Đối thoại Biển lần thứ 12: Cấp thiết kết nối trên biển, gắn kết toàn cầu

(PLO)- Đối thoại Biển lần thứ 12 với chủ đề “Thúc đẩy kết nối trên biển – Tăng cường gắn kết toàn cầu” diễn ra vào ngày 15-3 tại TP.HCM do Học viện Ngoại giao cùng Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (Đức) đồng tổ chức.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-3, Học viện Ngoại giao cùng Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS, Đức) đồng tổ chức Đối thoại Biển lần thứ 12 với chủ đề “Thúc đẩy kết nối trên biển – Tăng cường gắn kết toàn cầu”.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Minh Vũ - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam nhận định tình hình hàng hải đang đối mặt với nhiều thách thức như xung đột, các mối đe dọa đến lưu thông hàng hải, cướp biển, tội phạm, khủng bố và suy thoái môi trường. Đáng chú ý là tình trạng hỗn loạn ở Biển Đỏ.

Đối thoại Biển lần thứ 12
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ phát biểu khai mạc Đối thoại Biển lần thứ 12 tại TP.HCM ngày 15-3. Ảnh: PV

Theo ông Nguyễn Minh Vũ, từ khi xảy ra khủng hoảng trên Biển Đỏ, hoạt động vận chuyển của Việt Nam sang nước ngoài đã chịu tác động nghiêm trọng, cụ thể giá cước vận chuyển bằng đường thuỷ tới Mỹ đã tăng gần gấp đôi, giá cước vận chuyển đến cảng của Đức tăng gấp ba lần.

Các khó khăn về vận chuyển hàng hải đã làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam và gây ra đình trệ trong chuỗi cung ứng. Thật không may, Việt Nam đã là một trong những nước bị tác động từ các cuộc tấn công tại Biển Đỏ.

Tình hình trên cùng với các sự kiện căng thẳng gần đây ở vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhất là ở Biển Đông, đặt ra yêu cầu về kết nối hàng hải, ông Nguyễn Minh Vũ nhận định.

“Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có tiềm năng to lớn về kết nối hàng hải, hứa hẹn đem đến tăng trưởng kinh tế to lớn. Khu vực này có các động lực kinh tế mạnh nhất và được xem là trung tâm toàn cầu về tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghệ. Khu vực này cũng có 7/10 cảng lớn nhất và giàu tiềm năng phát triển cảng" - ông ông Nguyễn Minh Vũ phát biểu.

"Nếu được quản lý đúng cách, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ được kết nối nhiều hơn và thịnh vượng hơn. Nếu không, biển trong khu vực sẽ rơi vào tình trạng manh mún, chia cắt, làm xói mòn mọi tiềm năng kinh tế" - theo ông Nguyễn Minh Vũ.

Đối thoại Biển.jpg
Các chuyên gia tham gia Đối thoại Biển lần thứ 12 tại TP.HCM ngày 15-3. Ảnh: PV

Ngoài ra, ông Nguyễn Minh Vũ cũng đề cập nhiều sáng kiến của các quốc gia trong khu vực trong việc tăng cường kết nối hàng hải, đồng thời nhấn mạnh rằng Việt Nam mong muốn tăng cường kết nối hàng hải, cũng như cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ. Trong đó, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 là nền tảng duy trì hòa bình và là phương thức giải quyết tranh chấp.

Đối thoại Biển lần thứ 12 có 4 phiên thảo luận, kéo dài từ 8 giờ đến 17 giờ ngày 15-3. Dự Đối thoại gồm đại diện các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

Đối thoại gồm 4 phiên với các chủ đề: (1) Kết nối các tuyến đường biển trọng yếu để đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu; (2) Cảng biển thông minh bền vững: xu hướng không thể đảo ngược trong nền kinh tế biển xanh; (3) Kết nối hạ tầng trên biển trong kỷ nguyên số; (4) Kết nối mạng lưới hành lang xanh trên không gian biển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm