Ngày 28-6, Cục Thống Kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ lữ hành, dịch vụ khác) sáu tháng đầu năm ước đạt 561.734 tỉ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý doanh thu lữ hành tăng cao nhất, đạt 4.827 tỉ đồng tăng 78,5% so với cùng kỳ. Hoạt động của các công ty lữ hành đang vào cao điểm do rơi vào dịp hè cũng như tâm lý không lo dịch COVID-19 bùng phát trở lại từ sau lễ 30-4.
Tiếp đến là doanh thu lưu trú và ăn uống đạt 51.073 tỉ đồng, tăng 36,2% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu lưu trú tăng cao, số lượt khách phục vụ tăng 136,1%, số ngày khách phục vụ tăng 96,1%; doanh thu ăn uống tăng 35,5% phản ánh sự nhộn nhịp trở lại du lịch, các hoạt động vui chơi giải trí ở Thành phố.
Chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 336.751 tỉ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ.
Ước tính quý II- 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 298.000 tỉ đồng, tăng 13% so với quý I, tăng ở tất cả các hoạt động và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Du khách chuẩn bị vào tham quan bảo tàng chứng tích chiến tranh, quận 3, TP.HCM. ẢNH: TÚ UYÊN |
Về chỉ số giá tiêu dùng, CPI tháng 6 TP.HCM tăng 0,17% và có 8/11 các nhóm hàng giá tăng so với tháng trước.
Cụ thể chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (lương thực, thực phẩm; thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình) tăng cao nhất 0,51%.
Trong đó nhóm lương thực tăng chủ yếu do giá sắn, khoai, một số lương thực chế biến tăng giá; nhóm thực phẩm tăng 0,37%; nhóm dịch vụ ăn uống ngoài gia đình cũng tăng khá cao 0,78% do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng.
Tăng cao thứ hai là chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá với 0,31%, trong đó đồ uống không cồn, rượu bia đều tăng.
Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,18% chủ yếu do vải, bít tất các loại, giày dép có sự điều chỉnh tăng giá...
Bình quân sáu tháng đầu năm 2023 CPI tăng 3,73% so với cùng kỳ 2022. Trừ nhóm giao thông và bưu chính viễn thông giảm, chín nhóm hàng còn lại đều tăng.
Các nhóm hàng chỉ số giá tăng cao gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,38%, đồ uống thuốc lá tăng 4,58%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,89%; văn hóa giải trí tăng 5,02%...
Tài chính, ngân hàng...thu hút nhà đầu tư nước ngoài
Từ 1-1 đến 20-6, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM đạt 2.892,3 triệu USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ.
Trong đó, cấp mới có 514 dự án, tăng 69,1%, vốn đăng ký đạt 231,1 triệu USD, tương đương về vốn so với cùng kỳ.
Singapore là quốc gia dẫn đầu về dự án cấp phép mới với 89 dự án, vốn đăng ký đạt 126,1 triệu USD.
Về góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp có 1.089 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với vốn góp là 2.203,2 triệu USD, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ.
Trong đó, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có số vốn góp đạt 1.505,6 triệu USD, chiếm 68,3% tổng vốn góp.
Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có số vốn góp đạt 229,1 triệu USD, chiếm 10,4%...
Nhật Bản và Singapore có tỷ trọng vốn góp cao nhất lần lượt chiếm 69,6% và 16,7%.