Doanh nghiệp Việt vẫn chật vật tìm lối ra

(PLO)- TS Nguyễn Đình Cung dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 không quá 5% và năm 2024 tăng khoảng 5,5%.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Nhiều tổ chức dự đoán GDP 2023 của Việt Nam dao động từ 4,7% đến 6%. Riêng tôi nghiêng nhiều về mức GDP năm nay có thể chỉ đạt 4,7%”, TS Cung nêu quan điểm.

Nhận diện về cơ hội và thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng còn lại của năm nay và sang năm, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương,đã gọi tên cụ thể những "chướng ngại vật" đồng thời cũng chỉ ra những cơ hội mà các doanh nghiệp Việt có thể tận dụng để bứt tốc trong thời gian tới.

Từ xuất khẩu đến tiêu dùng nội địa đều yếu

Nhìn vào tình hình xuất khẩu của Việt Nam, TS Cung cho biết: Chưa bao giờ xuất khẩu giảm sâu như vậy, đến giờ mức suy giảm vẫn là 4,2% so với năm ngoái. Dù một số ngành đã có tín hiệu khởi sắc nhưng tốc độ và quy mô cải thiện chưa ổn định, không đồng đều. Nguyên nhân do nhu cầu nhập khẩu còn thấp, nhất là từ các nước bạn hàng chủ yếu như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc cũng suy giảm nhiều so với trước.

Những yếu tố bên ngoài không kiểm soát được, chúng ta phải thích nghi với nó, phải nhận biết được mình đang yếu và mạnh ở điểm nào để cơ cấu lại mặt hàng xuất khẩu.

Trong tiêu dùng thì bán lẻ là chủ yếu nhưng lĩnh vực này lại đang có xu hướng suy giảm. Từ tháng 10 năm ngoái đến những tháng đầu năm 2023, dịch vụ bán lẻ tăng trưởng 15-17% nhưng đến vài tháng gần đây chỉ tăng 11-12% và thời điểm hiện tại tăng trưởng chỉ còn 6-7%.

“Điều đó cho thấy tốc độ suy giảm nhanh. Nếu gọi tiêu dùng là động lực thì động cơ của nó quá yếu. Do đó, chúng ta phải làm sao để cải thiện, làm tăng sức mạnh động cơ của nó. Chứ đừng nhìn nó như là cứu cánh để bằng lòng…”, TS Cung nhấn mạnh.

Nhều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn
Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tiếp cận vốn.

Đầu tư khu vực tư nhân rất đáng lo

Về đầu tư, cụ thể là đầu tư công được xem như một cứu cánh cho động lực tăng trưởng. Năm nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đôn đốc chỉ đạo để có mức giải ngân trên toàn quốc cho đến thời điểm này đạt khoảng trên 60%, tăng hơn 23% so với năm trước và số tuyệt đối tăng trên 100.000 tỉ đồng. Xét trên các con số thì đầu tư công tăng mạnh so với các năm trước.

Tuy vậy, tiền vẫn không chi được do dự án bị ách tắc ở khâu pháp lý, giải phóng mặt bằng… Nếu tiếp tục tháo gỡ theo từng dự án thì quá trình này sẽ còn kéo dài. Vậy nên chúng ta phải cải tiến quy trình thủ tục, phải sẵn sàng cắt bỏ những quy trình gây vướng.

Nói đến đầu tư của khu vực tư nhân, TS Cung cho biết: Trước đây, tăng trưởng đầu tư ở khu vực này chiếm 60-65% tổng đầu tư toàn xã hội và đạt mức tăng trưởng từ 15-17% hàng năm. Năm 2022, dù tăng trưởng GDP của cả nước cao, nhưng tăng trưởng đầu tư tư nhân chỉ hơn 7% và trong 9 tháng đầu năm nay khu vực này chỉ còn hơn 2,3% - chỉ bằng khoảng 1/7 so với trước.

Tương tự, số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động giảm, và số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 10 tháng đầu năm nay tăng hơn 20% so với năm trước. Nghĩa là cứ 10 doanh nghiệp ra nhập thị trường lại có 8 doanh nghiệp rút lui ở tất cả lĩnh vực. Tình trạng này diễn ra ở tất cả các ngành nghề chứ không riêng một lĩnh vực nào.

Đâu là giải pháp để kinh tế phục hồi và tăng trưởng?

Sau khi so sánh đối chiếu ở nhiều góc độ, nhiều ngành nghề, nhiều đối tượng để có cái nhìn khách quan, đúng bản chất, giải pháp phục hồi kinh tế, TS Cung cho rằng Việt Nam vẫn phải tiếp tục kéo dài chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Hiện Chính phủ và Quốc hội đang thảo luận việc kéo dài chương trình hỗ trợ đến năm 2024 nhưng hy vọng chương trình sẽ kéo dài tới năm 2025. Chương trình hỗ trợ phải mạnh mẽ hơn và ổn định hơn mới có thể tạo niềm hứng khởi, thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.

Về du lịch, dịch vụ - là ngành bị thiệt hại nặng nề nhất do COVID-19. Chi phí đầu tư ban đầu của các doanh nghiệp lĩnh vực này là vô cùng lớn. Đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch thua lỗ nặng. Do đó, nên có một chương trình hỗ trợ dành riêng cho ngành này vì đây là ngành quan trọng của nền kinh tế.

"Về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, thay vì các nghị quyết chung chung, tôi mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liệt kê cụ thể 5-10 vấn đề đang là bức xúc nhất, cản trở nhất của doanh nghiệp và giao cho các đơn vị cụ thể xử lí, cần tạo áp lực để cải thiện và thay đổi.

Với doanh nghiệp, cần xem quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số như là cơ hội để đầu tư thay vì coi nó là thách thức. Chỉ khi chấp nhận thay đổi, doanh nghiệp mới có thể nâng tầm giá trị và tiếp cận cơ hội vươn ra biển lớn, tìm đến những thị trường mới dễ dàng hơn", ông Nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm