Đội U-23 Việt Nam: Bí hiểm như Miura!

Cho đến thời điểm bóng lăn vòng chung kết U-23 châu Á chỉ còn ba ngày nữa, đội hình và cách chơi của U-23 Việt Nam vẫn nằm trong vòng bí mật khi ở hai trận giao hữu cuối, ông Miura còn mải miết xoay khối ru-bich. Nếu như hai hiệp đấu ở trận thua U-23 Yemen 1-2, ông thầy Nhật cho thay đến chín cầu thủ thì trong trận thua U-23 Nhật, mỗi hiệp ông sử dụng một đội hình khác nhau.

Thể theo yêu cầu từ phía bạn, HLV Miura đồng ý đóng cửa đá tập với nhau mà không có bất cứ góc soi nào của người ngoài. U-23 Nhật Bản đặt chỉ tiêu vô địch châu Á nên muốn giấu rất kỹ đội hình trong khi với đội tuyển U-23 Việt Nam được gặp “đại gia” là một diễm phúc lớn. Cho nên ông Miura mới tranh thủ xáo tung nhân sự lên nhằm tận dụng mọi cơ hội để tạo cho học trò có thể thích nghi với bất cứ cách sắp đặt nào của ông.

Thế nhưng để xác định việc chiến lược gia người Nhật sẽ chọn kiểu chơi nào cho từng đối tượng nào thì ngay cả bản thân các học trò ông cũng không thể trả lời nổi.

Rõ nhất là trường hợp của Đông Triều từng chơi trung vệ thì dưới sự nhào nặn của thầy Miura, anh phải đá được cả tiền vệ trung tâm lẫn chạy cánh. Hay như trung vệ Mạnh Hùng hoặc Thanh Hiền sau gần hai năm theo chân HLV Miura buộc phải chơi hoàn chỉnh ở bất cứ vị trí nào ông muốn.

Thầy trò HLV Miura luyện công với chuỗi trận không thắng nhưng vẫn tự tin ra chỉ tiêu vào tứ kết. Ảnh: XUÂN HUY

Có thể ông Miura đã tìm ra nhiều lối chơi cho các học trò tương ứng với từng đối thủ ở giải châu Á lần này, như hồi ông sử dụng họ chơi SEA Games mỗi trận là một đội hình khác nhau.

Cách chạy các đội hình của ông thầy người Nhật luôn gây khó hiểu cho giới làm nghề trong nước theo hướng chuyên môn hóa. Bởi rõ ràng đây không phải là lần đầu tiên HLV Miura thay đổi con người và lối chơi liên tục khiến người ta có cảm giác học trò ông không kịp thích nghi.

Vấn đề còn lại là hiệu quả của các lối chơi ấy chuẩn bị cho vòng chung kết châu Á vẫn là một sự thách đố bí hiểm, dù nó không còn lạ như hồi gục ngã ở trận bán kết SEA Games 28.

Hy vọng ông Miura có những ngón nghề độc còn giấu trong tay áo nhằm tung ra kịp thời ở vòng chung kết U-23 châu Á và buộc giới chuyên môn phải ngả mũ thán phục.

Chỉ có một trọng tài Đông Nam Á làm nhiệm vụ tại vòng chung kết U-23 châu Á

LĐBĐ châu Á (AFC) đã triệu tập 15 trọng tài và 18 trợ lý để điều hành tổng cộng 32 trận đấu vòng chung kết U-23 châu Á (từ ngày 12 đến 30-1). Chiếm số đông các trọng tài và trợ lý là của nước chủ nhà Qatar, UAE và Saudi Arabia…

Theo đó, khu vực Đông Nam Á chỉ có duy nhất trọng tài người Malaysia là ông Amirul Izwan Bin Yaacob. Khác hẳn với những năm trước còn có vài trọng tài Thái Lan, Singapore hay trợ lý của Việt Nam.

DUY ÂN

Học trò Miura chưa biết thắng

Sau hai tháng huấn luyện và chơi sáu trận giao hữu, đội tuyển U-23 Việt Nam vẫn chưa biết nếm mùi chiến thắng, với hai trận hòa, bốn trận thua. Học trò ông Miura đã thua hai trận (0-4 và 0-1) trước đội nghiệp dư JFL Selection, cầm hòa đội U-18 của CLB Osaka 2-2, hòa B. Bình Dương 1-1, thua hai trận ở Qatar trước đối thủ U-23 Yemen 1-2 và U-23 Nhật Bản 0-2. Đáng nói là trong số bốn bàn thắng của U-23 Việt Nam có đến ba bàn từ tình huống cố định (hai bàn từ chấm phạt đền 11 m), còn lại một bàn của Văn Toàn. Trong khi đó, 12 bàn thua thường xuất phát từ sai lầm của hàng phòng ngự theo kiểu “mời ông xơi” hoặc bởi sự vượt trội của đối phương.

TT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm