UBND TP.HCM vừa yêu cầu Sở Y tế TP phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn). Đồng thời các cơ quan phải đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường ở bãi rác này đã ảnh hưởng đến người dân ra sao để báo cáo cho bí thư Thành ủy TP.
Trước đó, một số người dân ở xã Đông Thạnh phản ánh với ông Đinh La Thăng rằng khu vực gần bãi rác Đông Thạnh có nhiều người bị ung thư nghi do ảnh hưởng ô nhiễm từ bãi rác. Văn phòng Thành ủy đã có công văn giao cho các cơ quan có trách nhiệm làm rõ vấn đề này.
Trong báo cáo cho UBND TP vào khoảng giữa tháng 5-2016, UBND huyện Hóc Môn cho biết theo ghi nhận của Trung tâm Y tế dự phòng TP, gần bãi rác Đông Thạnh có một trường hợp đã tử vong do bị ung thư, một trường hợp đang bị ung thư và 14 trường hợp khai bị ung thư nhưng hiện chưa đủ hồ sơ xác định được bệnh lý.
Ông Cao Tấn Sỹ nhà gần bãi rác Đông Thạnh nghi bị bệnh ung thư. Ảnh: KB
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,một lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn cho biết do Trung tâm Y tế dự phòng TP chưa xác định được mối liên hệ giữa người dân bị bệnh với tình trạng ô nhiễm môi trường nên không thể đưa ra kết luận về vấn đề này. Ông cho biết thêm: “Theo đề xuất của Trung tâm Y tế dự phòng TP thì cần phải lập hội đồng khoa học để giải quyết vấn đề này. Chúng tôi thấy đề xuất này cũng hợp lý”.
UBND huyện Hóc Môn thông tin thêm trong quá trình hoạt động, công trường xử lý rác Đông Thạnh (từ chôn lấp rác sinh hoạt đến chôn lấp chất thải nguy hại và lò đốt rác y tế) đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Đông Thạnh nói riêng và người dân Hóc Môn nói chung. Do đó UBND huyện kiến nghị UBND TP đình chỉ hoạt động công trường này, di dời ra khỏi khu dân cư, đảm bảo cho người dân an tâm sinh sống.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bãi rác Đông Thạnh đã ngừng tiếp nhận rác thải sinh hoạt từ năm 2001. Hiện tại bãi rác này đang có một nhà máy xử lý chất thải nguy hại và rác y tế hoạt động. Đây là nhà máy do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị đầu tư. Nhà máy được Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cấp phép cho vận hành thử nghiệm vào năm 2011. Đến năm 2015, dự án được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Gần nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty Môi trường Đô thị còn có một nghĩa trang và một khu đất rộng bị biến thành nơi đổ rác chui. Người dân địa phương cho biết khu đất kế bên bãi rác Đông Thạnh thường xuyên biến thành điểm phơi phân bò và đốt rác công nghiệp lấy phế liệu. “Họ phơi phân bò nên ruồi nhiều vô kể. Còn mỗi khi họ đốt rác lấy phế liệu thì mùi khét, mùi hôi tỏa ra nồng nặc, không ai chịu thấu, nhất là khi họ đốt vỏ xe” - bà Trinh, nhà gần bãi rác chui, phản ánh.