Đội tàu hải quân Nga đến Cuba tập trận, thông điệp gì tới Mỹ?

(PLO)- Đội tàu hải quân Nga đến Cuba tập trận gửi đi nhiều thông điệp tới Mỹ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một đội gồm 4 tàu hải quân Nga đã đến Cuba vào ngày 12-6 (giờ địa phương) để tham gia cuộc tập trận hải quân ở vùng biển Caribe kéo dài đến ngày 17-6, theo tờ Moscow Times.

Đáng chú ý, trong đội tàu hải quân Nga đến Cuba lần này có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Kazan. Mặc dù không mang vũ khí hạt nhân nhưng tàu có khả năng bắn tên lửa hành trình Kalibr có tầm bắn lên tới 2.500 km và có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân.

Cạnh đó còn có tàu khu trục Đô đốc Gorshkov mang tên lửa siêu thanh Tsirkon mà Điện Kremlin cho biết có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Các tàu này sẽ được tàu chở dầu tiếp nhiên liệu Akademik Pashin và tàu kéo Nikolay Chiker hỗ trợ.

Cuba cho biết không có chiếc tàu nào của Nga tham gia tập trận mang theo vũ khí hạt nhân. Mỹ cũng đã nói rằng cuộc tập trận này “không gây ra mối đe dọa trực tiếp cho Mỹ”.

Nga nắn gân Mỹ nhưng không muốn leo thang

Mặc dù địa điểm diễn ra cuộc tập trận này có thể gợi lại ký ức về Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 khi Nga và Mỹ đã tiến tới bờ vực của một cuộc chiến thế giới thứ ba, nhưng các chuyên gia nói với tờ Moscow Times rằng động thái này của Nga chỉ nhằm mục đích cảnh báo phương Tây chứ không muốn leo thang căng thẳng.

Đội tàu hải quân Nga đến Cuba tập trận gửi đi nhiều thông điệp tới Mỹ.
Trong đội tàu hải quân Nga đến Cuba tập trận có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Kazan. Ảnh: TASS

Ông Emanuel Pietrobon, nhà phân tích chuyên về Mỹ Latinh và không gian hậu Xô Viết, nói với tờ Moscow Times: “Cuba là đối tác quan trọng nhất của Nga ở Tây bán cầu, xét từ quan điểm địa chính trị và địa chiến lược”.

Theo ông Pietrobon, vị trí địa lý của hòn đảo này rất gần với Mỹ khiến Cuba trở thành một địa điểm thuận lợi để Nga có thể tiến hành chiến tranh điện tử chống lại các mục tiêu của Mỹ và thu thập thông tin tình báo bằng cách chặn tín hiệu từ Hải quân Mỹ và các trung tâm chỉ huy của lực lượng này. Điều này thể hiện Nga đang cố gắng tăng cường quan hệ với Cuba và các đối tác thân thiện xa xôi, bao gồm Venezuela.

Cuộc tập trận lần này giữa Nga và Cuba không có gì mới, khi chúng được tổ chức thường niên từ năm 2013 đến năm 2020. Điều này có nghĩa là Washington coi việc các tàu Nga ghé Cuba là điều thường lệ.

“Ý nghĩa của sự hiện diện quân sự này của Nga tại Cuba về cơ bản không khác so với trước đây: Nga muốn chứng tỏ rằng hải quân của họ có khả năng vượt đại dương và đến bờ biển Florida” - ông Pietrobon nói.

Còn chuyên gia an ninh và quan hệ quốc tế Mark Sleboda cho rằng quyết định gửi tàu Nga đến Cuba đang cho Mỹ trải nghiệm những gì Mỹ đã làm với một số nước trên thế giới, hãng thông tấn Sputnik đưa tin.

Theo ông Sleboda, Mỹ thường tiến hành những hoạt động mà Mỹ gọi là “tự do hàng hải” và thường cho tàu chiến di chuyển, tập trận ngoài khơi bờ biển Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran như một sự răn đe nằm trong chính sách ngăn chặn của Washington.

Do đó, việc các tàu hải quân Nga tới tới Cuba là “một lời nhắc nhở với Mỹ rằng cả hai bên có thể chơi trò chơi này”.

Mỹ sẽ giám sát các hoạt động của các tàu hải quân Nga đến Cuba tập trận ở vùng biển Caribe. Theo đó, tàu ngầm Nga sẽ bị 2 tàu khu trục Mỹ và 2 tàu khác của Mỹ được trang bị thiết bị sonar theo dõi. Còn 1 tàu khu trục và tàu tuần duyên của Mỹ sẽ theo sát các tàu Nga còn lại.

Nga vẫn là cường quốc toàn cầu

Cả 4 tàu hải quân Nga đến Cuba lần này đều thuộc Hạm đội Phương Bắc của Nga. Hạm đội có trụ sở chính tại TP Severomorsk, cách Cuba hơn 8.500 km. Trong hành trình xuyên Đại Tây Dương, các tàu đã tiến hành diễn tập, trong đó có thực hành tấn công mục tiêu bằng tên lửa đường dài.

tau-hai-quan-nga-den-cuba-tap-tran_2024.jpg
Tàu khu trục Đô đốc Gorshkov cũng tới Cuba tập trận. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Bà Katarzyna Zysk, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy, nói với Moscow Times rằng Hạm đội phương Bắc là đơn vị mạnh nhất của Hải quân Nga, nơi có một số tàu chiến có năng lực nhất.

Theo bà, các cuộc tập trận hải quân gần đây của Nga tập trung vào khả năng triển khai các tàu chiến từ các nơi cách xa nhau trong bối cảnh lực lượng hải quân Nga bị phân tán giữa các vùng Bắc Cực, Thái Bình Dương, Baltic và Biển Đen.

Bà Zysk còn cho rằng việc triển khai các tàu đi xa Nga cũng có thể phục vụ mục đích tuyên truyền trong nước, rằng Nga “là một cường quốc toàn cầu, không hoàn toàn sa lầy và bị đánh bại trong cuộc chiến ở Ukraine”.

Còn ông Vladimir Rouvinski, Phó giáo sư chính trị tại ĐH Icesi (Columbia), cho rằng trong bối cảnh địa chính trị đang có những biến động căng thẳng như hiện nay, động thái này sẽ khiến Washington chú ý hơn đến khả năng mà các tàu hải quân Nga thể hiện.

Quan hệ thân thiết giữa Nga - Cuba

Dù Nga và Cuba không còn thân thiết như thời Chiến tranh Lạnh nhưng quan hệ giữa Moscow và Havana vẫn rất thân thiện.

Cả hai nước đều chỉ trích các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên nước còn lại và phản đối việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Havana cũng ủng hộ quyền “tự vệ” của Nga trước NATO nhưng lại không ủng hộ việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022.

Từ quan điểm của Cuba, Nga là đối tác quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định trong nước và kinh tế tại quốc đảo bị cô lập này. Năm 2014, Moscow đã xóa 90% trong số 35,2 tỉ USD tiền Cuba nợ Liên Xô.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm