Ngày 29-1, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN khai mạc tại Lào. Tại hội nghị, các bộ trưởng đã thảo luận về loạt vấn đề quan trọng trong khu vực, trong đó có tình hình Myanmar và Biển Đông.
Vấn đề Myanmar: Đồng thuận 5 điểm vẫn là mấu chốt chính
Về vấn đề Myanmar, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tái khẳng định rằng Đồng thuận 5 điểm vẫn là mấu chốt để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar, với mục tiêu duy nhất là khôi phục hòa bình, ổn định cho nước này.
“Chúng tôi tái khẳng định cam kết của ASEAN trong việc hỗ trợ Myanmar tìm kiếm giải pháp hòa bình, toàn diện và lâu dài cho cuộc khủng hoảng đang diễn ra vì Myanmar vẫn là một phần không thể thiếu của ASEAN” – thông cáo báo chí của chủ tịch hội nghị nêu.
Các nước tham dự hội nghị cũng hoan nghênh việc bổ nhiệm ông Alounkeo Kittikhoun– nguyên Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Lào làm đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về Myanmar trong năm 2024.
Hội nghị cũng hoan nghênh các hình thức viện trợ nhân đạo cho Myanmar.
Cần giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình
Về tình hình Biển Đông, hội nghị tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, tự kiềm chế các hành động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và tránh những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình.
Hội nghị cũng cho rằng các bên cần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
“Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, công nhận lợi ích của việc coi Biển Đông là một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng" - theo thông cáo báo chí về Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.
"Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Chúng tôi hoan nghênh tiến bộ đạt được cho đến nay trong các cuộc đàm phán đang diễn ra về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)” - thông cáo báo chí nêu.
Ngoài ra, tại hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận về các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống mới nổi, bao gồm xung đột vũ trang, an ninh mạng, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh và hợp tác hàng hải.
Hội nghị cũng thảo luận những diễn biến ở nhiều khu vực, bao gồm tình hình ở Bán đảo Triều Tiên, Ukraine và Trung Đông.