Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết tỉ trọng nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc bình dân (dưới 25 triệu đồng/m2) trên tổng nguồn cung nhà ở liên tục tụt giảm dần qua các năm.
Cụ thể, tỉ trọng nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc bình dân từ mức 30% vào năm 2019 chỉ còn 7% vào năm 2022 và năm 2023 chỉ đạt 6%.
Giai đoạn 2019-2022, tỉ trọng căn hộ trung cấp (25-50 triệu đồng/m2) cũng sụt giảm xuống mức lần lượt là 54%, 46%, 34%, 27% với nguồn cung chủ yếu đến từ các sản phẩm có giá 40-50 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, nhu cầu mua nhà ở thực luôn dẫn đầu với tỉ trọng 80%, còn lại 15% là nhu cầu đầu tư dài hạn và 5% là đầu cơ. Trước bối cảnh đó, VARS cho rằng cùng với loại hình nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền sẽ là xu hướng phát triển chính, mạnh mẽ trên thị trường trong giai đoạn tới.
“Phát triển nhà ở vừa túi tiền sẽ mở ra cơ hội giải quyết tình trạng lệch pha cung cầu, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của đa số người dân có thu nhập ở mức trung bình và cận trung bình, kéo giảm mặt bằng giá nhà ở của toàn bộ thị trường” - VARS nêu trong báo cáo giữa tháng 1 của mình.
Theo VARS, giá nhà ở vừa túi tiền là mức hợp lý khi mỗi hộ gia đình có thể cân bằng giữa chi phí nhà cửa và các chi phí sinh hoạt khác trong phạm vi của thu nhập của họ. Theo đánh giá tại nhiều nước trên thế giới, nhà ở vừa túi tiền là chi phí nhà cửa chiếm không quá 30% tổng thu nhập của hộ dân.
Với một hộ gia đình có thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng, 30% chi phí này tương đương với khoản tích lũy khoảng 100 triệu đồng/năm thì nhà ở vừa túi tiền có mức giá khoảng 2-2,5 tỉ đồng/căn hộ.
Thực tế hiện nay, rất khó để có phát triển được các dự án căn hộ có mức giá trong khoảng trên, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, VARS tin rằng nếu cả hệ thống thị trường cùng chung tay, nỗ lực, các chính sách về nhà ở theo hướng kinh tế thị trường, loại hình nhà ở vừa túi tiền sẽ phát triển.
Về phía Nhà nước, cần đưa ra định nghĩa chính thức về nhà ở vừa túi tiền, nghiên cứu các cơ chế, chính sách ưu đãi dành riêng cho nhà ở vừa túi tiền với mục tiêu chính là khuyến khích chủ đầu tư tham gia phát triển nguồn cung phân khúc này, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các hộ gia đình có thu nhập trung bình hoặc cận trung bình.
Các chính sách này có thể là tín dụng ưu đãi dành riêng để tăng sức mua hay tăng mức thuế đối với căn nhà thứ hai, thứ ba để giảm động lực đầu cơ và tiền thuế có thể được quay vòng về hỗ trợ các đối tượng có nhu cầu thực sự.