Kết quả: Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp cao nhất nhưng cũng là một trong 20 nền kinh tế mà ý tưởng khởi nghiệp trở thành hiện thực… thấp nhất.
Nhiều chuyên gia cho rằng khả năng tồn tại và sự linh hoạt của người Việt Nam là rất lớn, đến nỗi một công chức của Singapore nếu mất việc thì không biết làm gì trong khi công chức Việt Nam nếu mất việc vẫn có thể xoay xở kiếm tiền.
Nhưng điều gì khiến năng lượng khởi nghiệp của người Việt Nam lại khó trở thành hiện thực đến vậy? Câu trả lời từ những cải cách gần đây là khá rõ ràng.
Một thống kê gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chỉ tính riêng các quy định kiểm tra chuyên ngành đã “ngốn” mất của doanh nghiệp (DN) Việt Nam 23 triệu ngày công và 14.300 tỉ đồng/năm. Dù Chính phủ đã yêu cầu giảm tỉ lệ kiểm tra chuyên ngành từ 35% xuống thấp hơn nhưng hình như điều này vẫn đang gặp cản trở. Chi phí ngầm do thái độ và cung cách không phù hợp của cán bộ, công chức thừa hành vẫn hiển hiện trong những báo cáo của các tổ chức có uy tín tại Việt Nam.
Tạm không nói đến các chi phí ngầm, ngay cả những chi phí chính thức do DN phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh hợp pháp cũng đã rất lớn. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu ước tính: Với 16 điều kiện kinh doanh như tập huấn lái xe, mua sóng, làm phù hiệu, sắm bộ đàm… thì các hãng taxi phải tốn khoản chi phí lên tới 20%-30%. Taxi thua Uber, Grab cũng là vì vậy.
Nhưng dù vậy, cộng đồng kinh doanh Việt Nam vẫn ngày ngày vượt gian khó, gập ghềnh để tạo ra công ăn việc làm, đóng góp vào tăng trưởng, thịnh vượng. Các DN ngoài việc tìm kiếm lợi nhuận chính đáng vẫn miệt mài cải cách chính mình và kiến nghị Chính phủ tháo gỡ những khó khăn đến từ những điều phi lý.
Ở một góc độ khác, năm 2016 Chính phủ thực hiện cắt giảm một loạt điều kiện kinh doanh vô lý, dù chưa triệt để, đồng thời giảm bớt danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Lập tức có hơn 110.000 DN mới được thành lập. Hiệu ứng đó chắc còn kéo dài cho tới hôm nay khi chỉ mới chín tháng từ đầu năm 2017, lượng DN thành lập mới và quay lại hoạt động đã lên tới hơn 115.000.
Nói thế để thấy rằng dù có kêu gọi DN chủ động, sáng tạo… bao nhiêu đi chăng nữa, nếu không có một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng thì doanh nhân rất khó thực hiện được sứ mạng của mình.
Môi trường kinh doanh tốt lành có lẽ vì vậy là điều doanh nhân Việt cần nhất.