Tại Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022-2026, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã trình bày báo cáo nêu rõ thực trạng về kiểm tra, đánh giá; giải pháp đổi mới kiểm tra, đánh giá và một số nội dung xin ý kiến Hội đồng.
Theo đó, trong quá trình chỉ đạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2006 và chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành hệ thống văn bản pháp lý để chỉ đạo kiểm tra, đánh giá học sinh; chỉ đạo và triển khai một số hoạt động trong phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng hoặc theo năng lực của học sinh; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng tăng cường năng lực cho đội ngũ giáo viên về năng lực triển khai các hoạt động kiểm tra, đánh giá.
Việc kiểm tra, đánh giá học sinh được triển khai ở các cấp học trong chương trình GDPT được cải tiến theo từng giai đoạn trên cơ sở tiếp thu về khoa học đo lường đánh giá, kinh nghiệm triển khai kiểm tra, đánh giá của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và đúng theo quy định của Luật Giáo dục về nội dung giáo dục, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục và kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục ở mỗi lớp, mỗi cấp học.
Bảy giải pháp đổi mới kiểm tra, đánh giá đó là: Xây dựng và ban hành quy định về chuẩn đánh giá theo chương trình GDPT 2018. Tăng cường đánh giá năng lực thực hành, năng lực vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề/tình huống thực tiễn. Đổi mới nội dung và hình thức thi tốt nghiệp THPT đảm bảo đáp ứng đồng bộ với việc triển khai chương trình GDPT 2018.
Hình thức kiểm tra, đánh giá đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện gắn với đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, tạo thuận lợi cho giáo viên và học sinh. Hoàn thiện quy trình kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học thực sự phù hợp, thuận tiện trong thực hiện, bảo đảm tính khoa học, chính xác, công khai, minh bạch.
|
Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022-2026. Ảnh CTV |
Tăng cường đổi mới quản lý việc thực hiện chương trình và kế hoạch giáo dục theo hướng phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, củng cố kỷ cương, nền nếp trong dạy học, kiểm tra, đánh giá. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, đánh giá. Đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên có năng lực về kiểm tra, đánh giá đáp ứng đổi mới giáo dục.
Liên quan đến vấn đề trên, các thành viên Hội đồng cho rằng, việc kiểm tra, đánh giá học sinh phổ thông cần dựa trên khung chuẩn năng lực thống nhất, liên thông đối với từng lứa tuổi, cấp học bằng cả kiến thức và kỹ năng; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quá trình đánh giá. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, đánh giá cần huy động sự tham gia nhiều hơn của các bên liên quan như phụ huynh, cộng đồng cùng với giáo viên và học sinh, đặc biệt là cần tạo không gian cho nhà trường, giáo viên sáng tạo về các biện pháp thực hiện.
Về chương trình làm việc của Hội đồng nhiệm kỳ 2022-2026, Bộ GD&ĐT - cơ quan thường trực của Hội đồng cũng đã đưa ra 12 nhóm vấn đề lớn tại phiên họp.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022-2026 nêu rõ, một trong những nhiệm vụ của Hội đồng là giúp chuẩn bị tổng kết tổng kết Nghị quyết 29-NQ/TW khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…
Theo Phó Thủ tướng, xã hội, người dân luôn rất quan tâm đến giáo dục. Trong thời đại thông tin, các vấn đề giáo dục cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, bàn bạc thấu đáo, có định hướng ra công luận, đúng theo tư tưởng đổi mới mà Nghị quyết 29-NQ/TW khoá XI đã đề ra.
“Đổi mới giáo dục là quá trình liên tục, phải phù hợp với xu thế thế giới, tính đến điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá của Việt Nam. Từng bước đi phải kiên trì, điều chỉnh tiến độ, cách làm nhưng kiên định xu thế, mục đích”- Phó thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng lưu ý và đề nghị xây dựng chương trình làm việc của Hội đồng trong cả nhiệm kỳ theo các nhóm vấn đề, có thể bổ sung, điều chỉnh theo yêu cầu thực tiễn của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, định hình những nét lớn, bảo đảm tính liên tục trong từng năm.