Phân khúc nhà ở và bất động sản công nghiệp thu hút nhiều sự quan tâm và tìm kiếm của nhà đầu tư nước ngoài. Dù đã có nhiều thương vụ M&A (mua bán, sáp nhập) diễn ra nhưng những vướng mắc về pháp lý vẫn là rào cản. Do vậy, các nhà đầu tư ngoại vẫn đang chờ đợi các Luật mới sẽ sớm triển khai với những quy định cụ thể, thủ tục rõ ràng để triển khai các dự án.
Tập đoàn ngoại tiếp tục đổ hàng ngàn tỉ vào bất động sản
Một nhà đầu tư ngoại liên tục đổ tiền vào bất động sản Việt Nam những năm qua bất chấp thị trường này đang khó khăn thanh khoản, đó là tập đoàn Gamuda Land. Giai đoạn 2021-2023, Gamuda Land thực hiện thành công 3 thương vụ M&A bất động sản.
Cụ thể, năm 2021, tập đoàn Malaysia đã thâu tóm lô đất 5,6 ha thuộc dự án khu nhà ở thương mại từ Công ty cổ phần Kinh doanh và phát triển Bình Dương với giá trị gần 54 triệu USD (tương đương 1.250 tỉ đồng). Dự án tọa lạc tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và được đổi tên thành Artisan Park.
Năm 2022, Gamuda Land sáp nhập Công ty TNHH MTV Xây dựng và kinh doanh Nhà Trường Tín, qua đó sở hữu khu phức hợp căn hộ cao tầng tại TP Thủ Đức (TPHCM). Dự án này có tên thương mại là Elysian, với diện tích khoảng 2,8 ha, tổng mức đầu tư gần 2.930 tỉ đồng.
Năm 2023, tập đoàn này mua lại cổ phần Công ty cổ phần Bất động sản Tâm Lực với giá gần 316 triệu USD (khoảng gần 7.200 tỉ đồng). Dự án có diện tích khoảng 3,68 ha. Gamuda Land đã đổi tên dự án thành Eaton Park và được triển khai mở bán rầm rộ trong những tháng đầu năm 2024.
Một tập đoàn khác đến từ Singapore là CapitaLand cũng đánh giá bất động sản Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển dự án nhà ở. Cuối năm 2023, CapitaLand vừa công bố dự án căn hộ cao cấp với tên gọi Lumi Hanoi tại Hà Nội. Tổng giá trị phát triển dự án dự kiến khoảng hơn 1 tỉ SGD (đô la Singapore) tương đương khoảng 18.000 tỉ đồng. Theo đó, dự án rộng gần 5,6 ha, dự kiến khởi công vào đầu năm 2024 với khoảng 4.000 căn hộ.
CapitaLand đã công bố mua lại tổ hợp 364 căn hộ Somerset Metropolitan West Hanoi. Ngoài ra, CapitaLand cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện 1 dự án căn hộ cao cấp khác là Heritage West Lake, thông qua hợp tác với Công ty Hiền Đức. Dự án được xây dựng trên khu đất rộng gần 9.000 m2 nằm sát Hồ Tây, cung cấp khoảng 173 căn hộ hạng sang ra thị trường.
Trước đó, một ông lớn bất động sản của Singapore, tập đoàn Keppel Corporation đã khởi xướng việc mua lại 49% cổ phần trong hai dự án khu dân cư liền kề tại TP.HCM từ nhà phát triển bất động sản Việt Nam Khang Điền với giá 3.200 tỉ đồng.
Các doanh nghiệp trong nước cũng xu hướng M&A và hợp tác với các tập đoàn nước ngoài như tập đoàn Kim Oanh ký kết hợp tác với Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore); Hưng Thịnh hợp tác với Tập đoàn Nhật Bản Marubeni thực hiện dự án trung tâm hành chính mới TP Thủ Đức…
Đợi Luật mới có hiệu lực, dòng vốn ngoại tiếp tục đổ bộ
Các chuyên gia dự báo một lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2026, cùng với đó nhiều giao dịch đang trong quá trình đàm phán tích cực. Đặc biệt là khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm từ 1-8-2024, dòng vốn từ các tập đoàn nước ngoài sẽ tiếp tục “chảy” mạnh vào Việt Nam.
Ông Matthew Powell, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam đánh giá, mặc dù thị trường khó khăn, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bất động sản tổ chức và doanh nghiệp. Nhu cầu từ các nhà đầu tư, đặc biệt là trong khu vực rất lớn, đơn cử như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản đang đặc biệt quan tâm đến các tài sản thương mại đang vận hành cũng như các dự án nhà ở.
Bên cạnh đó, lợi thế của Việt Nam nằm ở dân số, tỷ lệ đô thị hóa, tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện tại, vì vậy Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Dù vẫn tồn tại những thách thức, những thăng trầm của chu kỳ thương mại, nhưng về lâu dài, các nhà đầu tư vẫn rất quan tâm tất cả các lĩnh vực của thị trường bất động sản tại Việt Nam.
Ngoài ra, ông Matthew Powell cho biết một số nhà đầu tư chuyên môn hơn, họ quan tâm đến các trung tâm dữ liệu, một số khác tập trung vào logistics, khu công nghiệp, kho bãi. Phần lớn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) liên quan đến sản xuất, vì vậy FDI quốc tế tập trung vào các địa điểm sản xuất chất lượng cao.
Đã có một số giao dịch diễn ra trong lĩnh vực nhà ở với các nhà đầu tư Singapore, các giao dịch tập trung vào lĩnh vực thương mại ở TP. HCM, giao dịch khách sạn, giao dịch logistics, cho thấy sự quan tâm rất lớn đến nhiều khía cạnh.
Theo các chuyên gia của Savills Việt Nam, khi các Luật mới liên quan đến thị trường bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản có hiệu lực sẽ giúp hành lang pháp lý rõ ràng, các vướng mắc pháp lý được tháo gỡ. Và các luật mới sẽ rút ngắn thủ tục triển khai dự án, nhiều chính sách thu hút nhà đầu tư được áp dụng sẽ là cơ hội tốt để các nhà đầu tư nước ngoài triển khai các thương vụ M&A và triển khai dự án.
Hiện nay, nhà đầu tư ngoại bắt đầu chuyển vốn vào các dự án bất động sản tại Việt Nam theo hình thức mua lại cổ phần. Nhóm các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia... Quy mô vốn cho mỗi thương vụ khoảng 20 - 50 triệu USD. Xét về phân khúc, nhà ở và bất động sản công nghiệp vẫn là hai phân khúc thu hút nhiều sự quan tâm và tìm kiếm của nhà đầu tư.
Bà TRANG BÙI, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, chuyên gia bất động sản cho biết lý do các dòng FDI đổ vào các ngành sản xuất, nhà máy, dịch vụ, khu công nghiệp tăng lên, kéo theo các nhà đầu tư của các nước đó qua Việt Nam để cung cấp các dịch vụ về bất động sản nhà ở, văn phòng phục vụ cho chính nhu cầu dòng vốn đó. Thế nhưng, với dòng vốn chỉ khoảng 2 - 3 tỉ USD thời gian vừa qua vẫn khá khiêm tốn, nguồn vốn trong nước vẫn đóng vai trò chủ đạo.
Dù Quốc hội đã thông qua 3 luật liên quan bất động sản có hiệu lực sớm, nhưng theo ông Khương vẫn cần phải có thời gian chờ các văn bản hướng dẫn dưới luật.
Vốn ngoại đổ vào bất động sản Việt Nam tăng mạnh hơn 70%
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến ngày 20-5- 2024, tổng số FDI đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần) đạt hơn 11 tỉ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đầu tư mới vẫn duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ kể cả về số dự án và vốn đầu tư.
Ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2 tỉ USD, chiếm gần 18% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng gần 71% so với cùng kỳ.