Doanh nghiệp Việt trước thách thức quy định mới của châu Âu

(PLO)- Các mặt hàng cà phê, gỗ, cao su… phải cung cấp văn bản tuyên bố không phá rừng kèm theo hàng hóa trước khi xuất khẩu sang châu Âu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Bộ Công Thương, từ ngày 29-6, Quy định 2023/1115 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu về đưa vào lưu thông và xuất khẩu một số sản phẩm liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng, thay thế Quy định 995/2000 có hiệu lực. Theo đó, các mặt hàng gồm gia súc, ca cao, cà phê, cọ và dầu cọ, cao su, đỗ tương, gỗ phải thực hiện nghĩa vụ giải trình thông tin về nơi sản xuất, diện tích đất sử dụng cho sản xuất, cung cấp văn bản tuyên bố không phá rừng kèm theo hàng hóa trước khi xếp hàng lên tàu.

Nhiều doanh nghiệp đã đáp ứng tiêu chuẩn

Là một trong những doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê vào châu Âu, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Meet More Coffee, cho biết công ty xuất khẩu cà phê vào 10 quốc gia châu Âu từ năm 2019.

Nhiều doanh nghiệp Việt đã đáp ứng các quy định mới của châu Âu. Ảnh: T.UYÊN

Nhiều doanh nghiệp Việt đã đáp ứng các quy định mới của châu Âu. Ảnh: T.UYÊN

Theo ông Luận, để lên được kệ hàng của các siêu thị châu Âu, bên cạnh chất lượng được kiểm soát gắt gao thì ngay ban đầu xuất xứ vùng trồng là một trong các tiêu chí xanh mà khách hàng đặt ra. “Ngay từ ban đầu chúng tôi đáp ứng việc truy xuất mã vùng trồng nên không bị ảnh hưởng trước quy định mới này” - ông Luận nói.

Đại diện Hiệp hội Gỗ và lâm sản cho biết hiện nay Việt Nam không còn tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên nên ngành gỗ không vi phạm quy định của EU.

Ngày 16-5, 27 quốc gia thành viên EU đã chính thức thông qua luật cấm các sản phẩm có liên quan đến hoạt động phá rừng. Luật mới nhằm góp phần giảm bớt tình trạng phá rừng trên toàn cầu thông qua điều chỉnh hoạt động kinh doanh một loạt mặt hàng liên quan.

Tuy nhiên, DN sẽ phải cung cấp bằng chứng thể hiện các sản phẩm nội thất, ngoại thất, các loại ván công nghiệp cùng một số sản phẩm khác không sản xuất từ nguyên liệu được từ các vùng gây mất rừng và suy thoái rừng.

“Ngoài ra, DN gỗ cần hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan hữu quan hai phía Việt Nam và EU về kỹ thuật khai báo, thu thập dữ liệu về vùng địa lý; tăng cường thực hiện trách nhiệm giải trình, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu…” - vị đại diện chia sẻ.

Đại diện Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành (xuất khẩu đồ gia dụng, đồ chơi từ gỗ sang các thị trường Mỹ, châu Âu) cho biết tuy còn nhiều thách thức trước quy định mới của EU nhưng đây cũng là cơ hội cho các DN có lợi thế nguồn gốc nguyên vật liệu và sản phẩm rõ ràng, đáp ứng được tiêu chuẩn thị trường quốc tế.

Đặc biệt, công ty đã có chứng nhận FSC-COC (chứng nhận sử dụng gỗ từ nguồn hợp pháp, từ những khu rừng được quản lý có trách nhiệm, bền vững) từ rất sớm, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn của khách hàng.

Tuy nhiên, vị đại diện cho biết về gỗ cao su hiện tại vẫn chưa có nhiều nguồn cung nên chưa có chứng nhận FSC. Vì vậy, cần sự chung tay giúp sức của các cơ quan, ban ngành có thẩm quyền nhằm hỗ trợ DN trong việc cấp chứng nhận này.

Phải thực hiện nhiều thủ tục đăng ký

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và môi trường - Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho biết với quy định mới của châu Âu, những mặt hàng xuất khẩu có liên quan của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức.

Cụ thể, DN phải thực hiện các thủ tục đăng ký về nguồn gốc, thương hiệu, đánh giá các tác động liên quan có gây mất rừng hay suy thoái rừng hay không… Điều này dẫn đến chi phí của DN sẽ tăng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường châu Âu.

Theo ông Lai, theo đạo luật này, thời điểm tính mất rừng và suy thoái rừng là từ ngày 31-12-2020 trở đi, thì trước thời điểm đó Việt Nam đã quản lý rừng rất chặt chẽ. Về cơ bản Việt Nam đã cấm khai thác rừng tự nhiên nên các ngành trồng hay sử dụng các sản phẩm từ đất được xác định là do suy thoái rừng không nhiều.

Theo ông Lai, đây cũng là cơ hội rất tốt vì Việt Nam đã và đang mong muốn xuất khẩu nhiều đến với những thị trường khó tính. Ngành nông nghiệp có thể chuyển đổi mạnh mẽ cũng như từng người sản xuất sẽ chuyển đổi theo hướng bền vững hơn.

Ông Lai dẫn chứng hiện nay DN Việt khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Âu hay Mỹ đáp ứng được các tiêu chuẩn như GlobalG.A.P., VietGAP… Có thể DN làm theo từng đợt, từng lô hàng, từng đối tượng. Tuy nhiên, thời gian tới DN cần phải làm bài bản hơn từ thông tin dữ liệu liên quan đến truy xuất nguồn gốc đất trồng hay chứng chỉ carbon…

Tuy nhiên, để thực hiện bài bản thì các DN nhỏ và vừa, nông hộ, hợp tác xã sẽ đối mặt với một thách thức là chi phí tăng. Do đó, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong ban hành chính sách và có thể hỗ trợ ban đầu.

“Cần đẩy mạnh kết hợp giữa DN và người dân, phải giúp người dân cùng xác định nguồn gốc đất đai; phối hợp cùng nhau trong quá trình sản xuất, thu hái giữa hai bên để có dữ liệu, đảm bảo tuân thủ các quy định của EU” - ông Lai nói.

Đặc biệt, để tạo độ tin cậy của dữ liệu thì ngành nông nghiệp cần có một cơ sở dữ liệu quốc gia về truy xuất nguồn gốc, các dữ liệu mất rừng, suy thoái rừng từ năm nào… Đồng thời giúp DN, người nông dân giảm chi phí sản xuất ngay từ ban đầu.

Đã 680.000 ha đất trồng cà phê ổn định sản xuất

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho biết diện tích cà phê Việt Nam từ trước năm 2000 đã có 680.000 ha sản xuất ổn định, không nằm trên đất phá rừng. 680.000 ha trồng cà phê này bao nhiêu năm nay xuất khẩu sang EU chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.

Do đó, nếu ngành cà phê thực hiện tốt thì đây là cơ hội để nâng thị phần cà phê Việt sang EU. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm của ngành cà phê Việt Nam với môi trường.

Tuy nhiên, ngành cà phê gặp thách thức cũng không nhỏ là hiện nay sản xuất cà phê chủ yếu là hộ nông dân nên nhỏ lẻ. Hiện cả nước có trên 1,2 triệu hộ nông dân, những hộ có diện tích trồng cà phê từ 0,5 ha trở xuống rất nhiều. Do đó, để truy xuất nguồn gốc tận vườn rất khó khăn.

Theo đó, ông Hải kiến nghị các bộ, ngành địa phương có cơ sở dữ liệu tạo điều kiện truy xuất nguồn gốc cà phê tận vườn. Song song đó phải có bản đồ rừng trong thời điểm 31-12-2020 chính xác để có con số phạm vi nhằm sàng lọc truy xuất nguồn gốc tốt hơn.

“Đồng thời, khi thực hiện theo quy định của EU sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận người nông dân ven rừng. Vì vậy, Nhà nước cần có kế hoạch hỗ trợ đời sống của bà con nông dân” - ông Hải nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm