Sao La xuất hiện đầu tiên vào năm 1992 tại Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) và tại Quảng Nam vào năm 2013 (bằng bẫy ảnh). Từ đó đến nay, Sao La - loài động vật đầy bí ẩn được gọi là "Kỳ lân châu Á" không còn nhìn thấy trong tự nhiên.
Trước nguy cơ tuyệt chủng của Sao La và nhiều loài động vật khác, hàng ngày, các cán bộ của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông (Quảng Trị) cùng các lực lượng tổ chức tuần tra, tháo gỡ những chiếc bẫy thú rừng và tuyên truyền đến người dân.
1 năm tháo dỡ hơn 10.000 bẫy thú rừng
Trong khoảng 1 năm qua, các đội tuần tra (nòng cốt là các thành viên nhận khoán bảo vệ rừng và cán bộ kiểm lâm tiểu khu) đã tổ chức hơn 150 đợt với 278 ngày tuần tra. Bước chân của các thành viên trong "biệt đội tháo bẫy" đã in dấu trên hơn 2.297km đường rừng.
Trên hàng ngàn cây số đường rừng núi hiểm trở đó, đội tuần tra đã phát hiện, tháo gỡ hơn 10.000 bẫy lắp đặt trái phép, thu giữ 1 khẩu súng tự chế, phá hủy 64 lán trại bất hợp pháp.
Thông thường, những chiếc bẫy sau khi tháo gỡ sẽ được tập trung để tiêu hủy. Nhưng để đem lại một thông điệp mạnh mẽ hơn đến người dân, các cán bộ bảo vệ rừng đã biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật.
Từ những chiếc bẫy vô tri vô giác đó, các thành viên trong "biệt đội tháo bẫy" tin rằng nghệ thuật sẽ giúp người dân có ý thức trong bảo vệ động vật hoang dã.
Ông Trương Quang Trung, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, cho hay từ sự đồng hành, phối hợp và hỗ trợ kinh phí từ Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam, Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông đã thành lập 3 đội tuần tra, tháo gỡ bẫy động vật lắp đặt trái phép trong rừng.
"Sau khi bàn bạc, chúng tôi đi đến thống nhất sẽ sử dụng chính các dây bẫy thú rừng được lắp đặt trái phép nói trên để chế tác thành tác phẩm nghệ thuật mang thông điệp tuyên truyền, bảo vệ động vật hoang dã" - ông Trung cho hay.
Độc lạ cặp "Kỳ lân châu Á" được làm từ 5.000 bẫy thú
Cùng với đó, cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông cũng thống nhất đề xuất với Ban quản lý Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (Dự án VFBC) tỉnh Quảng Trị sử dụng gần 5.000 dây bẫy đã tháo gỡ để tạo thành 2 cá thể Sao La.
Nhận được đề xuất của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), WWF và Văn phòng Dự án VFBC tỉnh Quảng Trị đã thống nhất, phối hợp tài trợ kinh phí thực hiện.
"Sau khoảng 30 ngày, từ gần 5.000 dây bẫy thú rừng lắp đặt trái phép mà chúng tôi đã thu giữ được trước đó, nghệ nhân Lê Tiến (trú tại huyện Vĩnh Linh) và các cộng sự đã chế tác thành tác phẩm đôi Sao La. Hiện, tác phẩm này đang được đặt tại nhà trưng bày của đơn vị" - ông Trung nói.
Từ những chiếc bẫy thú vô tri vô giác và từng là mối nguy hại đối với rất nhiều động vật hoang dã nay đã trở thành tác phẩm nghệ thuật, ông Trương Quang Trung nhìn nhận điều này sẽ tạo điểm nhấn trong các chương trình tuyên truyền giáo dục.
Cụ thể, tác phẩm này sẽ tạo cảm hứng, giúp học sinh và cộng đồng nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật rừng. Đồng thời tôn vinh vẻ đẹp của động vật hoang dã nói chung và loài Sao La nói riêng.
"Con người có cặp, thú rừng có đôi"
Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi mỗi người dân, cộng đồng nói không với thịt thú rừng, xây dựng lối sống có trách nhiệm với hệ sinh thái, bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Vào tháng 3-2024, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam), Sở NN&PTNT tỉnh và UBND Đông Hà tổ chức Lễ mít tinh phát động chiến dịch hành động vì động vật hoang dã năm 2024.
Chiến dịch này có thông điệp "Con người có cặp, thú rừng có đôi" - "Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời".
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi mỗi người dân, cộng đồng hãy nói không với thịt thú rừng.
Cạnh đó, là xây dựng lối sống có trách nhiệm với hệ sinh thái làm điều thiện với thiên nhiên; bảo vệ các loài động vật hoang dã, nhất là tại các nhà hàng, quán ăn, địa điểm đông khách du lịch, nơi có rừng tự nhiên....
Tỉnh cũng đang tiến hành ký cam kết thực hiện "5 không": Không săn bắt; không vận chuyển; không buôn bán; không nuôi nhốt và không sử dụng, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã.