Cạnh đó, kết quả khảo sát cũng cho thấy khách hàng hài lòng với dịch vụ 3G của các nhà mạng. Người dùng chấm điểm trung bình cho dịch vụ này ở mức 8,05/10. Những chỉ số này đã nhận được rất nhiều ý kiến chất vấn của báo chí trong buổi công bố bởi lẽ, nó không phù hợp với thực tế khi mà dịch vụ 3G ở nước ta vẫn bị người sử dụng than là có giá cao và chất lượng kém.
Đáng kể hơn, khảo sát này được thực hiện từ 576 người, trong đó, Hà Nội có 206 người tham gia, TP.HCM 196 người và Đà Nẵng 174 người.
Kết quả của con số khó tin này được lý giải một phần ở việc thiết kế câu hỏi khảo sát. Cụ thể, câu hỏi mà GfK đặt ra cho những người được khảo sát là "Giả sử nhà cung cấp dịch vụ 3G mà anh chị đang dùng tăng giá cước 3G thì anh/chị chấp nhận được mức tăng bao nhiêu?", với những câu trả lời tương ứng là Dưới 5%; từ 5-10%; từ 10-20%; trên 30% và Không đồng ý tăng. Dạng câu hỏi này được coi là đã “đóng khung” thậm chỉ có ý tạo ra sự sai lệch về lực chọn của người tham gia khảo sát.
Không hài lòng với kết quả này, Báo điện tử Vietnamnet.vn cũng đã thực hiện một khảo sát tương tự với câu hỏi: Theo bạn, các nhà mạng có nên tăng cước 3G ở thời điểm hiện tại không? Các lựa chọn bao gồm: Tăng 5% hoặc thấp hơn; Tăng 5-10%; Tăng trên 10% và cuối cùng là Không tăng. Kết quả (tính đến khoảng 14 giờ 50 ngày 24-4) 98,25 % lựa chọn phương án “Không tăng” với tổng số 2.860 người lượt tham gia bình chọn.
Phát biểu tại buổi công bố, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đánh giá việc hãng nghiên cứu khảo sát với số mẫu thấp có thể dẫn đến sai số lớn so với thực tế. Hơn nữa, việc chỉ khảo sát ở 3 thành phố lớn sẽ không thể đại diện cho các vùng miền khác. "Chỉ nên coi đây là một kênh thông tin mới để tham khảo chứ không phải là số liệu chính thống của Bộ", Thứ trưởng nói.
Dù chỉ là kênh tham khảo, nhưng một kênh tham khảo đưa ra một con số bất ngờ như thế không thể không tạo ra lo ngại. Liệu đây có phải là động thái “dọn đường” cho việc tăng cước 3G tiếp theo của nhà mạng với lý do “nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của người dùng”.