Dòng vốn ngoại đổ vào căn hộ vừa túi tiền

(PLO)- Nhiều công ty, quỹ đầu tư nước ngoài đang đổ tiền để đầu tư, phát triển các dự án căn hộ vừa túi tiền tại Việt Nam.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các chuyên gia kỳ vọng dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp (DN) ngoại, quỹ đầu tư nước ngoài vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền trong thời gian gần đây sẽ giúp phục hồi thị trường bất động sản Việt Nam (VN).

Vốn ngoại đổ vào các dự án căn hộ vừa túi tiền
Với sự tiếp sức của nhà đầu tư ngoại, nguồn cung căn hộ vừa túi tiền năm 2024 được kỳ vọng sẽ tăng. Ảnh minh họa: Q.HUY

Nhà đầu tư ngoại chọn xây nhà vừa túi tiền

Cụ thể, mới đây Công ty CP Đầu tư TTCapital cùng hai đối tác đến từ Nhật Bản là Cosmos Initia và Koterasu Group đã ra mắt liên doanh hợp tác chiến lược, đồng hành dài hạn trong việc phát triển các dự án bất động sản vừa túi tiền.

Hai DN Nhật Bản sẽ đầu tư khoảng 150 triệu USD cho TTCapital trong vòng năm năm tới, mục tiêu mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 1.000 căn hộ vừa túi tiền. Dự án đầu tiên mà liên doanh đầu tư nằm tại tỉnh Bình Dương với quy mô khoảng 2.000 căn hộ, giá dưới 35 triệu đồng/m2, tương đương dưới 2 tỉ đồng/căn. Đại diện liên doanh chia sẻ phải ưu tiên tìm quỹ đất tại các tỉnh lân cận TP.HCM mới đảm bảo được yếu tố về giá mềm và pháp lý dự án.

Một DN khác đang dẫn đầu về phân khúc nhà ở vừa túi tiền là Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long tiếp tục nhận được sự đồng hành của đối tác nước ngoài vào việc phát triển phân khúc này. Ngay trong quý IV-2023, Nam Long đã giới thiệu hơn 500 sản phẩm căn hộ vừa túi tiền tại Long An, giáp TP.HCM, giá mỗi căn từ 1 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long, dự án nhà ở vừa túi tiền nhận được sự đồng hành từ Tập đoàn Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản), hướng đến những chuẩn mực mới về thiết kế, chất lượng sản phẩm. DN cũng ưu tiên mở rộng quỹ đất cho sản phẩm nhà ở vừa túi tiền để đáp ứng nhu cầu thị trường và mục tiêu phát triển DN trong những năm tiếp theo.

Tương tự, Kim Oanh Group trong năm 2023 cũng đã hợp tác với đối tác quốc tế là Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore) để phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, Kim Oanh Group đặt mục tiêu sẽ phát triển 26 dự án (gồm 23 dự án nhà ở xã hội và 3 dự án nhà ở vừa túi tiền) với tổng cộng khoảng 40.000 sản phẩm.

Dự kiến năm 2024, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền sẽ phát triển mạnh ở các tỉnh lân cận TP.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai.

Năm 2024, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền sẽ phát triển mạnh ở các tỉnh lân cận TP.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai.

Cần trợ lực từ cơ chế, chính sách

Ông Nguyễn Xuân Quang lý giải dòng vốn nước ngoài chọn phân khúc căn hộ vừa túi tiền vì sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực. Có thể thấy dòng vốn rất quan trọng trong việc phát triển dự án nhà ở, để bất động sản dễ sở hữu hơn, DN phải hợp tác với các đối tác tài chính và các đối tác chiến lược có tiềm lực mạnh.

DN phải tính toán kỹ lưỡng dựa trên nhu cầu thực tế của người mua nhà, khả năng hấp thụ của thị trường, khả năng tài chính của DN… để đưa ra những sản phẩm phù hợp và bán đúng cái thị trường cần.

“Liên doanh với các nhà đầu tư quốc tế trong phát triển dự án, chúng tôi chủ động được nguồn vốn giá rẻ, giảm áp lực thanh toán cho người mua nhà... Bản thân DN phải luôn giữ được sự lành mạnh trong bức tranh tài chính, đảm bảo hoạt động liên tục, bền vững. DN phải đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của đối tác ngoại về khả năng quản trị, phát triển dự án lẫn sự minh bạch trong cấu trúc vốn và vận hành mới có thể thu hút được dòng vốn ngoại” - ông Quang chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Quang cho rằng để gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội, căn hộ vừa túi tiền thì vẫn cần trợ lực tháo gỡ vướng mắc pháp lý, đơn giản hóa thủ tục đầu tư xây dựng dự án.

TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế, cho rằng nhà đầu tư nước ngoài đã nghiên cứu, đánh giá rất kỹ chính sách, thị trường trước khi rót vốn đầu tư. Thực tế bất động sản vẫn duy trì sức hấp dẫn rất lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài vì dân số VN là trên 100 triệu người, nhu cầu về nhà ở và văn phòng tại các đô thị rất lớn.

Hiện nay, các đơn vị nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản từ Nhật Bản, Singapore hay Hàn Quốc… đều là những DN sẵn sàng hợp tác đầu tư trong điều kiện dự án có cơ sở pháp lý tốt, điều kiện mặt bằng sẵn sàng và chủ đầu tư quyết tâm trong việc hợp tác kinh doanh.

Các quỹ đầu tư và chủ đầu tư nước ngoài có mặt lâu năm tại VN đều có nhiều năm hoạt động, nghiên cứu nên am hiểu thị trường trong nước. Những chủ đầu tư được tiếp thêm dòng vốn ngoại sẽ nhanh chóng có nguồn cung mới, từ đó mang tín hiệu tích cực hơn cho thị trường trong năm 2024.

“Tuy nhiên, để tháo nguồn cung căn hộ vừa túi tiền thì thách thức chính vẫn là thủ tục pháp lý. Hiện nay Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ, các dự thảo luật đang dần hoàn thiện, chúng ta có thể kỳ vọng vào điều này” - ông Nhân nói.•

Năm 2023, gần 4,7 tỉ USD đổ vào bất động sản

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20-12-2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào VN (FDI) đạt gần 36,6 tỉ USD, tăng 32% so với cùng kỳ.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỉ USD, chiếm 64% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 4,7 tỉ USD, chiếm gần 13% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ.

Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư vào VN hơn 6,8 tỉ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư vào VN. Nhật Bản đứng thứ hai với gần 6,5 tỉ USD, chiếm hơn 18% tổng vốn đầu tư vào VN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm