Doanh nhân lạc quan về năm mới 2022

LTS: Cộng đồng doanh nghiệp vừa trải qua một năm đầy khó khăn, chịu nhiều áp lực do dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhưng cũng không ít đơn vị chủ động thích ứng với đại dịch, xoay chuyển tình thế và gặt hái thành công. Bước vào năm mới 2022, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ gặt hái thêm nhiều kết quả. 

Dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong ảnh: Chế biến
thủy sản xuất khẩu tại một công ty. Ảnh: QUANG HUY

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) Việt vẫn đang phải chống chọi với dịch bệnh diễn biến rất khó lường. Tuy nhiên, nếu như trước đây họ có phần lúng túng thì nay đã chuẩn bị hàng loạt phương án sống chung thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19. Trong đó, xu hướng nổi bật là tái cấu trúc mạnh mẽ mô hình kinh doanh, chuyển đổi số để hòa nhập tốt hơn trong môi trường đại dịch.

Ông NGUYỄN QUANG TƯỜNG, Tổng giám đốc Sài Gòn Food:

Nhiều bài học quý giá từ đại dịch

Dịch COVID-19 đã khiến nhiều công ty, trong đó có Sài Gòn Food, rất vất vả ứng phó. Nhưng trong cơn đại dịch, chúng tôi cũng rút ra được những bài học quý giá.

Một là, văn hóa DN. Trong thời điểm khó khăn, chúng tôi mới nhận ra giá trị của văn hóa DN mà chúng tôi đã dày công xây dựng trong 18 năm qua có ý nghĩa như thế nào. Tất cả cán bộ, nhân viên luôn đồng lòng, quyết tâm cùng nhau vượt qua đại dịch.

Dù có tham gia “ba tại chỗ” hay làm việc tại nhà, tất cả mọi người đều ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình; không ngại rủi ro, không ngại gian khó. Bất cứ khi nào công ty cần người tham gia chống dịch là cán bộ, nhân viên đều luôn sẵn sàng.

Hai là, quản trị rủi ro. Dịch COVID-19 đã tăng khả năng ứng biến linh hoạt của DN. Cụ thể, chúng tôi đã xây dựng những kịch bản ứng phó trước sự khó lường của dịch COVID-19, trong đó có tình huống xấu nhất là công ty phải đóng cửa sáu tháng nhưng thật may mắn là tình huống này đã không diễn ra.

Ba là, hiện đại hóa các dây chuyền sản xuất, ứng dụng các phần mềm quản lý từ xa. Nhờ đó giúp chúng tôi dù làm việc tại nhà nhưng vẫn xử lý công việc một cách hiệu quả. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch IT hóa tất cả hoạt động để trong trường hợp phải làm việc từ xa vẫn chủ động được.

Bằng những giải pháp trên, năm 2021 công ty vẫn ổn định và phát triển. Chúng tôi kỳ vọng năm mới 2022 sẽ có nhiều tín hiệu vui. Trước mắt, ngay trong dịp đầu năm mới tới đây, Sài Gòn Food ra mắt một số dòng sản phẩm mới như nước dùng canh gói nhỏ và sốt trộn. Chúng tôi cũng lên kế hoạch dự trữ 3.000 tấn thành phẩm để cung ứng cho thị trường nội địa.

Ông PHẠM QUANG ANH, Tổng giám đốc Công ty May mặc Dony:

Tự động hóa nhiều khâu, giảm sản phẩm lỗi

Đại dịch là một sự kiện chưa từng có đã đẩy các DN chịu nhiều tác động tiêu cực. Là một đơn vị trong ngành dệt may, vốn sử dụng khá nhiều người lao động thì đại dịch còn tạo ra những tình huống phức tạp khiến có những lúc tôi cảm thấy tuyệt vọng. Ví dụ có thời điểm đơn hàng đã chốt trước đó nhưng để sản xuất, DN phải thực hiện “ba tại chỗ” với những điều kiện rất ngặt nghèo tưởng khó vượt qua.

Nhưng nhờ áp dụng công nghệ và chuyển đổi số kịp thời đã giúp chúng tôi tăng hiệu quả sản xuất, giảm số lượng hàng bị lỗi và giúp tiết kiệm tổng chi phí sản xuất trong bối cảnh đại dịch như hiện nay.

Chẳng hạn, chúng tôi áp dụng công nghệ thiết kế có sự hỗ trợ của máy tính (CAD) và công nghệ sản xuất có sự hỗ trợ của máy tính (CAM). Ngoài ra, công ty triển khai quá trình tự động hóa khâu kiểm tra vải, tạo mẫu ảo, trải và cắt vải tự động, quá trình ủi... Đây là những cách đã giúp công ty vượt qua đại dịch, đảm bảo sinh kế người lao động, hoàn tất đơn hàng xuất khẩu.

Nhìn về năm 2022, chúng tôi lạc quan về tình hình kiểm soát dịch linh hoạt của Nhà nước. Dù dịch bệnh chưa thể sớm chấm dứt trên toàn cầu nhưng nhu cầu khách hàng về dệt may vẫn rất lớn nên hiện nay, công ty đã ký đơn hàng sản xuất với các đối tác nước ngoài đến giữa năm 2022 và kỳ vọng sẽ có một năm mới nhiều tăng trưởng tích cực hơn.

Tuy vậy, vấn đề mà cả các công ty ngành dệt may đang đau đầu là chi phí vận chuyển rất lớn. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy dẫn đến giá nguyên liệu tăng rất cao, dẫn đến giá thành phẩm cũng tăng theo. Đó là chưa kể có thời điểm không thể tìm được tàu xuất khẩu. Đây là những yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của DN nên rất mong Nhà nước có sự hỗ trợ. Chẳng hạn, xây dựng đội tàu nội địa vận chuyển tuyến đường dài để phục vụ DN trong nước nhằm tránh lệ thuộc vào đội tàu nước ngoài.

Xuất khẩu đạt kỷ lục mới

Theo Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của đại dịch nên tăng trưởng GDP cả năm 2021 đạt 2,58%, mức thấp nhất trong thập niên gần đây. Tuy vậy nền kinh tế nước ta vẫn có một số điểm sáng, một trong số đó là xuất khẩu.

Cụ thể, tính chung cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỉ USD, tăng 22,6% so với năm ngoái. Đây là mức cao kỷ lục mới. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm nay ước tính đạt hơn 336 tỉ USD, tăng 19% so với năm trước.

Đáng chú ý có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó có tám mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD.

Tính chung cả năm, cán cân thương mại ước tính xuất siêu 4 tỉ USD và đây là năm thứ sáu liên tiếp Việt Nam xuất siêu. 

LÊ HOÀNG DIỆP THẢO, Tổng giám đốc TNI King Coffee:

Mở nhiều đại lý bán hàng trên toàn cầu trong mùa dịch

Tại thị trường trong nước, với làn sóng dịch bệnh vừa qua, chúng tôi cũng như nhiều DN Việt Nam khác đã bị ảnh hưởng khá nhiều trong kinh doanh. Nhưng do có mảng kinh doanh quốc tế nên chúng tôi vẫn có sự tăng trưởng. Cụ thể là ngay trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng tôi đã mở nhiều đại lý bán hàng trên toàn cầu.

Ngoài ra, trong đại dịch, King Coffee còn mở các cửa hàng cà phê tại thị trường Mỹ và Dubai. Đây là những quán cà phê đậm chất Việt Nam để giới thiệu cho khách hàng quốc tế.

Điều tôi vui mừng nhất là công ty được Bộ NN&PTNT ủy quyền thực hiện hồ sơ kỷ lục thế giới cho cà phê Robusta Việt Nam. Hồi cuối tháng 12-2021, Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) đã công nhận kỷ lục thế giới cho cà phê Robusta Việt Nam. Chúng tôi tiếp tục khai phá các thị trường quốc tế để mở rộng kinh doanh và nỗ lực hơn nữa xây dựng các giá trị thương hiệu cho cà phê Việt.

Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T:

Đầu tư xây dựng các trung tâm logistics

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới, DN bắt buộc phải linh hoạt các kế hoạch sản xuất, kinh doanh để xoay chuyển tình thế. Như để hạn chế rủi ro do vướng mắc ở khâu vận chuyển hàng hóa tại các cảng, chúng tôi chuyển từ xuất khẩu trái cây tươi sang xuất hàng trái cây đông lạnh, bảo quản tốt hơn. Đồng thời tăng cường các hoạt động trực tuyến để tìm kiếm khách hàng, đa dạng hóa thị trường…

Tuy vậy, khó khăn lớn nhất hiện nay của DN trong nước lẫn xuất khẩu chính là logistics với chi phí vận chuyển tăng chóng mặt; thông quan hàng hóa diễn ra chậm chạp, kẹt cảng, kẹt cửa khẩu. Điều này đang ăn mòn lợi nhuận của DN, kéo giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Để khắc phục những khó khăn trên, Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp như đầu tư xây dựng các trung tâm logistics nông sản ở vùng sản xuất trọng điểm. Những trung tâm như vậy phục vụ nhu cầu cho cả một vùng, đảm nhận lưu trữ, phân phối hàng hóa.•

 

Doanh nhân lạc quan về năm mới 2022 ảnh 6
Các doanh nghiệp nỗ lực trong bối cảnh đại dịch để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Ảnh: QH

Ý kiến chuyên gia

Hỗ trợ tiền là chưa đủ

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng để nền kinh tế vực dậy mạnh mẽ trong năm 2022, trước hết Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ cho các DN phục hồi. Thời gian qua đã có nhiều gói hỗ trợ nhưng lưu ý cần hỗ trợ cho các DN hoạt động hiệu quả mang tính lan tỏa cho nền kinh tế. Ngoài ra phải xóa bỏ các rào cản, áp dụng những biện pháp thị trường, tránh hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.

“DN không chỉ cần tiền mà còn cần hỗ trợ từ Nhà nước để giúp họ nâng cao năng lực như chương trình đào tạo, thông tin, tư vấn để nâng cấp DN. Chính những điều này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, qua đó phát huy được sức mạnh nền kinh tế không lỡ nhịp với quốc tế. Chính niềm tin vào những cải cách thể chế mạnh mẽ và thực chất chứ không phải là các gói hỗ trợ về tiền bạc sẽ định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng cải cách mạnh mẽ để mọi hoạt động kinh tế trở nên năng động hơn, dễ dàng hơn trong mọi bối cảnh, chứ không vì tác động bởi đại dịch COVID-19. Cải cách thể chế cần phải tiến hành theo hướng thúc đẩy sự năng động.

Còn ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), cho hay hiện nay, nhiều DN đang phục hồi sản xuất và tiến triển tốt nhưng vẫn gặp không ít thách thức vì chi phí bỏ ra quá lớn. Để hạn chế rủi ro, tăng sức cạnh tranh, các DN đang nỗ lực nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, đẩy mạnh công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh. Đây được xác định là xu hướng phát triển trong thời gian tới và mở ra cơ hội tái cấu trúc sản xuất đối với các DN.

Tuy vậy, muốn làm được, ngoài sự nỗ lực của cộng đồng DN thì Chính phủ, các bộ, ngành liên quan phải đưa ra các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến; tạo cơ chế về tín dụng, chính sách thuận lợi nhằm thu hút các công ty lớn đầu tư vào chế biến nông sản, nhất là tập trung vào một số sản phẩm chủ lực.

PHƯƠNG MINH - QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm