Đối đầu Nga - Ukraine mở đường liên minh quân sự mới

Mới đây, sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Liz Truss đến Ukraine và Ba Lan để thảo luận về an ninh Đông Âu, Bộ Ngoại giao Anh thông báo ba nước đã cùng ký kết một hiệp ước quân sự mới. Hiệp ước có tên gọi “Nghị định thư về hợp tác ba bên” (TMC) này được ký trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine gia tăng.

Trục Ukraine - Anh - Ba Lan ngày càng vững chắc

Theo đài BBC, thông báo của phía Anh cho hay TMC ra đời trên nền tảng quan hệ lịch sử sâu đậm, các giá trị chung và cam kết an ninh chung của Anh, Ba Lan và Ukraine. Cả ba nước đều cam kết sẽ “đứng chung để chống lại mọi lực lượng cố tình đe dọa hòa bình ở châu Âu”, đồng thời London và Warsaw sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev về mặt thông tin tình báo và khí tài quân sự.

Đài DW cho hay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có vẻ đặt nhiều kỳ vọng vào hiệp ước nói trên khi gọi nó là “dấu hiệu của hy vọng”. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba thì lý giải mục tiêu chính của liên minh là củng cố vành đai an ninh và tăng cường trục Baltic - Biển Đen.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki (phải) tiếp đón Thủ tướng Anh Borish Johnson (trái) trong chuyến thăm thủ đô Warsaw ngày 10-2. Ảnh: AP

Điều này ám chỉ sự hiện diện của hải quân Ba Lan ở biển Baltic và lực lượng Anh tại Biển Đen - vốn đang hỗ trợ Ukraine rất nhiều trong đối trọng với các hạm đội Nga hoạt động ở đây. “Chúng tôi không thể ngồi yên chờ đợi an ninh và thịnh vượng ở một thời điểm trong tương lai, khi trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chúng tôi cần điều đó ngay bây giờ” - ông Kuleba khẳng định.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Quốc hội Ukraine Oleksandr Merezhko đánh giá Ba Lan và Anh là hai đối tác chiến lược đáng tin cậy nhất của Ukraine vào thời điểm này. “Có lẽ cũng nên suy nghĩ về việc thành lập một liên minh giống mô hình NATO thu nhỏ. Điều này là hoàn toàn khả thi, đặc biệt khi Anh là một trong những quốc gia hàng đầu ở châu Âu dù cho nước này không còn là thành viên EU” - ông cho biết.

Về phía Ba Lan, nước này được đánh giá là cũng có nhu cầu lên tiếng và gây ảnh hưởng lên tình hình mâu thuẫn Nga - Ukraine hiện nay do yếu tố địa chính trị, với đường biên giới dài với Ukraine và một đoạn lãnh thổ nằm gần khu vực quân cảng thuộc TP Kaliningrad của Nga trên biển Baltic. Warsaw lâu nay cũng được đánh giá là thành viên NATO và EU thân thiết nhất với Kiev khi giới lãnh đạo Ba Lan có xu hướng ủng hộ Ukraine trong cuộc đấu tranh với Nga.

Dù vậy, chính phủ Ba Lan cũng được kêu gọi cần rõ ràng về giới hạn đối với hiệp ước quân sự được đề xuất. “Ba Lan không có lợi ích gì khi tự mình thực hiện các hành động. Sức mạnh của chúng ta nằm trong NATO. Nếu cần đưa quân đến Ukraine, chúng ta sẽ thực hiện với sự chấp thuận của NATO” - cựu Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Waldemar Skrzypczak nhận định.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 22-2 cho biết đang có kế hoạch sơ tán các nhân viên ngoại giao khỏi Ukraine vì Kiev không đảm bảo an ninh cho họ, theo đài RT

Giới quan sát nói gì?

Nhìn chung, nhiều chuyên gia nghi ngờ khả năng hiệp ước mới giữa Ba Lan, Anh, Ukraine sẽ có thể đem lại bất kỳ thay đổi đáng kể nào cho tình hình an ninh Đông Âu đang xấu đi từng ngày. Tờ The Guardian dẫn đánh giá của chuyên gia Hans-Dieter Heumann thuộc ĐH Bonn (Đức) cho rằng trên thực tế thì việc ký TMC với Kiev và Warsaw chỉ là cách để chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson có thể chứng minh khả năng lèo lái ngoại giao trong cuộc khủng hoảng Ukraine để phản kháng lại các chỉ trích về năng lực lãnh đạo của ông ở Anh.

“Quyết định của Anh có phần xuất phát từ áp lực nội bộ chính trị Anh, chứ không thực sự sinh ra từ nhu cầu an ninh của Đông Âu bên ngoài. Chúng ta đang thấy nỗ lực của ông Johnson nhằm chứng minh sự thành công của chiến lược “nước Anh toàn cầu” được công bố những năm gần đây. Vì vậy, việc TMC có thể dẫn tới một liên minh quân sự chính thức tôi cho rằng khó xảy ra” - ông Heumann nhận xét.

Đài BBC cho rằng nhiều ý kiến đánh giá so sánh quan hệ an minh mới của ba nước châu Âu nói trên với Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên (AUKUS) mà Anh ký với Mỹ và Úc liên quan tới an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hồi năm ngoái. Tuy nhiên, các so sánh này có vẻ chưa chính xác vì TMC chỉ nhắm vào ba quốc gia cùng khu vực châu Âu chứ không mang tính liên kết xuyên đại dương như AUKUS.

Quan hệ mới này cũng không có vũ khí “đắt tiền” như tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân của Úc mà Anh và Mỹ sẽ cung cấp công nghệ; Ukraine ngoài việc nhận viện trợ vũ khí từ Anh và Ba Lan còn mua thêm vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ - một nước khác thuộc NATO. Một điểm khác là hiệp ước TMC Anh - Ba Lan - Ukraine tùy trường hợp có thể mở rộng để các nước khác tham gia nếu cần, chứ không cố định với ba thành viên ban đầu như AUKUS.

Với những thông tin như vậy, chuyên gia Heumann không tin liên minh mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong xử lý khủng hoảng và rằng mơ mộng về một NATO thu nhỏ của một số quan chức Ukraine có thể chỉ là ảo tưởng. Việc khó có một liên minh quân sự khác lúc này cũng gặp thách thức đến từ chính NATO bởi khối quân sự do Mỹ dẫn đầu ở thời điểm này đang được hoạt động rất tích cực với mức độ đoàn kết cao giữa các thành viên.

“Trong lúc này, dường như câu hỏi chiến lược quan ngại về an ninh châu Âu sẽ được quyết định song phương bởi Mỹ và Nga. Trong khi đó, Anh, Pháp, Đức và Ba Lan sẽ phát huy ảnh hưởng qua NATO chứ chưa thể có một kịch bản nào khác” - ông Heumann kết luận.

Mỹ, Anh, Đức cùng đồng minh đồng loạt trừng phạt Nga

Theo sau việc Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận Donetsk và Luhansk, Mỹ, Anh, Đức và đồng minh đồng loạt trừng phạt mạnh Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 22-2 cho biết Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhắm vào các tổ chức tài chính lớn nhất của Nga, cũng như giới tinh hoa ở Nga và gia đình của họ.

Động thái trên của Mỹ là nhằm đáp trả lại việc Tổng thống Vladimir Putin công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine. Tổng thống Biden gọi sự công nhận này là “khởi đầu cho một cuộc tấn công” của Nga nhằm vào Ukraine.

Ông Biden cho biết các biện pháp trừng phạt đang được áp dụng đối với Ngân hàng VEB và ngân hàng quân đội của Nga Promsvyazbank. Hãng tin TASS trích dẫn tuyên bố từ Ngân hàng Promsvyazbank cho biết các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không có tác động đáng kể vì họ đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa trước đó, song không cung cấp thêm chi tiết.

Tổng thống Biden cho hay ông cũng đang làm việc với Đức để ngăn chặn hoạt động của đường ống dẫn dầu khí Nord Stream 2 và ngắt “chính phủ Nga khỏi nguồn tài chính của phương Tây”.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cũng đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với năm ngân hàng Nga, gồm Rossiya, IS Bank, General Bank, Promsvyazbank và Black Sea Bank.

Chính quyền London còn áp đặt lệnh trừng phạt đối với ba “cá nhân có giá trị tài sản ròng rất cao” của Nga là các doanh nhân và tỉ phú nổi tiếng Gennady Timchenko, Igor Rotenberg và Boris Rotenberg.

Chính quyền Đức thông báo đã cho ngừng hoạt động đối với hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ Nga. EU cũng đã quyết định sẽ đưa thêm nhiều chính trị gia, nhà lập pháp và quan chức Nga vào danh sách đen, đồng thời cấm các nhà đầu tư EU giao dịch trái phiếu với Nga và cấm các hoạt động xuất nhập khẩu với hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới