Nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị gì khi gặp Thủ tướng?

(PLO)- Quy hoạch điện VIII được triển khai từ năm 2019, đến nay đã gần 4 năm, qua 4 lần dự thảo nhưng vẫn chưa được thông qua.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay, 22-4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài.

Chia sẻ với Thủ tướng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đề nghị Việt Nam đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Quy hoạch phát triển điện VIII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045).

Mong sớm thông qua Quy hoạch Điện VIII

Cụ thể, đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham), Chủ tịch Greg Testerman cho biết, Amcham đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường chính sách và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, Amcham cũng bày tỏ lo ngại về sự chưa ổn định trong chính sách về điện của Việt Nam và mong muốn Việt Nam đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng sạch. Bởi điều này sẽ nhanh chóng có tác động tích cực vào tính cạnh tranh của ngành năng lượng Việt Nam.

Ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham) phát biểu tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Ảnh: VGP

Ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham) phát biểu tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Ảnh: VGP

"Chúng tôi cũng mong muốn Việt Nam sẽ sớm thông qua Quy hoạch điện VIII, hiện có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi việc này” - ông Greg Testerman bày tỏ.

Ngoài ra, Amcham cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển hệ thống pin dự trữ điện trong Quy hoạch điện VIII, việc thông qua việc mua bán điện trực tiếp và có kế hoạch cho phép các công ty có cam kết cao trong việc giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch tham gia vào quá trình này.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit cho rằng để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai thì Việt Nam cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Quy hoạch phát triển điện VIII.

Cùng đó, Việt Nam cũng nên có các hợp đồng mua bán điện trực tiếp để khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nhà máy trong khu công nghiệp nên được phép tham gia hợp đồng mua bán điện trực tiếp.

Còn ông Michael Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) thì đánh giá Việt Nam đang thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư chất lượng cao và nhiều trong số họ đã cam kết thực hiện lộ trình trung hoà carbon nên cần được tiếp cận năng lượng tái tạo sớm.

Do vậy, đại diện tổ chức này đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt kế hoạch thí điểm thực hiện cơ chế bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện đến hộ tiêu thụ công nghiệp (DPPA).

“Trong lĩnh vực năng lượng, chúng tôi mong muốn Việt Nam đơn giản hoá và rút ngắn thời gian xem xét và phê duyệt các dự án điện. Cần ưu tiên phê duyệt sớm những dự án đã hoàn thành các thủ tục cần thiết. Cần sớm ban hành Quy hoạch điện VIII” - Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN chia sẻ.

Dự kiến trình dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới nhất vào giữa tháng 5

Giải đáp mong muốn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay Bộ Công Thương đang cùng với tư vấn gấp rút hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII và dự kiến trình Thủ tướng phê chuẩn chậm nhất là trung tuần tháng 5 năm nay.

Bộ trưởng cũng cho hay, quy hoạch này sẽ đáp ứng mục tiêu về chuyển dịch năng lượng; an toàn hệ thống và bảo đảm cơ cấu giữa các vùng miền, nguồn và truyền tải điện. Đặc biệt, đã quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là giá thành điện năng đáp ứng được khả năng thanh toán của các đối tượng sử dụng điện.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: VGP

Trong Quy hoạch cũng có ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, cả điện mặt trời, điện gió cả trên bờ và ngoài khơi, rồi điện sinh khối, cũng như các nguồn điện Việt Nam có lợi thế.

Về phát triển điện gió ngoài khơi và mái nhà, theo Bộ trưởng Công Thương, đây là nguồn năng lượng sạch Việt Nam có tiềm năng. Tuy nhiên phát triển đến đâu, bao giờ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan.

Riêng điện mặt trời mái nhà, theo phương thức tự sản tự tiêu, mua bán trực tiếp và không qua hệ thống truyền tải điện quốc gia đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng thí điểm, mà điển hình là TP.HCM đang được Quốc hội xem xét nghị quyết thí điểm cơ chế chính sách phát triển này.

Về điện gió ngoài khơi, tiềm năng của Việt Nam là rất lớn, nhưng để khai thác phát triển còn tuỳ thuộc vào quy hoạch không gian biển, tuỳ thuộc vào sự điều chỉnh để có sự thống nhất trong các quy định của luật hiện hành, xem xét các yếu tố an ninh quốc phòng, cảnh quan môi trường.

“Sau khi Quy hoạch điện VIII được duyệt, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch, đề xuất các chính sách triển khai thí điểm để thực hiện” - Bộ trưởng cho hay.

Về cơ chế mua bán điện trực tiếp, quyền mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng lớn và đơn vị phát điện, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã xây dựng cơ chế này, đang lấy ý kiến.

“Chúng tôi cũng đang tiếp thu để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt” - Bộ trưởng thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm