“Nghe tin nhà máy xử lý chất thải nguy hại trong bãi rác Đông Thạnh sắp di dời, tui mừng hơn lượm được cục vàng” - bà Phan Thị Liễu (75 tuổi, ở ấp 3, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM) cười nói với PV.
“Nuốt cơm hổng vô”
Bà Liễu cho hay bà đã sống tại đây từ năm 1977, khi đó chưa có bãi rác Đông Thạnh này. “Hơn 10 năm sau, chúng tôi lo lắng khi nghe Nhà nước lấy phần đất trống ở khu vực làm nơi chôn lấp rác cho toàn thành phố. Xui là nhà tôi nằm đối diện bãi rác, lại dưới hướng gió nên lãnh đủ mùi hôi hám” - bà Liễu chặc lưỡi.
Bãi rác Đông Thạnh hoạt động mấy năm là gia đình bà Liễu và xóm giềng phải căng mình chịu đựng chừng ấy năm. Cách đây chín năm, mẹ chồng, chồng, con dâu và con rể bà Liễu lần lượt qua đời khiến căn nhà vô cùng lạnh lẽo. “Tất cả chết vì ung thư. Trong đó con dâu, con rể nhắm mắt khi tuổi đời chưa tới 40, để lại con cái nheo nhóc” - bà Liễu thở dài.
Sau đó, bãi rác Đông Thạnh ngưng tiếp nhận rác nên mùi hôi có phần giảm. Thế nhưng từ năm 2011, khi nhà máy xử lý chất thải nguy hại xây dựng trong bãi rác Đông Thạnh bắt đầu hoạt động thì nỗi khổ quay lại với bà. “Nhiều đêm cả nhà đang ngủ phải bật dậy vì mùi giống như thịt nướng khét lẹt xộc vô mũi. Mở cửa ra xem thì thấy cột khói đen thui của nhà máy bay tứ tung” - bà Liễu lắc đầu.
Đưa tay chỉ về hướng bãi rác Đông Thạnh, bà Liễu than: “Nhiều khi chất thải nguy hại đốt không kịp, theo hướng gió bay thẳng vô nhà mang theo mùi hôi thối. Cả nhà đang ăn cơm phải bỏ đũa vì nuốt không vô. Nhà có mấy đứa cháu nội, cháu cố cứ bệnh hoài, thấy mà xót ruột”.
Mang nỗi khổ tựa bà Liễu, ông Trần Văn Hải (68 tuổi, ở ấp 7, xã Đông Thạnh) thêm lời: “Nhà tôi cạnh bãi rác, hít ba mùi hôi, mùi khét suốt ngày muốn bể lỗ mũi. Khám bệnh đợt rồi, bác sĩ nói tôi bị bệnh phổi. Mà đâu phải tôi, ông Minh, bà Mai cạnh nhà cũng đủ thứ bệnh”.
Chỉ về hướng bãi rác Đông Thạnh, bà Phan Thị Liễu than nhiều lúc phải bỏ cơm vì mùi hôi thối. Ảnh: TRẦN NGỌC
Có hai phương án di dời
Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM, đến nay nhà máy xử lý chất thải nguy hại TP.HCM tại công trường xử lý rác Đông Thạnh đã hoạt động gần năm năm. Theo chỉ đạo của UBND TP, công ty đã hoàn chỉnh hai phương án di dời nhà máy nói trên đến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp (huyện Củ Chi, TP.HCM). “Phương án 1 sẽ đầu tư xây dựng mới nhà máy xử lý chất thải nguy hại theo công nghệ plasma và thời gian di dời khoảng 30 tháng. Phương án 2 là di dời nhà máy hiện hữu tại Đông Thạnh về lắp đặt tại Củ Chi và đầu tư mới lò đốt plasma. Thời gian di dời khoảng 41 tháng” - ông Nhựt nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết sở này đã họp với các sở KH&ĐT, Tài chính, QH-KT, Tư pháp, Xây dựng, Y tế và Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TP.HCM về việc di dời này. Trong buổi họp, các sở góp ý phương án di dời nhà máy xử lý chất thải nguy hại TP.HCM để Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM tổng hợp và hoàn chỉnh phương án. “Sở TN&MT đã đề nghị các sở nói trên thẩm định và chọn một trong hai phương án của Công ty TNHH Môi trường Đô thị TP.HCM. Sau khi các sở chọn phương án, Sở TN&MT tổng hợp và trình UBND TP.HCM xem xét, quyết định phê duyệt” - bà Mỹ cho biết.
Di dời nhà máy là hợp lòng dân Chủ trương di dời nhà máy xử lý chất thải nguy hại trong bãi rác Đông Thạnh của lãnh đạo TP.HCM rất hợp lòng dân. Nghe được tin này bà con ai cũng mừng. Bà con xung quanh bãi rác Đông Thạnh gánh chịu mùi hôi, bệnh tật từ bãi rác và nhà máy xử lý chất thải nguy hại. Hy vọng sau khi nhà máy xử lý chất thải nguy hại di dời, bà con không bận tâm lo lắng môi trường ô nhiễm, thuốc thang bệnh tật và dồn sức cho công việc, tăng thu nhập để nâng cao cuộc sống. Ông NGUYỄN VĂN HÂY, Bí thư Đảng ủy xã Đông Thạnh _______________________________ Theo BV Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM), trong đợt khám sức khỏe định kỳ đợt 2-2016 cho hơn 430 người dân xã Đông Thạnh mới đây, BV ghi nhận nhiều người mắc các bệnh như phổi, viêm gan siêu vi B, viêm dạ dày. Bên cạnh đó, một số người còn mắc các bệnh xơ tử cung, viêm da dị ứng, viêm tai giữa… |