Gần tết, ở vùng thôn quê người ta thường tát ao, đìa gần nhà để chọn ra những con cá lóc cỡ cườm tay (cá lớn quá khó chín, cá nhỏ quá không ngon). Lấy nhánh tre, trúc tươi xỏ xiên từ miệng cá đến đuôi cá. Chọn bãi đất trống cắm ngược đầu cá xuống đất, chất rơm khô để đốt nướng. Người có kinh nghiệm chọn lượng rơm vừa phải để khi rơm cháy hết thì cá cũng vừa chín tới. “Rơm vàng nướng cá lóc đồng. Khế chua, chuối chát đậm nồng tình quê”.
Bày cá ra lá chuối xiêm, hoặc lá sen, dùng rơm cạo vẩy khét bên ngoài. Phải làm nhanh và thật đều tay, không được giập thì cá mới ngon. Nếu để cá nguội, vẩy khét sẽ mất độ giòn và dính chặt vào da cá, sẽ cạo không hết khét hoặc da cá bị trầy xước, khó coi. Sau đó, dùng tay mở bung lưng cá ra theo dọc chiều xương sống.
Ăn cá lóc nướng trui với bún cuốn bánh tráng cùng rau rừng mọc quanh vườn với đủ loại như lá xoài, lá nhàu, lá cách, cát lồi, ngò gai, rau muống, đọt sộp, lá lụa, lá cóc, hay khế chua, chuối chát… chấm với nước mắm me, ớt hiểm. Có người chỉ chấm với muối cục cho mặn mòi. Món ăn này tối kỵ dùng nước mắm pha với chanh, giấm, mất ngon!
Anh em lối xóm, họ hàng quây quần bên con cá nướng trui nhâm nhi ly rượu đế thấy… khỏe re cuộc đời. Cao hứng ngâm nga vài ba câu vọng cổ, tình làng nghĩa xóm càng thêm thắt chặt. Ruột và đầu cá là phần ngon nhất thường được đem ra “đấu giá” bằng vài ba ly rượu hoặc chỉ dành cho bậc trưởng thượng trong bữa ăn. “Bắt con cá lóc nướng trui. Làm mâm rượu trắng, đãi người phương xa”.
Món ăn dân dã mà làm cho hương vị năm mới đậm đà, quyến luyến hồn người, tình quê.
MINH THƯƠNG