Tài năng, tính tự lập của con trẻ: Cha mẹ nên để con phát triển tự nhiên

Nhân sự kiện bé Đỗ Nhật Nam (Báo Pháp Luật TP.HCM ra ngày 19-3 đã có bài viết đề cập) ra mắt bộ sách dịch đầu tiên Mặt trời mọc, mặt trời lặn, Nạp điện và nhận kỷ lục Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam (bảy tuổi), sáng qua (20-3), tại TP.HCM, Công ty cổ phần Sách Thái Hà đã tổ chức tọa đàm “Tài năng, tính tự lập của con trẻ và vai trò của cha mẹ”.

Tại buổi tọa đàm, tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho rằng hiện nay nhiều trẻ em có năng khiếu phát triển sớm (chứ không phải là thần đồng). Và nhiều phụ huynh gặp khó khăn trong việc giáo dục trẻ có năng khiếu này, dẫn đến nhiều trẻ mắc bệnh tự kỷ. Tuy nhiên, không phải cứ trẻ năng khiếu phát triển sớm thì sẽ mắc bệnh bởi nếu cha mẹ khéo léo trong giáo dục, trẻ vẫn có thể phát triển bình thường về tính cách.

Vì vậy, cách tốt nhất cho các bậc phụ huynh có con có năng khiếu phát triển sớm nên chú trọng bốn yếu tố: Không nên ngăn cấm sự phát triển của trẻ mà phải giúp trẻ phát triển bằng các trò chơi ngôn ngữ; phải cho con trẻ biết rằng thực sự con chưa giỏi lắm, còn phải trau dồi thêm nhiều kiến thức; phụ huynh nên dành thời gian chơi, học cùng trẻ để trẻ không thấy mình cô đơn. Và cuối cùng, khi gặp những bế tắc, khó khăn trong phương pháp giáo dục trẻ năng khiếu phát triển sớm, phải biết liên hệ các chuyên gia tư vấn tâm lý, giảng viên...

“Hiện nước ta không có tổ chức nào quan tâm đến những trẻ tài năng. Ngay cả chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định cứ phải đúng sáu tuổi mới vào lớp một. Mặc dù thực tế, nhiều trẻ phát triển sớm hơn” - TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.

Về việc nuôi dạy dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam, anh Đỗ Xuân Thảo, cha của bé Đỗ Nhật Nam, chia sẻ: “Trong gia đình luôn nêu cao ba “tự”: Tự lập, tự tin và tự giác. Từ bé, gia đình luôn rèn luyện cho Nam tính tự lập, cái gì làm được phải tự mình làm, ở môi trường nào cũng phải cố gắng và để Nam phát triển tự nhiên, dĩ nhiên cha mẹ có định hướng nhưng góp ý như bạn bè”. Với việc học của Nam, “gia đình không tạo áp lực điểm số và bài vở, không ép giờ giấc học hành, chủ trương không học trường quốc tế, không học thêm. Luôn làm sao để cháu thấy mỗi ngày đi học là ngày vui” - anh Thảo nói.

Chị Phan Thị Hồ Điệp, mẹ của Nam, lại thêm một kinh nghiệm cho các phụ huynh khác: Cha mẹ nên dành thời gian để chơi với con. Như khi biết bé Nam có khả năng về ngôn ngữ, cha mẹ Nam đã tạo ra những trò chơi ngôn ngữ vào buổi tối. Cả nhà cùng đưa ra một chủ đề, Nam thuyết trình về chủ đề đó và cha mẹ sẽ nhận xét. “Đó cũng là thời gian “tái tạo năng lượng, trao gửi yêu thương” cho một ngày làm việc, học hành mệt mỏi của cả nhà” - chị Điệp chia sẻ .

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm