Đối thoại giữa các thế hệ là giải pháp cho những vấn đề phát sinh trong cuộc sống gia đình

(PLO)- Đối thoại là cần thiết, để hiểu nhau, thắt chặt sự yêu thương, tôn trọng ý kiến, quan điểm giải quyết các vấn đề của cá nhân trong tương tác giữa các thành viên gia đình. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-2, tại Salon văn hóa Cà phê Thứ bảy đã diễn ra chương trình giao lưu với chủ đề “Đối thoại giữa các thế hệ trong gia đình”.

Diễn đàn là cầu nối chia sẻ, giúp các bậc phụ huynh thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình thông qua việc giao tiếp hằng ngày.

Áp lực của con trẻ trong chính gia đình mình

Theo TS. Bùi Trân Phượng, khoảng cách giữa các thế hệ, bố mẹ và con cái, ông bà với con cháu luôn là một đề tài khiến nhiều gia đình đau đầu. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, không thể phủ nhận rằng những đứa trẻ hiện nay xem thiết bị công nghệ là bạn thân. Thậm chí thoải mái chia sẻ mọi chuyện với bạn bè, người ngoài hơn là những thành viên trong gia đình.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, nhà sáng lập Hội quán các bà mẹ chia sẻ tại chương trình. Ảnh: T.N

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, nhà sáng lập Hội quán các bà mẹ chia sẻ tại chương trình. Ảnh: T.N

Bàn luận vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, nhà sáng lập Hội quán các bà mẹ, diễn giả chương trình chia sẻ: "Thực tế áp lực của con trẻ trong gia đình mỗi thời đại mỗi khác. Còn nhớ, thời chúng tôi con cái bị áp lực bởi sự đói nghèo, chiến tranh, bạo lực... Thời nay, khi đã đảm bảo kinh tế, lại xuất hiện vấn đề khác. Chẳng hạn, bao bọc con cái khiến trẻ ít được va chạm xã hội, khám phá thế giới bên ngoài".

Cũng theo bà Thúy, dù gia đình thời nay đã tân tiến nhiều, nhưng vẫn có những ba mẹ tự cho mình cái quyền giải quyết các vấn đề của con cái. Phản ứng ngược lại, trẻ sẽ không còn muốn chia sẻ chuyện của mình với gia đình nữa, mà tìm tới bạn bè, cho rằng tin cậy hơn...

Bà Thúy nói: "Tôi còn thấy nhiều người mẹ luôn đối đầu với chính những đứa con của mình khi chúng bày tỏ ý kiến. Lúc này, sẽ dễ dàng xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến sự vô lễ, uất ức... Cứ vậy mà hình thành mối ngăn cách vô hình".

Dung hòa áp lực, trao quyền cho con

Để giảm bớt những áp lực vô hình, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cho rằng, các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian nói chuyện với con, hiểu thế giới của chúng, và cố gắng tìm ra sự khác biệt giữa mình và con cái.

"Lắng nghe và chấp nhận những suy nghĩ của con, tạo điều kiện cho chúng tự giải quyết vấn đề cá nhân. Nếu không ngồi lại được với nhau thì nên chia sẻ, nhờ bên thứ ba. Quan trọng là ta nên tôn trọng cảm xúc, ý kiến của các con hơn là đòi hỏi chúng. Dung hòa áp lực, quân bình sở thích, trao quyền để con thực hiện các mong muốn của mình" - bà Thúy nói.

TS Bùi Trân Phượng dành lời khuyên cho các bậc phụ huynh và các bạn trẻ. Ảnh: T.N

TS Bùi Trân Phượng dành lời khuyên cho các bậc phụ huynh và các bạn trẻ. Ảnh: T.N

Kết thúc buổi giao lưu, TS Bùi Trân Phượng nhấn mạnh, đối thoại trong gia đình là mối quan hệ cần nhau, nỗ lực có ý thức của phụ huynh chứ không phải bắt con cái học tập, làm việc dựa trên sự kỳ vọng của phụ huynh.

"Đối thoại trong gia đình là một điều cực kì cần thiết, nói để hiểu nhau, để thắt chặt sự yêu thương chứ không phải là một nghĩa vụ. Muốn được như vậy thì mỗi thế hệ, mỗi con người đều phải cố gắng hiểu được người kia trong hiện tại và cả tương lai" - bà nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm