KỶ NIỆM 71 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2-9

Độc lập, tự quyết mới hữu nghị, bình đẳng

PGS-TS, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thành, Học viện Quốc phòng, trã lời Pháp Luật TP.HCM về vấn đề khơi dậy sức dân, tận dụng thời cơ hội nhập nhưng vẫn giữ được sự độc lập của mình trong một thế giới đa phương, hội nhập.

Loại bỏ “sâu mọt”, xây dựng cán bộ có tầm nhìn

. Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, Cách mạng Tháng Tám thành công cùng với sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2-9-1945 đã mở ra một kỷ nguyên độc lập tự do của dân tộc ta. Những bài học nào từ mốc son lịch sử trên, theo Thiếu tướng, cần được giữ gìn và vận dụng cho việc bảo vệ và phát triển đất nước ngày hôm nay?

+ Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thành: Cách mạng Tháng Tám 1945 để lại cho các thế hệ sau nhiều bài học lịch sử quý giá cần chọn lọc để kế thừa và phát triển, nhất là bài học về đoàn kết, về huy động sức dân, tận dụng thời cơ, giữ gìn sự độc lập và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ sức gánh vác công việc của đất nước.

Để phát triển kinh tế, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của Việt Nam hiện nay, theo tôi bài học lịch sử nổi bật lên trên hết vẫn là bài học về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý điều hành đất nước có tầm nhìn chiến lược sâu rộng. Đội ngũ này phải vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng vừa linh hoạt, sáng tạo để thực hiện được tốt cả hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Hiện nay nhân dân cùng với Đảng lo lắng nhiều về suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Trong giai đoạn khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền và chiến tranh cách mạng, bài học về xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ tuy chưa đặt ra gay gắt như khi đã giành được chính quyền nhưng trong các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu in trong cuốn Đường kách mệnh năm 1927, không phải ngẫu nhiên bài học đầu tiên của những người cách mạng Việt Nam lại là bài “Tư cách một người kách mệnh”. Cần phải dựa trên cái gốc này mà xây dựng, bồi dưỡng tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh chính trị và tính linh hoạt, sáng tạo cho cán bộ, đảng viên mới đúng hướng.

. Trong Cách mạng Tháng Tám, Đảng đã tận dụng cơ hội rất tốt để giành chính quyền. Thời điểm hiện nay, chúng ta cần áp dụng bài học tận dụng cơ hội như thế nào để có thể vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền?

+ Lịch sử Cách mạng Tháng Tám 1945 nói riêng và lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung cho thấy khi xuất hiện các nguy cơ, thách thức lớn mà chúng ta xử lý đúng và vượt qua được thì cách mạng cũng bắt được những cơ hội tốt và tiến lên nhanh.

Hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức lớn cả về kinh tế, về quốc phòng, an ninh. Nếu chúng ta trước tiên thực hiện được dân chủ rộng rãi trong Đảng và trong xã hội; nghiêm trị và loại trừ được những phần tử “sâu mọt” suy thoái trong nội bộ hệ thống chính trị sẽ tạo được niềm tin, sự đoàn kết, thống nhất, phát huy được trí tuệ cả dân tộc…

Làm được như vậy tôi cho rằng chúng ta sẽ chuyển hóa được tình hình theo hướng đi lên, khắc phục nguy cơ, vượt qua thách thức, nắm bắt được cơ hội mới để có thể vừa phát triển kinh tế-xã hội vừa bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của Tổ quốc.

Tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 còn nguyên giá trị đến hôm nay. Trong ảnh: Cả gia đình tham quan triển lãm “71 năm vang mãi hào khí Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9” trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG

Giữ gìn độc lập, quyền tự quyết của quốc gia

. Thưa Thiếu tướng, giá trị của độc lập là vô vùng to lớn, chúng ta phải bảo vệ điều này như thế nào trong vấn đề quan hệ quốc tế, đặc biệt là những quốc gia có quan hệ mật thiết, truyền thống để tránh khỏi những tác động tiêu cực?

+ Hồi ở Việt Bắc, Bác Hồ đã viết “Độc lập không phải là đứng một mình”. Hiện nay cũng cần hiểu đúng về nền độc lập của một dân tộc, một quốc gia trong thế giới hiện đại đang toàn cầu hóa, số hóa, phẳng hóa… như thế giới chúng ta đang sống. Các mối liên hệ chằng chịt về nhiều mặt giữa các quốc gia, dân tộc trong thế giới hiện đại tạo nên sự tương tác phức hợp, đan xen lợi ích với nhau… Vì vậy xem xét mức độ phụ thuộc hay độc lập của một quốc gia, dân tộc đến mức nào rốt cuộc phải căn cứ vào khả năng và mức độ thực hiện quyền tự quyết của quốc gia, dân tộc ấy đối với những vấn đề lớn của chính mình.

Hiện nay trước tham vọng và sức ép của các nước lớn, chúng ta vẫn đang phải tiếp tục đấu tranh để bảo vệ, giữ vững nền độc lập dân tộc - một thành quả vô cùng quý giá của Cách mạng Tháng Tám. Thực chất vẫn là bảo vệ, giữ vững quyền tự quyết của quốc gia, dân tộc Việt Nam đối với những vấn đề lớn của chính Việt Nam. Trong quan hệ với các quốc gia, dân tộc khác từ gần đến xa, từ quan hệ có truyền thống lâu đời đến quan hệ mới thiết lập, hiện nay chỉ có trên cơ sở giữ vững quyền tự quyết của quốc gia, dân tộc Việt Nam đối với những vấn đề lớn của chính Việt Nam và tôn trọng quyền tự quyết của đối tác thì chúng ta mới được đối tác tôn trọng, quan hệ đối ngoại mới có sự bình đẳng, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi.

. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc phải chăng là bài học quan trọng nhất cho đến thời điểm này?

+ Đúng là như vậy! Chúng ta đang nói về Cách mạng Tháng Tám nên tôi muốn bổ sung thêm khía cạnh “linh hoạt, sáng tạo” nữa. Việc phát huy sức mạnh toàn dân cũng tạo nguồn thuận lợi nhất cho tính linh hoạt, sáng tạo nảy nở vì cách mạng là sự nghiệp lớn của nhân dân, người cán bộ, đảng viên sẽ học tập, rèn luyện được tính linh hoạt, sáng tạo trong phong trào cách mạng thực tiễn của nhân dân.

“Thấy cái sai phải kiên quyết bài trừ” (*)

Độc lập, tự quyết mới hữu nghị, bình đẳng ảnh 3

Đảng Cộng sản có quyền tự tin và tự hào khi được nhân dân tin tưởng trao cho mình quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng cũng vì lẽ đó chúng ta càng cần phải luôn nghiêm khắc với mình…

Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta, Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như hiện nay: “tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “sân sau của gia đình”; xuất hiện sự câu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp-phe” lớn mang lại lợi ích “khủng” cho một số cá nhân và phe nhóm..., gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách Nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế.

Các vụ án tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng được đem ra xét xử hay chưa xét xử, thấy thấp thoáng “bóng dáng” của những cán bộ nắm giữ vị trí quản lý, thậm chí cả cán bộ quản lý ở cấp cao.

Với đội ngũ hùng hậu hơn 4,5 triệu đảng viên hiện nay, đặc biệt là trong Ban lãnh đạo, ai là những người đủ dũng cảm để gột sạch những vết nhem nhuốc làm vấy bẩn đội ngũ của chúng ta. Trong cuộc đấu tranh trước đây, để bảo vệ Đảng, bảo vệ lợi ích nhân dân, chúng ta dám chấp nhận hy sinh mạng sống của mình, thì hôm nay, cũng phải dám vượt qua cám dỗ, thậm chí phải có dũng khí thấy cái đúng phải lên tiếng ủng hộ, thấy cái sai phải kiên quyết bài trừ.

….

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra những tiêu cực trong lựa chọn cán bộ, đó là: thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư mới đến trí tuệ. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng, những hành động mạnh mẽ gần đây của các cơ quan chức năng là những dấu hiệu tốt, thể hiện quyết tâm làm trong sạch bộ máy, chỉnh đốn Đảng và được nhân dân đồng tình, hưởng ứng.

Không có cách nào khác, trước sự tồn vong của Đảng, của đất nước, với sự ủng hộ của hơn 90 triệu nhân dân, trách nhiệm với lịch sử và tương lai đang đè nặng lên vai những người được tin tưởng nắm giữ vai trò chèo lái; phải lấy lại niềm tin trước sự rộng lượng của nhân dân bằng cách hành động, bằng tính tiên phong đã được chứng minh trong thực tiễn đấu tranh. Ai đó cảm thấy không đảm đương được công việc hãy tự nguyện trao lại mái chèo, hoặc Đảng buộc họ phải ra đi.

Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có tài, có liêm sỉ và có khát vọng cống hiến, đó là những phẩm chất mà nhân dân trông đợi vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
(Trích từ bài viết  “Gánh nặng trách nhiệm trước lịch sử
và tương lai”  đăng trên plo.vn ngày 31-8-2016)
(*) Tựa trên do báo
Pháp Luật TP.HCM đặt lại

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm