Thời gian qua, một số tập đoàn đa quốc gia đã dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu từ một số nước sang Việt Nam. Đặc biệt, mới đây nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài (FDI) quyết định mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Điển hình, Apple bắt đầu sản xuất iPad, Macbook; Samsung tập trung sản xuất các mẫu cao cấp; LG thông báo đầu tư thêm 4 tỉ USD để sản xuất camera cho điện thoại di động… Đây là cơ hội cho DN Việt chen chân vào các chuỗi cung ứng cho các ông lớn FDI này.
Những khó khăn trước mắt
Theo các tổ chức trong ngành công nghiệp hỗ trợ, thời gian qua DN Việt không tham gia được chuỗi cung ứng cho FDI vì gặp một số khó khăn, trong đó một phần bị “ép” giá. DN FDI so sánh mức giá ở Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, rồi trả cho nhà cung ứng Việt Nam giá thấp, lợi nhuận chỉ 2%-6%. Như vậy, DN Việt khó có thể sản xuất.
Doanh nghiệp Việt đang có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia. Ảnh: T.UYÊN |
Ngoài ra, hằng năm khi đàm phán hợp đồng, các FDI đều đề nghị giá giảm 3%-5% mặc dù giá nhân công, giá nguyên liệu tăng. Do đó, chỉ những DN nào liên tục nâng cao năng lực quản trị hiện đại, cải tiến liên tục (Kaizen) mới có thể chấp nhận giá thấp, tiếp tục cạnh tranh để tham gia chuỗi cung ứng.
Các chuyên gia nhìn nhận hiện nay sản xuất công nghiệp phụ trợ của DN Việt gặp khó khăn do chi phí vốn rất cao. DN lại chủ yếu là vừa và nhỏ nên phải dùng đòn bẩy vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay mặt bằng lãi suất ở Việt Nam cao hơn nhiều so với Trung Quốc 2,65%, Nhật Bản 1,5%, Thái Lan 4%...
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa tự chủ được nguyên liệu sản xuất, tất cả phải nhập khẩu dẫn đến giá thành cao. Cơ chế, chính sách không dài hạn và đang chỉ dừng ở chính sách - chủ trương, đặc biệt nhiều chương trình hỗ trợ và kích cầu cho công nghiệp hỗ trợ chưa đi đúng vào thực tiễn. Do đó, Nhà nước cần tập trung phát triển ngành công nghiệp lõi, có những cơ chế, chính sách đặc biệt cho công nghiệp phát triển.
Kiến nghị điều chỉnh các chính sách kịp thời
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội DN điện tử Việt Nam (VEIA), cho biết từ đầu năm 2023 hiệp hội tiếp rất nhiều đoàn DN châu Âu, Nga… muốn tìm những sản phẩm điện tử chất lượng từ Việt Nam. Đây là cơ hội rất lớn cho DN điện tử trong nước.
Tuy nhiên, thời gian qua Chính phủ ban hành nhiều chính sách ưu đãi dành cho DN công nghiệp hỗ trợ nhưng tính thực thi chưa cao, DN khó áp dụng hoặc khi áp dụng được một thời gian lại có nguy cơ vi phạm pháp luật.
Đơn cử, khu vực phía Nam có DN đang là nhà cung cấp đầu chuỗi cho DN FDI Mỹ, Hàn Quốc, theo chính sách hỗ trợ được ưu đãi thuế thu nhập DN trong năm năm đầu. Tuy nhiên, những năm tiếp theo cơ quan thuế tiến hành kiểm tra, hậu kiểm DN lại bị phạt.
Cạnh đó, trong quá trình hậu kiểm, có những linh kiện DN khai mã HS theo quy định nhưng cơ quan hải quan áp sang mã HS khác nên thuế từ 5% tăng lên 30%. Vì vậy, DN không dám nhập linh kiện thiết bị về sản xuất, họ mất đơn hàng cả nửa năm, chưa kể DN mất nhiều thời gian giải trình.
Ngoài ra, cùng các chính sách ưu đãi dành cho DN công nghiệp hỗ trợ, hầu như DN FDI tận dụng hết trong khi DN Việt vừa chịu áp lực cạnh tranh vừa gặp khó về chính sách.
“Để thu hút được DN FDI vào đầu tư lâu dài, Việt Nam cần hình thành hệ sinh thái tốt, có chuỗi các nhà cung ứng nội địa phát triển ổn định, bền vững. Do đó, hiệp hội kiến nghị nếu Chính phủ điều chỉnh các chính sách kịp thời để hỗ trợ thực chất cho DN Việt” - bà Hương đề xuất.
Cơ hội nhiều hơn thách thức
Nhìn ở mặt tích cực, TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng các DN châu Âu, Mỹ hiện nay đang xác định châu Á - Thái Bình Dương là khu vực năng động và hấp dẫn do tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Thực tế cho thấy các ông lớn FDI như Apple, LG… chọn Việt Nam để mở rộng đầu tư mang đến nhiều cơ hội hơn là thách thức cho DN Việt.
TS Điền cho rằng thời gian qua Nhà nước đã ban hành các chính sách hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng số lượng DN tiếp cận còn ít.
Ngay như TP.HCM có chương trình kích cầu đầu tư, trong đó DN công nghiệp phụ trợ được nhiều ưu đãi như được hỗ trợ 50% lãi vay, tùy lĩnh vực. Sau một thời gian triển khai, nhiều DN được hưởng lợi nhưng đã dừng lại và hiện nay TP.HCM đang lấy ý kiến cho chương trình này.
“Nếu TP.HCM sớm ban hành chính sách kích cầu đầu tư sẽ giúp cho DN mạnh dạn đổi mới đầu tư công nghệ, góp phần cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển” - TS Điền nhấn mạnh.
Bà Bùi Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nhận định tình hình thế giới hiện nay có nhiều biến động nên DN Việt gặp rất nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội. Đáng chú ý là các DN đã có mối quan hệ hợp tác với DN Nhật Bản, những DN này sẽ tìm cơ hội chuyển hóa.
Bà Hạnh thông tin thời gian tới các cơ quan, ban ngành, hiệp hội sẽ cùng với các DN FDI định hướng tỉ lệ nội địa hóa tại Việt Nam. Qua đó, DN công nghiệp hỗ trợ Việt sẽ đầu tư trang thiết bị, máy móc, được hướng dẫn về kỹ thuật để có thể đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Kinh nghiệm tham gia chuỗi cung ứng cho ông lớn FDI
Chia sẻ kinh nghiệm khi trở thành nhà cung ứng cho Toshiba (Nhật Bản), ông Lê Mai Hữu Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất thiết bị điện Cát Vạn Lợi, cho biết ngay từ ngày thành lập, công ty xác định sản xuất sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn thế giới như Mỹ, Anh, châu Âu…
Xác định sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế là một trong những kinh nghiệm để DN Việt tham gia chuỗi cung ứng cho FDI. Ảnh T.UYÊN |
Mất khoảng hai năm Toshiba sang Việt Nam đánh giá quy trình sản xuất của nhà máy cũng như đào tạo. Chẳng hạn, với sản phẩm ống thép luồn dây điện và phụ kiện, nếu với tiêu chuẩn công ty đang sản xuất tuổi thọ không cao, họ sẽ không đặt hàng xuất sang Nhật Bản. Họ đưa ra yêu cầu tuổi thọ sản phẩm phải bền 50 năm cho công trình họ đang lắp đặt.
Theo ông Lâm, trước đây Toshiba đặt hàng từ các nhà cung ứng ở Trung Quốc nhưng ba năm nay họ tìm thêm các nhà cung ứng từ các nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, công ty đã nhận được đơn hàng nhờ có mức giá tốt và đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật khắt khe của công trình.
“Nếu trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho các FDI thì DN Việt lãi ít. Đơn cử như ngành may mặc, giày dép, khi gia công doanh thu nhiều nhưng lợi nhuận thấp. Do đó, chúng tôi cung ứng sản phẩm mang thương hiệu của mình vừa có lợi nhuận cao vừa tự hào thương hiệu Việt” - ông Lâm nói.