Ngày xuân đi tết thầy

1. Đến nay đã chẵn mười năm nhưng lòng tôi vẫn còn đầy cảm xúc khi nhớ về buổi sáng một ngày giáp tết năm 2003. Ngày ấy nắng xuân vàng như rót mật, trời mát dịu, có hai người “học trò” cao tuổi đến chúc tết thầy Trần Văn Giàu bước sang tuổi 92. Lúc đó nhà thầy Giàu còn nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 1, TP.HCM). Hai “trò” hôm ấy là GS-NGND Hoàng Như Mai năm ấy đã 85 tuổi và PGS-NGƯT Trần Hữu Tá cũng đã gần độ tuổi 70 xưa nay hiếm.

Đại diện sinh viên ĐH Lạc Hồng tặng hoa cho thầy cô. Ảnh: NHỰT TRINH

Thầy và trò, những mái đầu đã bạc phơ tay bắt mặt mừng. Trong phòng khách nhỏ đơn sơ, không cành mai chưng tết nhưng không khí ấm cúng như lòng người hôm ấy vậy.

Hơn năm mươi năm về trước, GS-NGND Hoàng Như Mai về dạy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nơi thầy Giàu làm trưởng khoa. Dù là đồng nghiệp nhưng thầy Mai vẫn coi thầy Giàu như người thầy của mình trong cả nghề nghiệp và đường đời. Đến nay, dù đã ở vào tuổi thượng thọ nhưng thầy Mai vẫn tự xem mình là một “trò nhỏ” khi ở bên thầy Giàu. Còn thầy Trần Hữu Tá thì hạnh phúc và tự hào được là học trò của thầy Giàu hơn 50 năm trước khi thầy là còn sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Buổi chúc tết thầy năm ấy, mở đầu câu chuyện, hai “trò” hỏi thăm sức khỏe và kính chúc thầy Giàu đại thọ. Thầy Giàu nhìn hai “trò” mắt lấp lánh niềm vui. “Còn được như vầy là tốt lắm rồi” - thầy Giàu đưa một cánh tay lên. Rồi thầy Giàu mời mọi người ngồi, rót nước trà ra tách. Bàn tay đã yếu run run. “Trò” Mai vội đỡ bình trà từ tay thầy châm đầy những tách còn lại. Nhắp ngụm trà, thầy Giàu nói: “Trước đây mình mong sống đến thiên niên kỷ mới để xem năm 2000 ra sao. Nay đã bước sang năm 2003 rồi, vầy là thọ lắm rồi”…

Cả ba đều là những người thầy mà tôi rất mực kính trọng. Họ đã đi qua bao vinh quang nhưng cũng lắm nhọc nhằn của đời người. Hôm ấy, bước vào tuổi xế chiều của cuộc đời, họ ngồi lại với nhau như người thân trong gia đình. Họ kể cho nhau những niềm vui nhỏ thường ngày hoặc những dự định sắp tới với bầu máu nóng như của tuổi thanh niên. Theo câu chuyện, họ nói cười vui vẻ mà vẫn giữ sự tôn kính. Những phù hoa của cuộc đời réo gọi bên ngoài song cửa nghe cứ nhỏ dần. 

Với tôi, hôm ấy là ngày hạnh phúc nhất, vì thật là may mắn được có mặt trong ngày chúc tết thầy đặc biệt này. Tình nghĩa thầy trò trên nửa thế kỷ giữa họ vẫn như ngày nào. Nay dù tuổi đã cao, đi lại khó khăn nhưng ngày tết nào các “trò” cũng tìm đến, tỏ chút lòng tôn kính người thầy mà không phải lớp hậu sinh như chúng tôi ai cũng hiểu được.

Hôm ấy thầy Giàu vui, lần mở chai rượu rót mỗi người một chén nhỏ mắt trâu. Chỉ một ly thôi cho buổi sáng xuân hôm đó thêm nồng ấm.

Năm 2010, nghe tin thầy Giàu mất, thầy Mai lúc này đã 92 tuổi, xúc động nhớ lại: “Thầy Giàu là một trưởng khoa cực kỳ nghiêm khắc. Thầy đã rèn cho chúng tôi cách làm việc khoa học nghiêm túc với một tinh thần không biết mệt mỏi”. Còn thầy Tá đã viết về thầy mình bằng những dòng trân trọng: “Thầy Trần Văn Giàu là một trong những thần tượng của chúng tôi thời đó. Những năm cuối đời, dù tuổi đã cao, sức có giảm nhưng trí vẫn sáng, lòng vẫn son. Thầy luôn là mẫu mực để chúng tôi tự hào, noi theo, vươn tới”.

 

Thầy cô và sinh viên Đại học Lạc Hồng chụp hình lưu niệm tại lễ tết thầy cô năm 2012 ở Văn Miếu Trấn Biên, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Ảnh: NHỰT TRINH 

 2. Nhớ cái tết Đinh Hợi 2007, chúng tôi đến thăm và chúc tết thầy Dương Thiệu Tống. Nhà thầy nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3, TP.HCM). Năm đó thầy đã 82 tuổi, sức khỏe đã yếu đi nhiều. Chúng tôi là những người làm báo, chưa được vinh dự là học trò của thầy nhưng luôn kính trọng ông như chính người thầy của mình. Chúng tôi xếp hàng, kính cẩn chúc thầy mạnh khỏe, sống lâu để còn đem sự hiểu biết của thầy giúp ích cho xã hội. Thầy nói: “Mỗi lần có các anh chị đến, tôi như sống thêm được mười tuổi”. Chúng tôi không nén được nỗi xúc động, tự trách lòng sao không đến thăm thầy sớm hơn. 

Trong không khí thầy trò, thầy Tống chợt nhớ về một người thầy của mình vừa mất và kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện thật cảm động. Thầy kể hằng năm bạn bè thầy thường hẹn nhau đến chúc tết các thầy giáo mình dịp cuối năm. Năm đó, có một thầy cũ người Pháp - dạy ở Trường Providence (Thiên Hựu, Huế ) cách nay hơn 70 năm - từ Pháp sang Việt Nam chỉ cốt gặp lại các trò cũ. Buổi họp mặt năm đó ở TP.HCM rất đặc biệt vì người thầy đã ở tuổi 95 và những học trò thì ai cũng ở tuổi “xưa nay hiếm”. Hơn nửa thế kỷ rồi họ mới gặp nhau, vậy mà vị thầy giáo xưa vẫn nhớ tên nhiều cậu học trò của mình thời ấy.

Với giọng thều thào, người thầy nhắc đến một người học trò cũ bị tật ở chân, trong giờ chơi ngồi khóc ở cầu thang vì không tham dự được trận đá banh cùng chúng bạn. Người thầy đi ngang qua, bắt gặp và hiểu thấu nỗi lòng của trò, liền lấy một cây gậy tập cho trò đi và khuyến khích anh ra chơi cùng các bạn. Sau đó, người thầy làm cho anh cây nạng, từ đó anh cảm thấy phấn khởi, tập đi nạng rất thành thạo và có thể tham gia các hoạt động thể dục thể thao của nhà trường như một người bình thường.

Đã hơn nửa thế kỷ rồi, người thầy không biết cậu học trò bị tật ở chân năm xưa giờ nơi đâu? Thật kỳ diệu, người học trò cũ ấy cũng có mặt trong buổi gặp mặt hôm đó và đang đứng trước mặt thầy. Thầy trò gặp nhau mừng vui khôn xiết. Người học trò ấy tên là Dương Quang Thiện. Sau bậc trung học, ông được học bổng sang Pháp du học, rồi tốt nghiệp kỹ sư điện tử Đại học Bordeaux, làm cho hãng bia BGI. Sau 1975, ông nhất quyết ở lại Việt Nam và đã bỏ tiền riêng ra xây hàng trăm lớp học ở những vùng nghèo, xa xôi hẻo lánh của miền Trung.

Kể xong câu chuyện, thầy Tống nói: “Tôi nay đã độ tuổi xưa nay hiếm mà mỗi độ xuân về lại nôn nao nhớ thầy”.

Ai ngờ, tết năm đó cũng là lần cuối cùng chúng tôi đi chúc tết thầy. Qua năm 2008, thầy Dương Thiệu Tống mất.

Ngày xuân đi tết thầy ảnh 3

GS-NGND Hoàng Như Mai, PGS-NGƯT Trần Hữu Tá (thứ ba, tư từ trái qua) đến chúc tết thầy Trần Văn Giàu (thứ hai từ trái qua). Tác giả bài viết bên trái. Ảnh: N.HỮU

3. Phong tục tốt đẹp ấy ngỡ sẽ phai nhạt dần theo năm tháng, khi mà đó đây xuất hiện ngày càng nhiều những chuyện không vui, những hình ảnh xấu về quan hệ thầy trò thời nay. Thì mới năm ngoái, một người bạn thầy giáo dạy học ở Đồng Nai rủ tôi về chơi và tham dự lễ chúc tết thầy cô của trường anh. Tôi ngạc nhiên, có chuyện đó thật ư? Sáng mùng ba tết, tôi theo thầy trò anh kéo nhau về Văn Miếu Trấn Biên, TP Biên Hòa. Thầy và trò làm lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền hiền. Trong không khí thiêng liêng ấy, các trò cử đại diện tặng hoa và chúc tết thầy cô. Hình ảnh thật đẹp. Trước mặt tôi, nghĩa thầy trò vẫn còn đó, nặng tình và đầm ấm.

Lễ chúc tết thầy cô được UBND TP Biên Hòa biến thành chủ trương và tổ chức thực hiện đã mấy năm nay. Ngày càng có nhiều trường tham gia. Xem vậy, cái đẹp văn hóa trong một giai đoạn nào đó có thể bị lu mờ chứ nhất định không thể mất đi!

TỪ NGUYÊN THẠCH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm