Ngày 12-10, một nguồn tin cho biết ông Lê Hồng Phong (37 tuổi, ngụ xã Tân Hải, thị xã La Gi, Bình Thuận), người bị Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bắt hôm 26-8-2016 cùng con gái ba tuổi trước cổng trường mầm non gây xôn xao dư luận, đã được tại ngoại.
Cũng theo nguồn tin, sau khi Công an quận Hai Bà Trưng bắt ông Phong vì nghi ngờ nằm trong đường dây làm giả con dấu đã đưa ông Phong về Hà Nội tạm giam bốn tháng.
Nơi xảy ra vụ "bắt cóc" trước Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ, thị xã La Gi.
Sau đó vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức bất ngờ được chuyển cho Công an quận 7, TP.HCM thụ lý và ông Phong được di lý từ Hà Nội về TP.HCM, rồi được tại ngoại.
Hiện phía Công an quận Hai Bà Trưng vẫn chưa giải thích vì sao một vụ việc xảy ra tại TP.HCM nhưng công an quận này lại vào tỉnh Bình Thuận mật phục bắt người như “bắt cóc” và đưa lên xe chở đi cả đứa bé mới ba tuổi.
Như tin đã đưa, khoảng 7 giờ 30 ngày 26-8-2016, ông Phong chạy ô tô Jaguar bốn chỗ màu trắng tấp xe vào lề cạnh cây xăng trước cổng Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ, phường Phước Hội, thị xã La Gi thì bị một xe bảy chỗ cúp đầu. Bốn người đàn ông bước xuống khống chế cha con ông, đưa vào chiếc xe của họ và nổ máy cả hai xe chạy theo hướng QL55 về Bà Rịa-Vũng Tàu.
Vụ việc diễn ra quá nhanh khiến rất nhiều người đang đưa con đi học tại trường mẫu giáo nghĩ là cha con ông Phong bị bắt cóc nên điện báo cho công an địa phương. Công an tỉnh Bình Thuận đã tung lực lượng phong tỏa các tuyến đường, liên hệ công an các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và thông báo cho Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an phối hợp truy bắt.
Người thân của ông Phong từ TP.HCM về, thấy xe của ông Phong đi ngược chiều với tốc độ cao nên gọi điện thì ông Phong không bắt máy, sau gọi cho vợ ông Phong mới biết hai cha con bị “bắt cóc” nên quay đầu truy đuổi tới tận Công an phường Tân Phú, quận 7 mới biết bị Công an quận Hai Bà Trưng mời làm việc!
Sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã yêu cầu những người có liên quan trong tổ công tác của Công an quận Hai Bà Trưng giải trình về việc “mời” làm việc theo cách dễ gây hiểu lầm như vậy. Đến trưa hôm sau, đứa bé được trao lại cho gia đình.
Theo giải thích từ Công an quận Hai Bà Trưng, họ đang phá chuyên án làm giả con dấu, tài liệu liên quan đến nhiều người trong cả nước và ông Phong là đối tượng tình nghi. Tuy nhiên, khi tổ công tác của Công an quận Hai Bà Trưng đến Bình Thuận thì hoàn toàn không phối hợp với công an, chính quyền địa phương theo luật định, lệnh bắt cũng chưa có và cách “mời” làm việc theo kiểu bắt khẩn cấp khiến dư luận vô cùng hoang mang.
Được biết ông Phong ở thị xã La Gi chuyên kinh doanh nhà hàng tiệc cưới, khách sạn tại xã Tân Hải và Tân Tiến (La Gi). Khi việc trên xảy ra, nhiều người cho là việc bắt giữ này chưa ổn về nghiệp vụ, thậm chí có dấu hiệu trái pháp luật, gây bất ổn tâm lý cho cháu bé.