Đòi lại đất cho con, xử sao?

Bình thường thì không sao nhưng khi vợ chồng người con ly hôn, không ít trường hợp cha mẹ kiện đòi lại đất. Giải quyết, các tòa lúng túng vì thiếu hướng dẫn.

TAND một huyện tại TP.HCM đang lúng túng trước một vụ cha mẹ kiện đòi lại quyền sử dụng đất đã cho vợ chồng người con từ hơn 10 năm trước.

Ly hôn, phải trả đất?!

Nguyên sau khi tổ chức đám cưới cho con trai, ông C. đã cắt cho con 100 m2 đất trong tổng diện tích hơn 500 m2 mà ông đang sử dụng. Việc cho đất này chỉ có giấy tay do ông C. viết (không công chứng) kèm theo lời tuyên bố bằng miệng trước mặt đông đủ họ hàng thân thích.

Hai năm sau, vợ chồng người con đã dùng số tiền tích góp xây một căn nhà cấp bốn khang trang cao ráo, có sân và tường bao riêng biệt. Năm 2009, vợ chồng người con nhờ dịch vụ nhà đất đo vẽ, kê khai để bắt đầu làm thủ tục tách thửa sang tên mình. Thời gian này, ông C. cũng biết chuyện và còn động viên các con sớm làm cho xong.

Chưa thực hiện được ý định, vợ chồng người con đã lục đục và ra tòa ly hôn. Giữa năm 2010, tòa xử cho họ ly hôn. Cuối năm, ông C. nộp đơn khởi kiện đòi lại mảnh đất đã cho.

Đòi lại đất cho con, xử sao? ảnh 1

Thụ lý vụ kiện, TAND huyện lấn cấn ở chỗ nếu xác định mảnh đất tranh chấp là đất của vợ chồng người con thì không ổn bởi họ chưa thực hiện việc đăng ký và sang tên, về mặt giấy tờ thì đất vẫn do ông C. đứng tên. Nhưng trên thực tế, việc ông C. cho đất là có thật, vợ chồng người con cũng đã sử dụng đất ổn định trên 10 năm, đã xây nhà khang trang, khi dự định tách thửa sang tên thì ông C. không phản đối…

Giải quyết: Phải xét cả luật lẫn thực tiễn!

Không chỉ riêng ở TP.HCM, nhiều tòa án địa phương trong cả nước cũng từng gặp những trường hợp gây lúng túng như trên. Nhiều tòa phải làm công văn đề nghị cấp trên hướng dẫn nghiệp vụ.

Về mặt pháp luật, Điều 467 BLDS quy định việc tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu. Hợp đồng tặng cho có hiệu lực từ thời điểm đăng ký, nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực từ thời điểm chuyển giao tài sản.

Nhiều chuyên gia cho biết trong thực tiễn, rất nhiều trường hợp tặng cho bất động sản giữa cha mẹ và vợ chồng con cái không đáp ứng được các yêu cầu trên. Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như hiểu biết pháp luật hạn chế, thủ tục công chứng, đăng ký bất động sản chưa thuận tiện, họ là người thân thích nên có tâm lý du di, nghĩ rằng chỉ cần tuyên bố cho là xong…

Theo Thẩm phán Nguyễn Văn Trí (Phó Chánh án TAND quận Tân Bình), hiện chưa có một hướng dẫn cụ thể nào của ngành tòa án về những trường hợp như trên nên để giải quyết có tình có lý, thẩm phán phải xem xét toàn diện cả về quy định lẫn tình hình thực tế.

Cụ thể, với những trường hợp đã hoàn thành việc tặng cho theo Điều 467 BLDS thì không nói nhưng với những vụ còn lấn cấn thì phải suy xét kỹ. Trước hết phải xét về thời điểm cha mẹ cho đất là trước hay sau đám cưới. Bởi khi gọi nguyên đơn lên thì hầu như 100/100 người đều khẳng định: “Tui chỉ cho đất một mình con trai (con gái) tui thôi, giờ chúng không ở với nhau nữa thì tui có quyền đòi lại…”. Nếu cho trước đám cưới thì khi vợ chồng người con xây nhà cha mẹ có yêu cầu làm cam kết gì không… Thứ hai là phải xem vợ chồng người con sử dụng miếng đất ấy như thế nào, ví dụ đã ở lâu dài, đã xây nhà cửa khang trang hay chưa…

Án bị hủy vì tòa xử máy móc

Trước đây, Tòa Dân sự TAND Tối cao đã từng hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm trong một vụ cha mẹ đòi đất đã cho con ở tỉnh T. vì hai cấp tòa áp dụng pháp luật một cách máy móc.

Số là ông bà Đ. viết giấy tay cho vợ chồng người con trai một lô đất có diện tích 200 m2. Vợ chồng người con đã xây nhà ổn định, trồng nhiều hoa màu, cây trái trong phần đất này. Sau khi vợ chồng người con ly hôn, ông Đ. kiện đòi lại đất đã cho. Cả hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đều không công nhận việc cho tặng đất nêu trên với lý do chưa đáp ứng đúng yêu cầu của pháp luật vì người con chưa đăng ký, sang tên trên giấy tờ.

Theo Tòa Dân sự TAND Tối cao, các tòa cấp dưới phải xem xét cả những tình tiết khác như thời gian sử dụng đã lâu dài, có giấy cho đất… chứ không nên áp dụng pháp luật một cách máy móc. Từ đó, tòa đã hủy hai bản án để xử sơ thẩm lại theo hướng phải công nhận việc cho tặng đất nêu trên.

Các trường hợp cần công nhận

Tại hội thảo tổng kết ngành tòa án cuối năm 2011, Tòa Dân sự TAND Tối cao đã có những gợi ý cụ thể giúp các tòa cấp dưới tạm thời gỡ vướng khi chưa có hướng dẫn chính thức.

Theo Tòa Dân sự TAND Tối cao, các trường hợp sau đây cần được tòa án xác định là cha mẹ đã cho vợ chồng người con đất:

Cha mẹ đã giao đất cho vợ chồng người con sử dụng ổn định. Vợ chồng người con đã kê khai đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cha mẹ biết việc kê khai đăng ký trên nhưng không có ý kiến phản đối. Cha mẹ chỉ kê khai đăng ký các thửa đất khác, không đăng ký thửa đã giao cho vợ chồng người con sử dụng.

Cha mẹ đã viết giấy cho vợ chồng người con quyền sử dụng đất. Vợ chồng người con đã trực tiếp sử dụng, đóng thuế sử dụng đất kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất. Khi thực hiện việc đóng thuế đăng ký kê khai quyền sử dụng đất thì cha mẹ không có ý kiến phản đối.

Cha mẹ đã viết giấy cho vợ chồng người con quyền sử dụng đất. Vợ chồng người con đã xây nhà ổn định, trồng hoa màu, cây trái trên đất và phần đất này có khuôn viên riêng biệt.

Cha mẹ đã thừa nhận trước kia đã cho vợ chồng người con quyền sử dụng đất và vợ chồng người con đã sử dụng ổn định (xây nhà ở, trồng cây trái..) nhưng do vợ chồng người con ly hôn nên cha mẹ đòi lại.

(Trích tài liệu hội nghị tổng kết ngành tòa án cuối năm 2011)

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm