Theo khảo sát của cơ quan chức năng, các chỉ tiêu không đạt trong nguồn nước tại bãi rác Đông Thạnh có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Một gia đình 5-6 người ung thư
Những người dân tại ấp 3, ấp 7…, xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) thời gian gần đây liên tục chứng kiến những đám tang với nỗi ám ảnh ung thư.
Nhà ông Trần Hữu Ước (ấp 7, xã Đông Thạnh) chỉ cách bãi rác chừng mấy trăm mét. Một thời gian dài ông Ước chỉ dùng nước giếng cho sinh hoạt. Theo ông Ước, hoạt động của bãi rác đã khiến nhiều người dân không chịu nổi. “Vào những ngày nắng thì còn đỡ, trời mưa thì mùi hôi thối không chịu nổi. Họ đốt chất thải khiến ô nhiễm không khí. Không biết xe họ chở chất thải gì vào trong để đổ nhưng mạch nước ngầm ngày càng bị ô nhiễm. Bản thân tui bị u tuyến tiền liệt, vợ bị u vú. Con trai tui là Trần Hữu Phúc cũng bị viêm phế quản chữa mãi không khỏi” - ông Ước nói.
Cùng ở ấp 7, khi chúng tôi đến, bà Lê Thị Kỳ (54 tuổi) đang làm đám giáp năm cho chồng. Chồng bà Kỳ là ông Thái Văn Thâu mất tròn một năm. “Chồng tôi mất khi ông mới được 58 tuổi, bị ung thư gan. Tháng này năm trước, ông ấy người gầy, da nổi nốt đỏ nên cả nhà đưa đi BV Hóc Môn, sau chuyển xuống BV 115, ba tháng thì ông ấy đi. Mình đâu biết nguyên nhân là gì đâu, lúc đầu thì dùng nước giếng để sinh hoạt, sau rồi nghe nói ô nhiễm thì được cấp nước sạch. Nhưng những người 50 tuổi trở lên đều bị bệnh hết rồi. Khu này bây giờ ung thư nhiều lắm, hết nhà này đến nhà khác…” - bà Kỳ bỏ lửng câu nói.
Ở ấp 7, cả ấp ai cũng biết tình cảnh bi đát của gia đình bà Phan Thị Liễu (74 tuổi) khi có năm người trong nhà mất vì ung thư. Gia đình bà trước sống ở nội đô, đến năm 1977 cả nhà chuyển về sống ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn để đỡ cảnh chen chúc, xô bồ. Ác mộng tang tóc mang tên ung thư từng bao trùm căn nhà nhỏ của người phụ nữ 74 tuổi và kéo dài cơn đau tinh thần chẳng biết khi nào kết thúc. Khi chúng tôi đến, bà Liễu ngồi trong nhà, ánh mắt xa xăm. Ngay trước mặt bà, bên mé lộ xa xa là bãi rác lớn, gần là bãi rác nhỏ. Bà Liễu chỉ tay buồn rầu: “Nhà tui một năm ung thư cướp mất ba người, hết mẹ chồng rồi đến chồng, con dâu, hai con rể. Chỉ trong vòng năm tháng mà nhà tui mất ba người. Chồng tui chết tháng 5, rể chết tháng 7, mẹ chồng chết tháng 11… Tang trùng tang”.
Bà Phan Thị Liễu đau đớn khi chứng kiến năm người thân bị chết vì ung thư. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Nhiều mẫu nước ô nhiễm nặng
Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Sở Y tế giao Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khảo sát tình hình ô nhiễm môi trường tại bãi rác Đông Thạnh. Từ ngày 13 đến 18-5, trung tâm đã khảo sát nguồn nước sử dụng và thực trạng mắc bệnh ung thư tại xã Đông Thạnh để đánh giá các yếu tố nguy cơ.
Trung tâm đã lấy năm mẫu nước giếng khoan của các hộ sống gần bãi rác để phân tích. Kết quả 100% không đạt chỉ tiêu pH, clo dư; 75% không đạt chỉ tiêu hàm lượng amoni. Kết quả còn cho thấy 100% mẫu không đạt hàm lượng nhôm; 50% có hàm lượng nitrat vượt giới hạn cho phép; 25% không đạt hàm lượng chì, 25% không đạt hàm lượng clorua. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, các chỉ tiêu không đạt trong nguồn nước có nguy cơ ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe người sử dụng. Đặc biệt hàm lượng nitrat, amoni cao chứng tỏ nước đã bị ô nhiễm chất hữu cơ có nguồn gốc nitơ - có khả năng chuyển hóa thành hợp chất gây ung thư cao.
Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cũng đồng thời giám sát chế độ vệ sinh và việc thực hiện các quy định của Nhà nước trong phạm vi quản lý. Kết quả cho thấy đơn vị quản lý bãi rác Đông Thạnh có thực hiện chế độ khử mùi bằng EM và khử trùng bằng Cloramin B 5% định kỳ. Chất lượng khí thải Nox, SO2, CO, HCl, Hg, Cd và bụi tổng của ống khói lò đốt chất thải nguy hại trong bãi rác Đông Thạnh đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Đánh giá lâu dài chất lượng môi trường Để đánh giá tác động môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, Trung tâm Y tế dự phòng TP đã đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cần có các nghiên cứu đánh giá về lâu dài chất lượng môi trường khu vực bãi rác. Bên cạnh đó, giám sát thêm chất lượng không khí, chất lượng đất. Hiện nay gần 490 hộ dân sống gần bãi rác Đông Thạnh được địa phương trợ cấp độc hại. Tuy nhiên, Trung tâm Y tế dự phòng kiến nghị UBND huyện Hóc Môn hỗ trợ 100% người dân sống chung quanh bãi rác có thẻ BHYT, đồng thời nhanh chóng thay thế nguồn nước máy cho các hộ dân sử dụng. Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM kiến nghị Sở Y tế TP chỉ đạo BV Ung bướu, BV Đa khoa khu vực Hóc Môn xây dựng mô hình bệnh tật của người dân trong khu vực bãi rác Đông Thạnh. Nhanh chóng tầm soát, phát hiện sớm bệnh ung thư (nếu có) của người dân. Kết quả khảo sát cho thấy xã Đông Thạnh có hơn 11.000 hộ dân. Trong đó có gần 490 hộ dân ấp 7 và một phần các ấp 2, 3, 5 sống quanh bãi rác. Từ năm 2013, bãi rác Đông Thạnh đã ngưng tiếp nhận rác sinh hoạt, tuy nhiên hiện vẫn hoạt động lò đốt chất thải nguy hại và chất thải y tế. |