Bộ Chính trị vừa ban hành nghị quyết liên quan đến một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương, cựu Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an, về vấn đề này.
Quyết tâm chính trị rất lớn
. Phóng viên: Triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động Bộ Công an thì tới đây sẽ không còn cấp tổng cục nữa. Vậy mô hình này có gì mới, trước đây đã bao giờ như vậy, thưa ông?
+ Thiếu tướng Lê Văn Cương: Một thời gian rất dài trước đây Bộ Công an không có tổng cục. Tới Nghị định 250 của Chính phủ (ban hành năm 1980) thì cơ cấu này mới xuất hiện với bốn tổng cục: An ninh, Cảnh sát, Chính trị, Hậu cần.
Vừa rồi, khi thấy ngành công an phình to quá, bàn việc tinh gọn lại thì cán bộ đương chức cũng như nghỉ hưu ý kiến khác nhau lắm. Có ý kiến cho rằng không có tổng cục không thành Bộ Công an. Tôi thì nghĩ khác, ủng hộ bỏ cơ cấu tổng cục. Rất đúng về mặt khoa học.
Từ không tổng cục thành bốn, rồi mở rộng lên tám tổng cục; từ một cục tách thành 2-3 cục. Nhưng tới đây lợi ích như thế không còn nữa, từ 126 cục còn khoảng 60 thì bao nhiêu tướng tá đi đâu về đâu, chắc chắn nhiều người không thích. Vậy nên phải quyết tâm chính trị rất lớn mới quyết được như vậy.
26 bộ thì đâu cũng nói kiên quyết tinh gọn bộ máy nhưng phải có bàn tay sạch, tâm sáng mới triệt để được như vậy.
Tất nhiên, công an là lực lượng sức mạnh, là thanh kiếm, lá chắn của Đảng. Tinh gọn bộ máy một cách triệt để như vậy chắc chắn phải được đa số đồng thuận trong Bộ Chính trị, đặc biệt là vai trò quyết đoán của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng đây không chỉ là “cách mạng” về tổ chức mà còn là “cách mạng” về phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, phương pháp công tác trong ngành công an. Ảnh: Viettimes
. Thay đổi rất lớn như thế này, ông dự báo sẽ có những khó khăn, thách thức gì?
+ Đây không chỉ là “cách mạng” về tổ chức mà còn là “cách mạng” về phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, phương pháp công tác trong ngành công an. Thay đổi một cái gì đó thành lề lối, thói quen, quán tính hình thành qua 38 năm là không hề đơn giản.
Đầu tiên là tư tưởng nội bộ. Trên 300 cán bộ cấp vụ, cục sắp xếp lại vị trí công tác. Trên 40 trung tướng, thiếu tướng là tổng cục trưởng, tổng cục phó sẽ phải bố trí công việc thế nào để vẫn phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm, năng lực lãnh đạo trong cấu trúc, mô hình mới của ngành. Đấy không chỉ là tâm tư của anh em ở bộ, ở địa phương mà còn là thách thức với chính Đảng ủy Công an Trung ương.
Sẽ rất khó khăn, rất thách thức. Nhưng lựa chọn mô hình đã đúng thì giờ phải triển khai cho bằng được. Tất cả đặt trên vai các đồng chí lãnh đạo.
. Việc phân vai, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Công an trong cuộc cách mạng về tổ chức này chắc chắn phải có những đổi mới?
+ Không còn cấp trung gian như tổng cục nữa thì từng đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng phải năng động hơn, dứt khoát hơn, chịu trách nhiệm rõ ràng hơn.
Còn chừng 60 vụ, cục thì bộ trưởng phải nắm chắc những đầu mối quan trọng, thiết yếu nhất, còn lại phân công cho các thứ trưởng. Mỗi người sẽ phải trực tiếp nắm nhiều đầu mối. Cấp cục cũng vậy, phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước thứ trưởng phụ trách.
“Tập trung, thống nhất, chuyên sâu”
. Tinh gọn thế này thì tổ chức quyền lực có vẻ sẽ tập trung hơn. Vậy tổ chức thế nào để quyền lực tập trung ấy phát huy được mặt tích cực, kiểm soát, hạn chế được mặt tiêu cực?
+ Đúng. Đây là mô hình tổ chức quyền lực theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu. Chức năng, nhiệm vụ của ngành công an không thay đổi tức là quyền lực vẫn vậy. Nhưng trước đây quyền lực bị dàn trải ra mấy chục tổng cục trưởng, tổng cục phó, mấy trăm cục trưởng, cục phó thì nay tập trung lại ở bộ trưởng, năm thứ trưởng và chừng 60 cục.
Công an là thanh kiếm, là lá chắn của Đảng, là ngành đặc biệt về đảm bảo an ninh, trật tự xã hội thì cần một mô hình quyền lực mạnh như vậy.
Còn để phát huy hiệu quả thì tập thể lãnh đạo bộ phải tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy định về tổ chức bộ máy, về quy chế làm việc, phối hợp, phân công trách nhiệm giữa bộ trưởng và các thứ trưởng; giữa từng đồng chí lãnh đạo với đơn vị cấp dưới được phân công phụ trách. Rõ người, rõ việc ra thì quyền lực sẽ được phát huy tích cực.
. Nhưng tình hình bây giờ khác xa những năm trước 1980. khó khăn, thách thức bên ngoài lớn hơn. Trong nội bộ thì suy thoái, biến chất đã được Đảng nhận định là nghiêm trọng, phức tạp. Vậy làm sao đơn giản như ông nói?
+ Tất nhiên, rất nhiều thách thức. Nhưng lãnh đạo có trình độ, trí tuệ và bàn tay sạch thì chắc chắn sẽ triển khai được và chắc chắn tính ưu việt của mô hình mới sẽ được phát huy. Không thể ngày một, ngày hai mà thành, có bàn tay mới, con tim mới, khối óc mới thì sẽ có đổi mới. Một, hai năm nữa sẽ bắt đầu thấy hiệu quả.
. Tinh gọn bộ máy triệt để thì về con người sẽ dôi dư rất nhiều. Theo ông, làm thế nào để sắp xếp, xử lý vấn đề này?
+ Thực ra lo lắng nhất là các vị trí lãnh đạo, còn quân binh thì mức độ thôi. Giờ yêu cầu cấp bách thế, mỗi người phải tự giác, phải nhớ mình tuyên thệ trước Đảng kỳ thế nào để mà chấp hành sự phân công của tổ chức.
Tất nhiên, lúc này rất cần thái độ trách nhiệm, đạo đức, trong sáng của người làm công tác cán bộ. Có vậy mô hình tinh gọn mới sớm phát huy hiệu quả.
. Xin cảm ơn ông.
Khẩn trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an Đảng bộ Công an Trung ương phải tiếp tục gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, khẩn trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ cơ bản của từng cấp công an; điều chỉnh, bố trí về tổ chức bộ máy Bộ Công an một cách hợp lý, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới và phát triển, có lộ trình và bước đi phù hợp, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng và phẩm chất đạo đức, lối sống, đi đôi với làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, lựa chọn, bố trí những người thực sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì Đảng, vì dân vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, cán bộ cấp trung ương đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho cán bộ trong tấn công tội phạm; không để kẻ địch mua chuộc, lôi kéo, tấn công vào nội bộ công an. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhũng nhiễu, xa rời, vô cảm trước nhân dân. Tiếp tục chấn chỉnh, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, thực hiện nghiêm Điều lệnh Công an nhân dân; xử lý nghiêm những cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật, kỷ luật. Cán bộ, chiến sĩ công an phải là đội quân tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân; không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực công tác, ra sức giữ gìn, bảo vệ uy tín, sức mạnh của Đảng, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Phải thường xuyên rèn luyện theo sáu điều Bác Hồ đã dạy, luôn luôn giữ mình trong sạch, vững vàng, không bị sa ngã trước sự mua chuộc, quyến rũ của các phần tử xấu, “lợi ích nhóm”; không lợi dụng cương vị công tác, chức quyền để làm hại đến lợi ích chung, lợi ích chính đáng của người dân. (Trích bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |