phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Các sản phẩm của VN mất đi lợi thế của chi phí nguyên liệu thô rẻ hơn khi nhu cầu giảm.
Hơn nữa, giảm phát có thể dẫn đến việc Trung Quốc sẽ tăng cường xuất khẩu hàng hóa thành phẩm khi nhu cầu nội địa bị suy yếu. Điều này đặt ra mối đe dọa cho các ngành công nghiệp VN khi cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm Trung Quốc trên thị trường toàn cầu. Rủi ro đặc biệt cao đối với các ngành xuất khẩu của VN là dệt may, điện tử và đồ nội thất…
Ảnh hưởng tỉ giá
. Ngoài ra, đồng nhân dân tệ (CNY) đang giảm giá sẽ ảnh hưởng đến tỉ giá, cạnh tranh xuất khẩu và hoạt động sản xuất của VN ra sao?
+ Việc giảm nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc có thể dẫn đến giảm cầu hàng hóa nhập khẩu từ VN, có khả năng tác động tiêu cực đến dự trữ ngoại hối của VN và gây áp lực để đồng VND mất giá so với đồng CNY.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần xem xét vấn đề thâm hụt thương mại giữa hai quốc gia, đã leo lên mức kỷ lục 60,2 tỉ USD vào năm 2022. Thâm hụt thương mại thường khiến đồng tiền của quốc gia thâm hụt. Trong trường hợp này là đồng VND trở nên yếu hơn, vì nó làm tăng cầu của đồng ngoại tệ để bù đắp sự mất cân bằng thương mại.
Áp lực giảm giá này đối với VND trở nên phức tạp hơn do sự liên kết kinh tế chặt chẽ giữa VN và Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, do Trung Quốc là nguồn cung cấp chính cho nguyên liệu thô.
Giảm phát ở Trung Quốc có thể làm cho giá cả các nguyên liệu này trở nên rẻ hơn, mở ra hai khả năng. Thứ nhất, nguyên liệu thô rẻ hơn có thể thúc đẩy xuất khẩu của VN và làm tăng giá trị của đồng VND.
Thứ hai, nó có thể làm tăng thêm thâm hụt thương mại hiện tại, khiến đồng VND giảm giá mạnh hơn. Các tác động này đòi hỏi sự quản lý thông minh và nhạy bén từ phía chính quyền VN để đối phó với biến động tiềm ẩn trong tình hình kinh tế quốc tế.
. Xin cảm ơn ông.
Cần đa dạng hóa thị trường
. Ông có khuyến nghị nào với doanh nghiệp lẫn VN để đối phó với các tác động tiêu cực từ việc kinh tế Trung Quốc giảm phát?
+ Trước hết, việc đa dạng hóa thị trường vẫn là một chiến lược quan trọng. Các DN cần ưu tiên giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc bằng cách khẩn trương tìm kiếm các thị trường thay thế và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Cách tiếp cận này có thể xem như một “hàng rào kép” bảo vệ chống lại cả những rủi ro ngắn hạn liên quan đến suy thoái kinh tế của Trung Quốc và những rủi ro dài hạn từ việc giảm phát nhập khẩu. Chính phủ có thể hỗ trợ việc này thông qua các biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn nguyên liệu thô từ nhiều quốc gia khác nhau về mặt tài chính.
Thứ hai, trong bối cảnh nhu cầu thấp hơn cả trong nước và từ Trung Quốc, các DN VN cần tập trung vào củng cố thị phần trong nước. Điều này có thể liên quan đến việc sử dụng chiến lược tiếp thị có mục tiêu hoặc thậm chí mở rộng sang các lĩnh vực ít chịu áp lực giảm phát hơn.
Thứ ba, tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng của VN với Trung Quốc, đòi hỏi sự xem xét toàn diện các chính sách thương mại và nhập khẩu. Chiến lược phòng ngừa rủi ro tiền tệ cần phải được triển khai để đối phó với sự biến động của tỉ giá VND/CNY, đặc biệt trong bối cảnh môi trường giảm phát, khi giá trị tiền tệ có thể trở nên không thể đoán trước.
Cuối cùng, trước nguy cơ nhập khẩu giảm phát từ Trung Quốc, các DN cũng nên chuẩn bị cho kịch bản giảm phát trong nước. Điều này bao gồm việc hợp lý hóa hoạt động để duy trì lợi nhuận, ngay cả khi doanh thu đang giảm và xây dựng nguồn dự trữ tiền mặt đáng kể để đối phó với suy thoái kinh tế có thể xảy ra.
Ngành may mặc có thể gặp áp lực khi cạnh tranh trực tiếp với hàng Trung Quốc trên thị trường quốc tế. Ảnh: P.MINH |
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam
Theo Công ty Chứng khoán KBSV,trong năm 2022, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của VN, trong khi VN tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN. Nhu cầu yếu sẽ làm ảnh hưởng tới các ngành nghề có tỉ lệ xuất khẩu cao sang Trung Quốc như gỗ, giấy, rau củ...
Thêm vào đó, việc đồng CNY giảm giá mạnh cũng đang gây áp lực lên hoạt động thương mại hai nước khi mà áp lực nhập siêu từ Trung Quốc gia tăng do hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên rẻ hơn. Các sản phẩm bị ảnh hưởng như hàng nông, lâm, thủy sản, đồ nội thất, sắt thép, vật liệu xây dựng…